|
Nhà thơ Lê Quốc Hán. |
(VietNamNet) - Lần đầu tiên gặp nhà thơ Lê Quốc Hán tại lễ trao giải thưởng Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An, khi thầy "lụi cụi" cắp tấm bằng khen mà vẫn giữ được thế cân bằng trên chiếc xe đạp Favorite với khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ. Thấy lạ, vì một người nghe danh tưởng "mũ cao áo dài" bởi lẽ ông nhận hết các giải thưởng từ Nam chí Bắc, viết báo đều đặn, lương giáo viên Đại học, tiền dạy thêm... gom góp lại có thể mua một chiếc xe máy hãng "xịn".
Hỏi, ông giáo cười: "mình đi xe không tập trung vào tay lái, hay bị ngã, nên đi xe đạp cho an toàn". Rồi ông say sưa kể về những "chiến tích" của mình về những vụ ngã xe: có lần rơi xuống sông, nhiều lần ngã xuống mương nước gãy tám cái tăm xe đạp, gãy ghi-đông, thật may, người không bị làm sao. Có lần ra Hà Nội, mượn xe đạp của bạn, đường đông, mải tập trung suy nghĩ nên tôi xuống xe dắt bộ, nhưng lại đi ngược chiều, bị anh công an huýt còi, lúc đấy mới biết mình đi sai đường. Ngã lâu thành... quen, bà xã vẫn đùa rằng lúc ngã xe tôi đổ xuống theo tư thế của câu thơ nên không bị làm sao cả, nghĩ lại thấy có lý, mình ngã trong vô thức nên... an toàn!
Theo thầy về nhà, một "biệt thự" ba tầng thoáng đãng với vườn hồng xiêm trĩu quả phía sau khu tập thể trường Đại học Vinh, vào một buổi chiều nắng xế và hanh hao gió Lào, để nghe nhà thơ Lê Quốc Hán kể về những ký ức ấu thơ nơi miền quê Kỳ Anh - Hà Tĩnh với thuở dại khôn tập tạnh những vần thơ đầu đời.
Lại hỏi về bài thơ ông đọc trước Hội trường Đại học Vinh trong đêm thơ Nguyên tiêu. "Đó là bài thơ nịnh vợ đấy"- ông cười! "Thôi em cứ việc đi tìm/ Cho môi khỏi héo cho tim khỏi tàn/ Biết đâu cuối bến trần gian/ Người xưa vẫn đợi em sang một bờ/ Gia tài tôi, mấy vần thơ/ Trái tim trót đổi dại khờ ngày yêu/ Tóc xanh đổ tím dáng chiều/ Lấy chi mua nổi những điều em mong/ Đường duyên dẫu lắm khúc vòng/ Van em, em chớ mủi lòng thương tôi/ Sông nao chẳng lắm cát bồi/ Ngoài khơi có sóng trên trời có mây/ Tiễn em một chén rượu đầy/ Với câu thơ sẽ hao gầy tháng năm".
Cả bài thơ miên mang tâm trạng dỗi hờn của một "anh giáo" làm thơ tặng vợ, tặng để được cảm thông, để được chia sẻ, mặc dầu là dỗi đấy, là tự ái đấy, nhưng sẵn sàng chấp nhận con đường mình đam mê lựa chọn. Nhà thơ Lê Quốc Hán vẫn luôn thừa nhận: mình là lão giáo ăn bám vợ nhiều nhất. Đi học, vợ nuôi, nhà, vợ xây, mọi thứ trong nhà vợ lo lắng hết, mình chỉ chăm bẵm mấy trang giáo án, mấy cái định lý toán học, mấy bài thơ làm vội khi tan trường, những ý tưởng được nuôi dưỡng từ suốt cả mấy tiết học mà không dám ngừng dạy để viết ra giấy sợ học trò khó chịu.
Ông cười trừ "bây giờ vợ đuổi là phải ra khỏi nhà đấy!". Lê Quốc Hán hiện đang là chủ nhiệm bộ môn toán học, kiêm thư ký chi hội toán học trường Đại học Vinh, thời gian dường như kín mít những "cua" giảng dạy: dạy chính thức, dạy phụ đạo, làm Tạp chí toán học. Thế mà ông vẫn có thơ in đều đặn trên các báo, và "nhặt" gần hết giải thưởng văn chương của anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh. Giải thưởng thơ báo Tài hoa trẻ, giải thưởng thơ Tầm nhìn thế kỷ (báo Tiền Phong), giải thưởng thơ Hồ Xuân Hương (Nghệ An) và sự ghi nhận lớn nhất là tấm thẻ Hội viên Hội nhà văn Việt Nam mà nhà thơ Lê Quốc Hán vừa được đón nhận vào một ngày đẹp trời của mùa xuân Quý Mùi này.
Nói về thơ, bàn về một ý tưởng nào đó về ý, tứ ông giáo Lê Quốc Hán say sưa như không thể dứt ra được. Khó có thể nhận ra ông là người của những con số, những định nghĩa những công thức, những chứng minh biện luận... với hàng trăm sinh viên trên giảng đường.
Ông mê man đọc thơ của những người bạn, ông tấm tắc, xuýt xoa khi có một câu thơ hay. Ông nhớ về người thầy của mình là nhà thơ Trinh Đường, và kể: Năm 1991 tôi được cử ra Hà Nội học nghiên cứu sinh. Đề tài nghiên cứu của tôi thuộc lĩnh vực đại số hiện đại, nhưng lúc đó tôi đã bước sang tuổi "tứ thập nhi bất học", nên gặp khó khăn trong việc đề xuất và giải quyết những vấn đề liên quan đến luận án của mình. Những lúc bế tắc tôi lại tập tạnh làm thơ. Tôi gặp nhà thơ Trinh Đường khi ông đang biên soạn bộ sách "Một thế kỷ thơ Việt", tôi đánh liều gửi cho ông một cho ông một chùm, cứ nghĩ sẽ không có cơ duyên đến với văn chương nhưng một tháng sau tôi nhận được thư phúc đáp của ông với lời nhận xét ngắn gọn: "ý tưởng tốt, diễn đạt chưa thuần thục", và ông khuyên nên sửa chữa thật kỹ lưỡng chùm thơ đó, sau này nhà thơ Trinh Đường đã đưa nó vào tuyển tập "Những gương mặt thơ mới" (NXB Thanh Niên, 1994) - Đó cũng là lần đầu tiên thơ tôi được chọn đăng vào một tuyển tập Trung ương. Điều đó đã khích lệ tôi rất nhiều. Sau này nhà thơ Trinh Đường hay liên lạc với tôi và khuyên bảo nhiều, có thời gian dài không làm thơ, ông gọi điện bảo rằng "ở ngoài này người ta nói rằng Hán đã đi làm linh mục(?) Dù đi tu hay không thì nhớ đừng bỏ thơ Hán nhé!". Những lời nhắn nhủ của của ông khiến tôi giật mình và ngẫm ngợi nhiều. Rồi ông giới thiệu cho tôi một số người bạn làm thơ. Trong số đó có người trở thành bạn thơ tâm đắc, dù cho đến nay tôi chưa hề gặp họ.
Bây giờ đến trường Đại học Vinh, hỏi về thầy Hán, có lẽ bất kỳ một bạn sinh viên yêu văn chương nào cũng có thể đọc thuộc một đoạn thơ, một bài thơ, bởi lối thơ dung dị, dễ hiểu, dễ nhớ như chính lòng nhiệt tình say sưa và lối sống chân chất của thầy. Hay đặc biệt hơn nữa, mọi người sẽ nhớ đến chiếc xe đạp Favourite (mà các bạn sinh viên vẫn đùa là chiếc @) từ những năm 70 luôn sát cánh bên thầy như một người bạn. Và chiều chiều khi tan trường, thỉnh thoảng ông trốn vợ rong ruổi đạp xe quanh phố phường, ra cầu Bến Thuỷ ngắm sông Lam, nghe vang vọng "lời khấn nguyện"(*) của tri âm từ "bến vô cùng"(*) để chạm vào "Thơ trong miền ký ức"(*), như điều ông vẫn tâm niệm:
Mai sau thi sĩ về trời Câu thơ ở lại với người mai sau.
(*) Tên các tập sách của nhà thơ Lê Quốc Hán. |