Sau 7 đêm diễn liên tục tại Trung tâm Thanh thiếu niên quận 11, tối 4/7 vừa qua, Liên hoan Sân khấu quần chúng (SKQC) TP.HCM lần thứ 15 đã kết thúc. Điều đặc biệt được rút ra từ Liên hoan này là có rất nhiều diễn viên quần chúng đã ''ca hay, diễn chắc'' lấy được cảm tình của BGK và đông đảo người xem.
Từ quần chúng...
Về khâu kịch bản khá phong phú với đa số là các tác giả không chuyên. Nhiều tác giả có tác phẩm được đánh giá cao như: Minh Phương, Nguyễn Thị Huệ, Thiên Thuận. Trong đó tác giả Tạ Tân có đến 2 vở được dựng (Nở mày... méo mặt TTVH quận Bình Thạnh, Núp bóng của TTVH quận Thủ Đức). Tiếc là đã không có sự góp mặt của các tác giả ''có chất lượng'' của liên hoan lần trước như Khưu Ngọc, Vũ Thị Nam, Đỗ Anh Tuấn. Phần lớn các tác phẩm đều bám sát với những đề tài xã hội đang quan tâm, đáp ứng được những yêu cầu mà Ban tổ chức (BTC) đã đặt ra.
Tuy nhiên, cũng bởi do ''dân tài tử'' viết kịch bản nên nhiều vở có cấu trúc đơn giản, chưa có bề sâu hoặc tản mạn, chưa tập trung xoáy vào vấn đề (vở cải lương: Trước khi quá muộn - TTVH Hóc Môn; kịch nói: Con anh, con em, con chúng ta - TTVH Tân Bình...). Nhiều vở lại ''tham'' quá trong việc đặt vấn đề, để rồi không thể giải quyết hết một cách ''thấu tình, đạt lý'' trong thời lượng 60 phút do BTC ấn định. Chưa tạo được yếu tố bất ngờ khiến người xem đoán trước được diễn tiến sự việc (Vàng mười - Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) hoặc sa đà vào những chi tiết hài không đáng có (Thư gửi mẹ - TTVH Quận Phú Nhuận)...
Ngay cả khâu thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm thanh cũng chưa thật sáng tạo, vẫn sa vào lối mòn như một ''quy ước bất thành văn'': hễ sắp xảy ra một sự kiện quan trọng (hoặc cao trào) thì ngoài trời xảy ra hiện tượng mưa gió, bão bùng, sấm sét...
... đến chuyên nghiệp
Từ trước đến nay mỗi lần tổ chức Liên hoan SKQC đều là dịp để sinh viên các trường văn hoá - sân khấu - nghệ thuật trong địa bàn thành phố đầu quân về làm diễn viên (hoặc đạo diễn) cho các đơn vị. Chất ''chuyên nghiệp'' phần nào đó đã lấn át tính ''quần chúng''. Đây cũng là một ''vấn nạn'' làm đau đầu BTC: kịch bản do quần chúng viết nhưng nếu không có bàn tay của đạo diễn chuyên nghiệp nhúng vào ''xào nấu, dàn dựng'', rồi các vai diễn chủ đạo nếu không do diễn viên chuyên nghiệp thủ diễn thì e gãy đổ, chất lượng của các liên hoan SKQC không thể ngày càng nâng lên.
Ở Liên hoan lần này có khá nhiều tên tuổi quen thuộc trong làng kịch thành phố: Lê Bình, Mai Trần, Thanh Hoàng... Tuy nhiên, diễn viên chuyên nghiệp chưa chắc đã thành công trên SKQC. NSƯT Trần Ngọc Giàu thổ lộ: ''SKQC rất cần sự tham gia của các anh chị chuyên nghiệp và các em đến từ những trường nghệ thuật sân khấu, nhưng làm sao để SKQC mang đậm hơi thở của cuộc sống. Tôi thấy các em diễn vở Chuyện tình bên bờ biển (Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam) chỉ là... tấu hài một cách quá đà. Thật là hết sức tai hại khi tấu hài đã lấn sang lĩnh vực SKQC!''.
Thực tế, có khá nhiều vở chỉ sử dụng diễn viên quần chúng ''rặt'' như vở cải lương Nỗi lòng của mẹ (TTVH huyện Củ Chi) - kịch bản dung dị nhưng những diễn viên quần chúng trong vở này đều đã nhập vai một cách tuyệt vời. Cả hai vai chính trong vở (bà mẹ và người con lầm lỡ) đều được trao giải diễn viên xuất sắc. Kịch nói Đêm biển bình yên (TTVH quận 2) do một đạo diễn quần chúng (Nguyễn Tuấn Kiệt) dựng cũng đã tạo được ấn tượng tốt cho khán giả.
Kết quả Liên hoan SKQC TP.HCM lần thứ 15 - 2003
Giải A: Chuyến xe lạ (TTVH Gò Vấp), Nỗi lòng của mẹ (TTVH Củ Chi), Đêm biển bình yên (TTVH quận 2) Giải B: Tìm lại sự công bằng (quận 3), Thư gởi mẹ (Phú Nhuận), Gió thoảng - Hương bay (quận 1), Rác! (Nhà Bè), Con anh, con em, con chúng ta (Tân Bình), Ánh sáng một con đường (Phú Nhuận), Vàng mười (Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), Biển cạn (quận 11). Giải C: Trái rụng (quận 8), Trước khi quá muộn (Hóc Môn), Một sắc hoa rơi (quận 9), Núp bóng (Thủ Đức). Giải diễn viên: Kiều Hoa (Hóc Môn), Thiên Thanh - Châu Thới (Củ Chi), Thanh Nam (Tân Bình), Đặng Đăng Lưu (Gò Vấp), Kim Hoà (quận 3), Quang Nhật (quận 9), Công Tâm - Ngọc Tú (Nhà Bè). Giải đạo diễn: Phùng Nguyên (Gò Vấp), Tiến Nam (quận 10), Nguyễn Tấn Kiệt (quận 2). Giải kịch bản: Minh Phương (quận 1), Nguyễn Thị Huệ (Gò Vấp), Thiên Thuận (quận 10). Giải thiết kế sân khấu: Minh Tâm (quận 3) và Thành Thống (Tân Bình). |
(Theo Thanh Niên) |