|
Doanh thu của "Người Mỹ trầm lặng" tại VN không đủ để trả tiền bản quyền. |
(VietNamNet) - Khán giả ùn ùn đến rạp thưởng thức những bộ phim Mỹ đang ăn khách trên thế giới và mừng rú vì đôi khi còn được xem một số phim trước cả dân Anh, Mỹ. Nhưng không mấy người biết rằng Việt Nam chưa có khả năng để mua đứt các phim của nước ngoài vì tiền bản quyền quá lớn và việc phát hành phim ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dưới hình thức "chiếu chia".
Lực cản quá lớn từ tiền bản quyền
Sau một thời gian quảng cáo rầm rộ, cuối cùng "Người Mỹ trầm lặng" cũng ra mắt khán giả Hà Nội và TP.HCM vào cuối năm 2002. Thật thú vị khi chúng ta lại được thưởng thức bộ phim này trước cả khán giả Mỹ. Để nhập phim về, Việt Nam phải bỏ ra tới 200.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng) để nhập phim, nhưng số tiền thu lại chỉ được khoảng 1 tỷ đồng.
Rất ít bộ phim được mua đứt bản quyền như vậy bởi số tiền bỏ ra không phải là nhỏ trong khi rủi ro lại rất lớn. Theo ông Lưu Danh Hùng, Giám đốc Fafim Việt Nam thì đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khả năng thực hiện phương thức phổ biến trên thế giới này vì tiền bản quyền thực sự là quá sức với các đơn vị nhập phim. Ngay cả khi các đối tác Trung Quốc đồng ý giao bán phim cho chúng ta với "giá ưu đãi" thì cũng lên tới 5.000-8.000 USD/bản. Đối với các phim Hàn Quốc, tiền bản quyền cũng không dưới 20.000 USD, chưa kể mỗi bản thêm sẽ phải trả khoảng 2.000 USD. Một ví dụ khác, sau khi Titanic đã chiếu được 3 năm (năm 2000), phía chủ phim vẫn ra giá bản quyền lên tới 70.000 USD.
Tuy nhiên, giá từng phim cũng rất khác nhau tùy thuộc vào việc phim đó được nhập về và chiếu đồng thời với các rạp lớn trên thế giới hay đợi phim đã quay vòng nhiều lần, giá có thể dao động từ vài đến vài chục ngàn đôla Mỹ. Ví dụ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn (Lord of The Rings, The Fellowship of The Ring) phần 1 được phát hành ở Mỹ từ 19/12/2001 nhưng đến tận tháng 8/2002 mới được phát hành tại Việt Nam.
Nhờ vậy, giá bản quyền mà phía Good Fellas, công ty mẹ của Cinet, đơn vị phát hành Chúa tể của những chiếc nhẫn tại Việt Nam, chỉ phải trả cho hãng New Line Cinema 40.000 USD, con số thấp hơn nhiều nếu muốn phát hành cùng thời điểm với các rạp ở Mỹ. Hơn nữa, thị trường của chúng ta quá nhỏ, ngay cả những phim Mỹ ăn khách nhất cũng chỉ thu về được khoảng 1 tỷ đồng. Nếu mua bản quyền một phim lên đến 2 tỷ đồng thì số tiền thu lại được phải lớn hơn nhiều vì số tiền trả cho chủ phim, quảng cáo và tiền rạp rất lớn.
Chiếu chia, hình thức phổ biến của các đơn vị nhập phim Việt Nam
Tháng 8/2001, Chính phủ ra nghị định 26 cho phép các đối tượng từ các đơn vị Nhà nước, tập thể, các nhân được phép nhập phim nếu có hệ thống rạp ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 10 đơn vị nhập phim như: Công ty Điện ảnh TP.HCM : Công ty Điện ảnh băng hình Hà Nội, Hãng phim Giải Phóng, Cinema 1 (Mỹ), Diamond Cinema, Cinet (Hàn Quốc)...
Mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 50 phim. Đa dạng hoá các thành phần nhập phim đã khiến cho khán giả có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm điện ảnh mới nhất và tạm gọi là có chất lượng từ nhiều cường quốc điện ảnh trên thế giới. Hàng năm, trung bình ta nhập về 40-50 phim được lựa chọn trong số hàng chục nghìn phim được sản xuất trên thế giới với sự "kiểm duyệt" và chọn lựa khắt khe qua sự chào hàng của chủ phim. Vì vậy, có thể coi đó là những bộ phim "tinh tuý" cả về nội dung, hình thức, kỹ thuật và đội ngũ diễn viên.
|
Một cảnh trong "Người khổng lồ xanh". |
N
hưng có một thực tế là do tiền mua bản quyền phim quá lớn nên việc nhập phim hiện nay vẫn chủ yếu là theo hình thức "chiếu chia". Đó là lý do vì sao gần đây khán giả Việt Nam được xem những bộ phim lớn từ những hãng phim nổi tiếng của Mỹ, đồng thời với họ và có khi còn được xem trước cả nhiều nước khác.
Chuyện tình ở Manhattan là một ví dụ, phim được chiếu ở Việt Nam từ tháng 2/2003 nhưng ở Anh, đến tận tháng 4 công chúng mới được thưởng thức. Mới đây nhất, Điệp viên 00 thấy đã được chiếu tại các rạp lớn ở Việt Nam từ cuối tháng 4 nhưng đến tận tháng 7 dân Mỹ mới được xem phim này. Khán giả Việt Nam cũng đang bị hút theo những cảnh hành động thú vị của Người khổng lồ xanh đồng thời với khán giả Anh, Mỹ. Nhưng làm sao chúng ta có thể bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua bản quyền của bộ phim có kinh phí sản xuất lên tới 150 trỉệu USD này. Việc nhập phim do liên doanh Cinema 1 của Mỹ tại Việt Nam thực hiện.
Khi phim chiếu xong, chủ phim sẽ nhận 40-60% số tiền thu được. Nếu chủ phim có đại diện ở Việt Nam như Cinema 1 thì họ sẽ được hưởng khoảng 80%. Như vậy, nhờ các công ty liên doanh với nước ngoài (xin nói thêm là các công ty hoạt động trong lĩnh vực văn hoá không được phép có 100% vốn nước ngoài) mà chúng ta được thưởng thức những bộ phim nổi tiếng một cách nhanh nhất.
Theo hình thức này, nếu phim thắng lớn, ta sẽ được hưởng lợi cao và nếu có thất bại thì ta cũng chịu ít rủi ro hơn. Lý do vì nếu ta bỏ tiền mua phim, khi chiếu xong, phim lỗ nặng, "hậu quả" này phía chủ phim sẽ chịu. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là một thị trường khá nhỏ so với nhiều nước trong khu vực, hiện ta mới có hơn 100 rạp và chỉ có một nửa trong số đó là rạp hiện đại, có âm thanh lập thể mới chỉ xấp xỉ con số 50 vì để xây dựng một rạp 300 chỗ ngồi hiện đại phải mất 3-4 tỷ đồng. Giá vé phổ biến ở các rạp lớn tại Việt Nam phổ biến ở mức chưa đầy 2 USD, bằng 1/4 Nhật Bản và 1/6 Mỹ, số tiền thu về không thể đủ để có khả năng mua phim và vì vậy, Việt Nam cũng không thể chấm dứt việc các đại lý đưa phim nước ngoài vào với hình thức này.