Trở về sau hai tháng đi một vòng các bang của Hoa Kỳ để đọc thơ và tiếp xúc với nhiều đại diện của thơ ca và công chúng Mỹ, nhà thơ Hoàng Hưng đã có cuộc trò chuyện với bạn đọc. Ấn tượng của Hoàng Hưng trong chuyến đi này không chỉ là cơ hội được gặp mặt các nhà thơ mà ông vẫn dịch tác phẩm của họ mà còn là cách giới thiệu thơ của họ với công chúng.
- Anh đã hoàn tất chuyến "đem thơ đi đến xứ người" của mình. Hãy nói chút ít về những cuộc giao lưu để lại ấn tượng nhất cho anh.
- Điều tôi ghét nhất và cũng chán nhất trong chuyện đem văn hóa ra nước ngoài là thái độ hiếu hỉ, hữu nghị hoặc tò mò xem vật lạ. May mắn là tôi không bị rơi vào trường hợp đó. Có lẽ vì đối tượng giao lưu của tôi phần lớn là nhà thơ, nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành Đông Nam Á hoặc khoa viết văn.
- Anh đã gặp gỡ những nhà thơ có uy tín ở Mỹ. Anh thấy không gian và hình thức thơ của họ có gì khác lạ?
- Những người tôi tiếp xúc đều là đại diện của những khuynh hướng rất khác biệt. Chỉ ở San Francisco: Trong khi Paul Hoover, nhà thơ thường trú tại Trường Columbia College Chicago, chủ biên cuốn sách Thơ hậu hiện đại Mỹ, khá tiêu biểu cho tinh thần cấp tiến dung hoà và có phần hàn lâm, thì Michael Palmer, ở tuổi 70 vẫn là nhà cách tân tầm quốc tế, trộn lẫn ký hiệu, ý nghĩa và ngôn từ. Bei Dao, người chỉ thua đồng hương Trung Quốc của mình là Cao Hành Kiện vài phiếu trong giải Nobel văn chương 2000, thì đem đến cho thơ Mỹ một phong vị Trung Hoa hiện đại với cái nhìn vũ trụ. Khi đọc và tiếp xúc với họ, tôi cảm thấy rõ hơn thiếu sót lớn của bản thân mình cũng như thơ của Việt Nam ta là tầm tư duy về triết-mỹ-học.
- Thực sự có hay không nhu cầu về thơ trong một xã hội như xã hội Mỹ?
- Xã hội Mỹ là một xã hội đa văn hóa, nên thơ cũng có đất sống như bất cứ thứ gì mà con người có thể nghĩ ra. Mỗi tập thơ ở Mỹ in lần đầu cũng chỉ dăm trăm bản, một buổi đọc thơ lý tưởng là có khoảng trăm người nghe. Việc duy trì sự sống của thơ được giao phó cho ngành giáo dục cao đẳng. Hàng ngàn trường có khoa viết văn, và các khoa tiếng Anh trong mấy ngàn trường đều có bộ môn hoặc phân môn viết văn. Song đó cũng là một nguy cơ của thơ Mỹ: hàn lâm hóa do lối thơ của các giáo sư tạo nên. Phần lớn các nhà thơ Mỹ hiện nay sống bằng nghề dạy học, nếu có chức danh giáo sư thì lương rất cao (có thể tới 100.000 USD/năm).
- Những sinh hoạt thơ mới lạ mà anh được dự? Là một nhà thơ có khuynh hướng cách tân, anh có "thẩm thấu" được những cái lạ ấy?
- Khuynh hướng thơ trình diễn là đáng chú ý nhất. Tôi đã dự một buổi đọc thơ ở quán bar Punky Buddha, Chicago (các nghệ sĩ biểu diễn, nghệ sĩ nhạc jazz và nhà thơ Mỹ thường sinh hoạt ở các quán bar). Một nhà thơ chiếm micro tới nửa giờ, ông đọc thơ như kiểu nhạc rap có kèm động tác và dùng một máy cassette phát tiếng động trong đời sống hoặc âm nhạc để phụ họa. Hài hước là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ ai xuất hiện trước công chúng kể cả chính khách, nhà nghiên cứu, hay nhà thơ.
- Sau chuyến đi này, anh có chương trình gì khác nữa?
- Trước hết là phải tiếp tục công việc giới thiệu tác phẩm của 12 nhà thơ Việt Nam qua tiếng Pháp mà tôi bỏ dở vì chuyến đi. Song song là hoàn thành tuyển tập thơ Allen Ginsberg mà tôi đã khởi sự từ mười năm trước.
(Theo Thanh Niên) |