|
Sản phẩm điêu khắc đá Non Nước được xuất khẩu đi nhiều nước. |
(VietNamNet) - Tháng 6/2003, Tổ chức các nước Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) đã ký văn bản cam kết tài trợ cho Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Đà Nẵng xây dựng xưởng điêu khắc đá đầu tiên ở Việt Nam. Trong 4 năm từ 2003 – 2006, NAV sẽ tài trợ khoảng 2 triệu USD cho dự án văn hoá mang nhiều ý nghĩa này.
Hiện Ban quản lý dự án đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ. Theo dự kiến, đến tháng 9/2003, dự án lập "Xưởng điêu khắc đá" tại Đà Nẵng sẽ chính thức công bố với hy vọng mở ra cơ hội phát triển mới cho nghệ thuật điêu khắc ở nước ta.
Theo nhà điêu khắc Phạm Hồng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng (thuộc Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng), đá là một chất liệu bền vững và sẽ càng đẹp theo thời gian. Tuy nhiên, đây không phải là chất liệu dễ có đối với các nhà điêu khắc Việt Nam vì kinh phí cao, việc thể hiện và vận chuyển khá phức tạp. Dự án "Xưởng điêu khắc đá" chọn Đà Nẵng làm nơi triển khai vì nơi đây thuận tiện về sông biển, dễ dàng vận chuyển đá từ trong và ngoài nước về và đưa các tác phẩm điêu khắc đi các nơi.
Dự án "Xưởng điêu khắc đá" được xây dựng tại làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước (Đà Nẵng) sẽ tìm hiểu về những cách khai thác đá, cách chép tượng và phóng tượng của người Italia; giúp đào tạo những người thợ trẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào việc sáng tác và thể hiện tác phẩm... Với việc thực hiện dự án này sẽ đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm điêu khắc của cả nước, tiếp nhận các nhà điêu khắc đến sáng tác và thể hiện tác phẩm tại chỗ. Trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ có những tác phẩm đá của các nhà điêu khắc trong nước và các nước như Italia, Na Uy... có chất lượng nghệ thuật cao, góp phần làm đẹp thêm thành phố biển vốn rất thơ mộng này.
Nhà điêu khắc Trần Tuy, Phó Ban chỉ đạo dự án cho rằng, hiện có rất ít không gian cho tượng ở các thành phố Việt Nam. Nhà nước ta mới chỉ dành kinh phí cho xây dựng các tượng đài chiến thắng. Phương thức làm tượng có tính chất trang trí cho thành phố hầu như chưa bao giờ được đặt ra, chưa thành phố nào có ý định làm việc này, trong khi việc đặt những bức tượng có chiều cao 5-6 m kinh phí không nhiều mà có thể giao lưu được với công chúng, đồng thời tạo ra không khí ấm cúng giữa không gian chung quanh với tượng và người xem...
Hiện có nhiều tác giả ở Việt Nam muốn được thể hiện các ý tưởng của mình, nhưng không có điều kiện và quan trọng hơn là không có một không gian thực sự thích hợp để những tác phẩm được sáng tạo ra không bị bỏ quên. Ở Việt Nam cũng đã có một vài nơi trưng bày tượng đá ở công viên, dọc bên bờ biển, mời các nhà điêu khắc các nước đến tham quan, sáng tác, đóng góp tác phẩm làm đẹp cho thành phố nhưng hiệu quả chưa cao, làm xong bỏ đấy. Một số tác phẩm đã hỏng, một số chưa hoàn chỉnh, một số tác phẩm làm bằng đồng không hoàn chỉnh vì sợ... mất đồng. Dự án "Xưởng điêu khắc đá" tại Đà Nẵng hy vọng sẽ mang lại cho không gian đô thị của thành phố Đà Nẵng và nhiều nơi khác sự khởi sắc hơn trên lĩnh vực này.
Tuy nhiên theo nhận định của nhà điêu khắc Trần Tuy, thực sự chưa có những cuộc liên hệ trao đổi giữa các nhà lãnh đạo thành phố với các kiến trúc sư và nhà điêu khắc. Các tác giả hầu như mới chỉ sáng tác tự do với kích cỡ nhỏ và để dự triển lãm. Nếu mô hình "Xưởng điêu khắc đá" tại Đà Nẵng phát triển có thể mở ra cơ hội thành lập các xưởng đá ở những nơi có nghề đá truyền thống như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An... Khi đó, nếu có đơn đặt hàng cụ thể, sẽ có nhiều tác giả nhiệt tình tham gia, tạo được nhiều tác phẩm có chất lượng cao.
|