Diễn viên Việt Nam "liều" sẽ không bị ép giá
16:49' 08/07/2003 (GMT+7)
 
Ngọc Hiệp, diễn viên có duyên với phim hợp tác.

Diễn viên trong nước có bị thiệt hay không trong những hợp đồng đóng phim với nước ngoài thì còn tùy trường hợp cụ thể. Tuy nhiên hết thảy họ, kể cả những diễn viên vài chục năm trong nghề, đều thừa nhận họ không biết mức cát sê nào là vừa phải, không đòi quá cao đến độ bị mất vai, nhưng cũng không quá hớ đến mức chịu nhiều thiệt thòi. Ước lượng là cách duy nhất các diễn viên Việt Nam áp dụng khi ký hợp đồng, hầu hết chỉ cần cao hơn mức làm phim trong nước là "OK".

 

"Nhà sản xuất thì ở đâu cũng là nhà sản xuất, họ mặc cả, cò kè như đi mua hàng ngoài chợ vậy", một nữ diễn viên có tiếng khẳng định. Vì không quen với kiểu cò kè này (nhiều nghệ sĩ của Việt Nam vẫn vậy, nhất là các nữ nghệ sĩ, lại là người đã có chút tiếng tăm), khi gặp giá đưa ra quá bèo bọt, chị từ chối bằng cách thoái thác bận một phim khác.

 

Hiếm có diễn viên nào tự tin như Quang Hải khi nhận vai trong bộ phim Miền Nam xa xưa (Pháp) được đề nghị chỉ có 80 USD/ngày nhưng đã dám "đòi" 600 USD/ngày (năm 1994) và cuối cùng đã "thắng" với giá 450 USD/ngày, được xem là mức giá cao nhất lúc bấy giờ dành cho một diễn viên Việt Nam. Trong sự tự tin "đòi" của Quang Hải, ngoài chuyện tiền còn có cả lòng tự trong quyền đòi lại sự công bằng cho diễn viên Việt Nam. Thế nhưng "sành" như Hải cũng vẫn bị bịp như thường. Trong một phim hợp tác với Pháp, Quang Hải chỉ nhận được số tiền bằng đúng 1/3 thù lao chính thức ký với nhà sản xuất.

 

Không chỉ nhận mức cát sê thấp do thiếu kinh nghiệm, các diễn viên Việt Nam còn dễ bị ăn chặn tiền, đặc biệt với những phim có người Việt Nam làm đại diện cho nhà sản xuất tại Việt Nam. Câu chuyện liên quan đến phim Mùa hè chiều thẳng đứng là một ví dụ. Như Quỳnh, Lê Khanh, đặc biệt là Như Quỳnh, hầu như không thua kém Trần Nữ Yên Khê. Nhưng chênh lệch cát sê của họ thì đúng là một trời một vực. Ít ai có thể ngờ trong phim này, Trần Nữ Yên Khê được nhận cát sê 500.000 USD, trong khi đó Như Quỳnh và Lê Khanh chỉ nhận được vài nghìn (nghe nói là 3.000 USD).

 

Diễn viên Việt Nam nhận cát sê cao nhất phim này là Quang Hải (khi quay nhân vật Hải đóng là một nhân vật chính, có số cảnh quay rất nhiều, tuy nhiên khi dựng phim đạo diễn đã thay đổi phần lớn ý tưởng ban đầu) cũng chưa đến 10.000 USD. Sự chênh lệch quá lớn về cát sê giữa các diễn viên, thậm chí khác biệt nhau giữa diễn viên trong nước có vai trò tương tự trong phim trở nên "bình thường" với những ai biết Trần Nữ Yên Khê là vợ, và người đại diện cho nhà sản xuất làm việc với các diễn viên Việt Nam về cát sê là em ruột của đạo diễn.

 

Diễn viên Ngọc Hiệp cho hay chị đã từng nhận được mức báo giá rất bèo từ một vài đại diện Việt Nam cho những vai diễn khá nặng và cực nên nhìn chung không thích phải thông qua người đại diện Việt Nam để ký hợp đồng. Va chạm vài lần, diễn viên Mạnh Cường (hiện là Trưởng phòng nghệ thuật Sở VH-TT Hà Nội) tuyên bố: "Tôi không thích làm phim nước ngoài có người Việt nhúng tay vào (chuyện thương thảo cát sê diễn viên), đáng lẽ họ phải tham gia vào việc hỗ trợ diễn viên, làm cho người nước ngoài phải tôn trọng diễn viên Việt Nam thì họ, ngược lại, còn "chắt" bớt".

 

Hiện nay, Quang Hải và Hải Yến có lẽ là hai diễn viên trong nước đầu tiên có người đại diện (trong đó có đại diện về thương thảo cát sê) tại Việt Nam và tại Mỹ. Một bộ phim hợp tác với Hàn Quốc bấm máy vào cuối năm nay đang tham gia trong phim này. "Có người đại diện như thế quá thích rồi", diễn viên Chu Hùng nói, "Nhưng để xem đã, vì lâu lâu mới có lời mời đóng phim mà phải thuê đại diện cả năm thì cũng ...ốm".

 

Vấn đề cát sê của diễn viên thực ra không đơn thuần chỉ là chuyện tiền. Vì ai cũng biết, già "bèo" đến mấy, cát sê do các nhà sản xuất nước ngoài trả cho diễn viên Việt Nam bao giờ cũng cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều mức thù lao trong nước (cát sê của phim trong nước: diễn viên chính phim truyện nhựa không quá 10 triệu đồng, phổ biến 3-5 triệu, phim truyền hình chỉ 1 triệu/tập, tính ra theo ngày quay khoảng hơn 100.000 đồng/ngày). Hơn nữa, đây còn là cơ hội cho các diễn viên được làm việc, trau dồi và tích luỹ kinh nghiệm trong một môi trường làm phim hiện đại, chuyên nghiệp hơn ta về mọi mặt, mà không ai muốn bỏ qua.

 

(Theo TT & VH)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Từ Gái nhảy, mở hướng làm phim ''bán vé'' (08/07/2003)
Ảnh nghệ thuật Việt Nam tìm được đầu ra mới (08/07/2003)
Quỳnh Trang biểu diễn khai mạc LH Âm nhạc quốc tế Olympus (08/07/2003)
Phố cổ Hà Nội phấn đấu trở thành Di sản Thế giới (08/07/2003)
Madonna dẫn đầu danh sách 50 Greatest Women of The Video Era (08/07/2003)
Tem ''cấm lưu hành'' lại được bán giá cao (07/07/2003)
Hello! công bố kết quả bình chọn "Những ông bố tuyệt vời nhất" (07/07/2003)
Sôi động tác phẩm cũ, diễn viên mới (07/07/2003)
"Kẻ huỷ diệt 3" - quán quân bảng xếp hạng phim ăn khách tuần qua (07/07/2003)
Đâu phải chuyên nghiệp là thắng! (07/07/2003)
Show diễn từ thiện vì trẻ em thiệt thòi tại London (03/11/2003)
Các nước Bắc Âu tài trợ dự án lập "Xưởng điêu khắc đá" tại Đà Nẵng (07/07/2003)
Đã có hai siêu mẫu khu vực Hải Phòng (07/07/2003)
"10 tháng 10 phim ngắn" (07/07/2003)
Phát hiện thêm gần 100 bức tranh Bùi Xuân Phái (07/07/2003)
Tro ve dau trang