Minh Nhí, Anh Vũ và Lê Cầu trong vở "Cái dùi vàng". |
|
Gần đây, một số vở diễn được dàn dựng lại trên cơ sở những kịch bản hoặc tác phẩm văn học đã định hình, đã gây được sự chú ý cho khán giả. Thuận lợi của các vở diễn này là được quan tâm ngay bởi tựa đề và nội dung nhưng đó cũng lại là áp lực vì phải chịu sự săm soi, so sánh với tác phẩm nguyên gốc. Tuy nhiên, Số đỏ, Thị Mầu... được đánh giá là những vở diễn đã thành công.
Thị Mầu là cuộc bứt phá trước tiên của tác giả Lê Chí Trung khi cho cô Mầu và anh Nô được trốn thoát cái làng quê phong kiến khắc nghiệt để chung sống với nhau, nuôi con khôn lớn. Cuộc tình này kéo cả sư nữ Thị Kính vào cuộc, dám bỏ chùa để nhập thế giúp đỡ con người tìm được hạnh phúc. Trong vở diễn không còn cảnh cam chịu một bề như xưa nữa, mà sục sôi không khí đấu tranh quyết tìm đường sống, rất hiện đại, rất thỏa mãn tâm lý và mơ ước của con người hôm nay.
Đến Cái dùi vàng (là chuyện con cóc kiện trời cũ rích) cứ nghĩ chỉ dành kể cho trẻ em nghe mà thôi, nhưng bất ngờ tác giả đã đẩy câu chuyện lên một tầm nhìn mới hơn, đầy tính thời sự mà cũng rất triết lý. Con cóc ngày xưa đi kiện thì trời xử ngay, dân chúng có ngay những trận mưa quý giá. Nhưng con cóc bây giờ lại bị bao vây bởi những thế lực xấu ác, chúng che mắt trời làm điều xằng bậy, và vô hiệu hóa người tốt.
Vở diễn muốn nhấn mạnh rằng cuộc đời không đơn giản một chiều, mà cái thiện cái ác cứ song hành, chỉ cần lơ là một chút đã có thể thay chủ đổi ngôi. Người tốt không bao giờ được chủ quan, cũng như yếu đuối. Tác giả đem cả chuyện mua bán chất xám vào vở, rất thú vị và đối đối với kẻ sĩ thời nay.
Số đỏ và Chị Dậu thì lại trung thành với nguyên bản văn học. Số đỏ không cần thổi thêm điều gì mới vì tự thân nó đã rất phù hợp với thế thái nhân tình xưa cũng như nay. Bút pháp trào lộng của Vũ Trọng Phụng đã gặp được chất hài của sân khấu Phú Nhuận, nên vở diễn rất ra chất của Số đỏ.
Phải nói rằng đây là vở hay nhất trong các tác phẩm cũ được dựng lại, vì vừa đẹp, vừa hoành tráng, kỹ lưỡng, trong khi Cái dùi vàng lại hài quá đã làm loãng chủ đề tư tưởng. Còn Chị Dậu thì bị hạn chế ở chỗ không thể hiện hết tính chất ngặt nghèo của mùa sưu thuế trong Tắt đèn, nên nhân vật cũng bị mờ nhạt đôi chút. Vở diễn đã rất cố gắng, tuy nhiên để đánh động cảm xúc của khán giả trước những cảnh đời xa xưa trong lúc khán giả đang sống ở thời buổi hòa bình đầy đủ hiện nay quả là một chuyện không dễ dàng.
Nhìn chung, khi tác phẩm xưa được dựng lại là đã có thuận lợi lẫn thử thách trước những gì quá ăn sâu vào trí não người xem. Nhưng dù sao, tác phẩm cũ cũng gợi được sự hứng thú trong lòng những nghệ sĩ hôm nay, nên họ không ngần ngại lao vào cuộc và chấp nhận sự so sánh đương nhiên.
(Theo Thanh Niên)
|