(VietNamNet) - Vài năm gần đây, tác giả thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nổi lên như một hiện tượng, với những tìm tòi đổi mới cấu trúc câu thơ, sự bất ngờ từ những ý tưởng sáng tạo. Dường như anh đang là một trong những đại diện cho một giọng nói mới, đương nhiên là gây ra tranh cãi trong giới văn học. Nhân tập thơ mới ''Vỉa Từ'' sắp ra mắt, chúng tôi đã thực hiện một cuộc trao đổi về những gì ẩn chứa sau những tập thơ của anh.
|
Tác giả thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh |
- Tập ''Vỉa Từ'' sắp ra đời, theo anh, có hoàn toàn thoát được khỏi bóng đổ của tập thơ trước là ''Chất Trụ'' hay không, tôi muốn đề cập trên phương diện phong cách nghệ thuật?
- Hoàn toàn khác. Tôi phải khẳng định điều đó. Tôi quan tâm đến hai vấn đề lớn trên con đường sáng tạo của mình là Siêu hình học và Ngôn ngữ học. Nếu tập ''Chất trụ'' tập trung toàn bộ mối quan tâm của tôi về Siêu hình học, thì với tập ''Vỉa Từ'', vấn đề của nó là ngôn ngữ.
Trong một lần trả lời trên báo trực tuyến của Đức, tôi có nói đại ý rằng, các nhà thơ Việt sử dụng tiếng Việt nhưng lại bỏ quên tiếng Việt. Đó là xem ngôn ngữ như một phương tiện chuyển tải, chứ chưa xem nó như một đối tượng sáng tạo. Có nghĩa, chúng ta cứ mặc sức thừa hưởng di sản của tổ tiên như một điều tất nhiên, chứ không ai quan tâm đến việc cải tổ, tìm kiếm lại chúng, sáng tạo lại chúng trong một hình thức mới. Đó là chưa kể nhiều nhà thơ sa đà vào việc bắt bẻ những công trình tâm huyết của các nhà ngôn ngữ học với nhiều lí luận phá đám, cản trở, buồn cười và ngô ngọng. Điều mà đáng ra các thi sĩ phải ủng hộ, và đề cao trước nhất.
Vai trò của nhà thơ, nghĩ cho cùng, là vai trò của chữ. Chữ nảy nở và tái sinh dưới quan điểm của Nghệ thuật mới. Tôi tâm đắc với quan điểm của nhà phê bình Roland Barthes trong cuốn Lé degré zéro de l’é criture: ''Mỗi chữ trong thơ hiện đại tồn tại một vỉa địa chất sinh tồn mang tất cả các nội dung của Từ, chứ không chỉ một nội dung có tính chọn lọc như trong văn thơ cổ điển''. Tập ''Vỉa Từ'' tập trung vào vấn đề này nên hoàn toàn mang một phong cách mới về nghệ thuật. Có lẽ sẽ không có nhiều người thích, nhưng trong những tác phẩm đã viết của tôi, đây là cuốn tôi thích nhất.
- Anh vốn nổi tiếng bởi những tìm tòi trong cấu trúc câu thơ. Anh có ý thức tìm cách mở rộng khả năng biểu đạt của câu thơ trong tiếng Việt hay không? Anh quan niệm thế nào về nhạc tính trong câu thơ Việt, có phải cứ nhiều âm vận, vần vèo, là giàu nhạc tính hay không?
- Nhạc tính bắt đầu từ cảm quan và ý thức của mỗi người. Nó bị chi phối và ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh xã hội và điều kiện sống. Nhưng tôi thích một câu của V.Bela: ''Thế kỉ XIX: Thế giới là tôi. Thế kỉ XX, tôi không phải là thế giới!''.
Nhạc tính trong thơ Việt tù đọng, chậm thay đổi bắt đầu từ lí do cấu trúc của thơ Việt không thay đổi. Khi anh bắt đầu một cấu trúc khác, anh sẽ lắng nghe được một nhạc tính khác. Lúc đó anh mới thấy, mới cảm hết cái hay của điều đang xảy ra.
Thơ hiện đại phải chống công thức, chống thói quen. Đó cũng là điều thú vị nhất của thơ. Còn nếu cứ theo một lối mòn, cho rằng nhiều âm vận, vần vèo là thơ giàu nhạc tính cao, đó là cách tư duy già cỗi vì mòn mỏi. Mà nếu tạm chấp nhận đi nữa, thì đó cũng chỉ là nhạc tính của thế kỉ bảo tàng, của những phong cách đã chết. Thơ trẻ Việt Nam cần có những cấu trúc mới với những âm vực giao hưởng rộng. Đó cũng là tiêu chuẩn đặt cái nhìn để đánh giá sự khác nhau giữa thơ các thế hệ.
- Thế hệ anh quan niệm một bài thơ hình thành như thế nào, từ cảm xúc, tư tưởng, một yếu tố thần bí nào đó, hay một xúc cảm tôn giáo...?
- Có thể cộng hưởng tất cả các yếu tố trên để có thể hình thành những bài thơ hay. Chỉ có một điều khác duy nhất, đó là, cái tôi độc lập, tự nhiên, không bị áp buộc viết để phải tuyên truyền cho bất cứ một điều gì và phải có lợi cho ai hết. Một bài thơ hình thành như một bài thơ, một thế giới, một quan điểm. Tôi cho rằng, tín hiệu của một nền văn hóa văn nghệ lành mạnh và hiện đại đó là một nền văn hóa văn nghệ có nhiều quan điểm. Siêu hình không phải là thần bí hay tôn giáo. Nó là khát vọng tìm kiếm sự bất tử của con người.
- Giả sử đặt mình vào vị trí một người khách đang quan sát nền văn học đương đại của nước ta, anh thử phát biểu nó đang như thế nào? Và một vài dự báo của anh?
- Thú thật, tôi thấy nó kì quặc giống như con sâu biến dạng trong thế giới truyện ngắn của Franz Kafka. Từ lí luận đến phê bình, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, từ thi ca đến âm nhạc... Nó biến dạng đại loại như thế này, nhà thơ thì lại tưởng mình là nhà phê bình, nhà báo thì cứ nghĩ mình là nhà văn, dịch giả thì cứ luôn nghĩ mình là... tác giả...
Tính nghiệp dư rất nhiều mà chuyên nghiệp thì rất ít. Một nền văn học xuất sắc khó có thể được dựng nên bởi những tên tuổi nghiệp dư. Nhưng thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam sẽ khác. Với những điều kiện thuận lợi và sự quyết tâm, họ khẳng định tính chuyên nghiệp trong từng tác phẩm.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: sinh 1972 tại Đà Nẵng.
Tác phẩm chính đã xuất bản:
- Giọng nói mơ hồ (thơ 1999)
- Tháo Đáy (tập truyện 2000)
- Chất Trụ và những bài thơ khác (2002)
- Vỉa Từ (thơ 2003).
Đã từng được nhiều giải thưởng văn học của các báo như Tiền Phong, Tuổi Trẻ... Gần đây nhất là Giải thưởng thơ Tạp chí Sông Hương 2003. | |