Phát hiện thêm gần 100 bức tranh Bùi Xuân Phái
13:47' 07/07/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đó là con số ước tính mà anh Trần Chính Nghĩa, con trai của nhà nhiếp ảnh quá cố Trần Văn Lưu cho biết. Tại căn gác nhỏ xíu 11 Hàng Bông chúng tôi đã được tận mắt xem những bức tranh chưa từng công bố của Bùi Xuân Phái. Đây là một bộ sưu tập thú vị với rất nhiều phác thảo bột màu và một vài tranh cắt dán, trong đó thấy hiện lên một mảnh đời sống riêng của cố họa sỹ và tình bạn lớn giữa hai người. Những kỷ vật riêng tư này sẽ được đưa ra trước công chúng trong một cuộc đấu giá thời gian tới... 

Một bức tranh Phái mới được phát hiện.

Công chúng yêu nghệ thuật hẳn còn nhớ nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, người chuyên chụp ảnh các văn nghệ sỹ thời kháng chiến, tác giả của bức ảnh các văn nghệ sỹ đứng trước một cái nhà gianh ở chiến khu Việt Bắc mà chúng ta đã quen với từ những ngày còn học phổ thông nhưng đôi khi không biết tên người chụp. Nhiều người hẳn cũng biết mối quan hệ gần gũi gắn bó giữa ông với nhiều văn thi sỹ, hoạ sỹ lớn của thời đại chúng ta nói chung và với cố hoạ sỹ Bùi Xuân Phái nói riêng. Tuy vậy không phải ai cũng biết được chính xác có bao nhiêu bức tranh mà ông Phái đã riêng tặng cho ông cũng như tổng số tranh mà ông đã bằng nhiều cách tâm huyết để gìn giữ được. 

Theo chân anh Trần Chính Nghĩa, chúng tôi men theo một lối đi hẹp, rồi đến một cầu thang ngắn, dốc đứng, bước lên một căn gác nhỏ gọn gàng, nơi đặt những tài sản tinh thần quý giá nhất của gia đình anh, bao gồm rất nhiều tranh, ảnh do cha anh để lại. Do căn phòng chật hẹp, chỉ có một vài bức tranh được treo lên tường, còn lại đều đặt vài chục bức một trong những chiếc khung gấp lớn để cất cho gọn. Đập vào mắt chúng tôi khi vừa lên đến nơi là một bức màu nước khổ 80x100 với những mảng màu vàng và da cam vui nhộn ấm áp, phác hình một người đàn ông gầy gò, vai hẹp, đội mũ phớt. Toàn thể bức tranh toát lên vẻ vui tươi, hóm hỉnh. Và mặc dù không vẽ một nét nào của khuôn mặt nhưng chúng tôi cũng có thể nhận ra đấy chính là ông Trần Văn Lưu, người lãng tử lạc quan, một máy ảnh, một mũ phớt đã theo chân các văn nghệ sỹ đi khắp chiến trường trong những năm kháng chiến. 

Anh Trần Chính Nghĩa cho biết, số tranh của ông Phái mà gia đình anh lưu giữ hiện nay là khoảng trăm bức (chính anh cũng chưa biết con số chính xác). Hầu hết trong số đó là các kí hoạ, chủ yếu vẽ chân dung ông Trần Văn Lưu. Trong đó  bộ  tranh "độc nhất vô nhị " vẽ ông Lưu cùng với 12 con giáp.

Bức tranh này BXP sáng tác năm 1978

Anh Nghĩa kể: "Do tình bạn thân thiết, ông Trần Văn Lưu đã trở thành một đề tài gợi nhiều hứng thú cho ông Phái. Hàng năm cứ vào giao thừa là ông Phái lại mời ông Lưu ngồi làm mẫu và vẽ nhà nhiếp ảnh ở đủ các tư thế dáng điệu, đứng bên cạnh, ôm trên tay hay cưỡi lên lưng một con vật là biểu tượng con giáp của năm đó. Ông Phái có cái thú vẽ bạn mình để thấy sự thay đổi qua mỗi năm, hay để tổng kết lại một năm của bạn mình, nhấn mạnh đến sự kiện nổi bật nhất của năm đó". Ở bức này ta thấy ông Lưu ôm một cái hộp ghi giải thưởng Amicus (giải thưởng nhiếp ảnh của Ba Lan), ở bức kia lại thấy ghi một giải thưởng khác mà ông Lưu vừa giành được… Cứ như vậy, mỗi năm một bức, từ năm 74, 75 cho đến năm 86 thì ngừng. 

Đặc điểm chung của 12 bức này cũng là vẻ vui tươi hóm hỉnh, mang tính ngẫu hứng, vẽ phác và vẽ rất nhanh (chỉ trong 5,7 phút), bằng bột màu, đôi khi kết hợp với cả cắt dán, như trong một bức ông Lưu đeo một cái máy ảnh “thật” (cắt từ ảnh chụp) to tướng trước ngực. 

Trong bộ sưu tập tranh mà gia đình anh Nghĩa còn giữ được còn có một bức của ông Phái vẽ dự thi nhân kỷ niệm ngày 30/4 diễn tả cảnh thất bại của Mỹ Nguỵ. Bức tranh lần đó không được giải. Ông Phái đem tặng cho ông Từ Phát, sau đó ông Lưu, với lòng trân trọng và yêu thích các sáng tác của bạn, đã xin lại bức tranh đó từ ông Từ Phát. 

Một mảng lớn và hết sức thú vị trong số gần trăm bức tranh đang nói ở đây là tranh lấy cảm hứng từ thơ.  Đến đây chúng tôi không thể không nhắc đến tình bạn tri âm tri kỷ, cảm động và đầy chất lý tưởng của bộ ba Lưu - Liên - Phái như chính họ gọi.

Anh Trần Chính Nghĩa kể cho chúng tôi nghe sự khởi đầu của mối gắn bó ấy: "Năm 1957, bác Phái thực hiện bức tranh cắt dán mang tên Ông đồ, lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của bác Vũ Đình Liên rồi đem tặng cho cha tôi. Lúc đó bác Phái và bác Liên chưa biết nhau, nhưng cả hai đều biết cha tôi. Khi được xem tranh, bác Liên rất cảm động, bác kêu lên, sao một người mình chưa từng gặp thế mà chỉ đọc bài thơ lại có cùng ý tưởng với mình, hiểu được mình như tri âm vậy… Từ đó về sau ba người trở thành bạn. Bác Phái còn vẽ rất nhiều tranh cho thơ của bác Liên, đáng chú ý là bức người kỹ nữ cầu Tròngười đàn bà điên ở ga Lưu Xá, mấy bức ông đồ, tất cả đều khởi hứng từ những bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên. Hiện gia đình tôi còn cả bản chép tay bài thơ và bản phác các bức tranh ấy".  

Trong căn gác nhỏ nhà anh Nghĩa

Như vậy, gần 100 bức tranh Phái ở nhà anh Nghĩa, ngoài một số bức đã đăng báo (như bức vẽ kỷ niệm ngày 30/4, đã đăng báo Lao động), hoặc 12 bức con giáp đã đem triển lãm thì còn lại đều chưa được công bố.

Sinh thời nhiều người hỏi mua nhưng nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu nhất quyết không chịu bán, chỉ có 12 bức con giáp đem đi triển lãm vì ông nghĩ nó mang đặc trưng riêng, chỉ ông Trần Văn Lưu mới có, không ai có thể nhại được. Còn thì có những người đến xin chụp ảnh ông cũng không đồng ý, vì ông sợ người ta sẽ lợi dụng điều đó mà làm giả tranh Phái. Hiện nay gia đình anh Nghĩa đang có ý định bán đi một số bức, hoặc tổ chức một cuộc bán đấu giá, để lấy tiền chi cho những công việc khác. Đây là một ý hay, vì cũng là một cách để những bức tranh còn lại của họa sỹ Bùi Xuân Phái đến được với công chúng.   

  • Đỗ Diễm Huyền

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hành DVD tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng của ABBA (05/07/2003)
Việt Nam không có khả năng mua bản quyền phim nước ngoài (05/07/2003)
Quản lý hoạt động văn hoá ở Hà Nội như thế nào? (05/07/2003)
Lê Quốc Hán - Ông giáo đạp xe đi tìm thơ (05/07/2003)
Triển lãm sắp đặt ''Qua bến nước xưa'': Tìm lại những ký ức (05/07/2003)
Beyonce Knowles - nữ hoàng mới trong làng giải tri (05/07/2003)
Có nên hiện đại hoà tấu nhạc cụ dân tộc? (05/07/2003)
Tôi vẫn mê vẽ tranh (05/07/2003)
Làm sao để hồi ký hấp dẫn? (04/07/2003)
Triển lãm tranh "Đến với xứ sở hoa anh đào" (04/07/2003)
Phương án số 17 Nhà Quốc hội đã được chọn (04/07/2003)
"Cả thần tượng cũng cần được cảm hoá" (04/07/2003)
Một trường học tại Australia cấm Harry Potter (03/07/2003)
UNESCO công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới (03/07/2003)
Didier Corlou: "Tiếp theo phở, tôi sẽ làm sách về nước mắm" (03/07/2003)
Tro ve dau trang