Làm sao để hồi ký hấp dẫn?
19:33' 04/07/2003 (GMT+7)

So với sự bùng nổ trên thế giới, việc viết và đọc hồi ký ở ta phải nói là chưa thấm tháp gì. Tuy vậy, gần đây Việt Nam đã có biến chuyển trong thể tài này. Đã có một số hồi ký của các nhà văn được nhắc tới trong các cuộc bàn luận chung quanh đời sống văn học. Dưới đây là cuộc trao đổi bàn tròn giữa nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn với nhà văn Nguyễn Kiên, và nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh về các vấn đề liên quan tới sự phát triển của hồi ký hôm nay.

- Vương Trí Nhàn: Mới đây tôi có liên hệ với một nhà văn trẻ, mời anh ấy tham gia cuộc trao đổi bàn tròn về hồi ký, nhưng anh ấy không nhận lời, lấy lý do là lâu nay mình không quan tâm tới thể tài này. Tôi không quá băn khoăn vì bị người bạn ấy từ chối, mà chỉ tự hỏi: Thái độ của người bạn ấy - nếu đúng như bạn ấy nói - có phải là thái độ chung của các bút trẻ hiện nay? Chẳng lẽ những người nắm giữ tương lai không quan tâm gì tới quá khứ? Trong bụng tôi không thật tin. Nói cách khác tôi cho rằng các hồi ký đang được viết có liên quan đến tất cả chúng ta, và với tư cách người đương thời, chúng ta nhất định phải quan tâm tới chúng. Anh, chị có lý lẽ gì thêm để biện hộ cho sự có mặt của hồi ký?

- Nguyễn Kiên: Nếu tôi không lầm thì lớp người lớn tuổi như tôi nói chung thường đọc và thích hồi ký. Lui về thời xưa, thích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, hoặc hơn chục năm trước đọc đi đọc lại Cát bụi chân ai của Tô Hoài, và gần đây hay bàn với nhau về hồi ký được viết dưới dạng tiểu thuyết của Nguyễn Khải... Mình cần biết cái cũ, như thỉnh thoảng cần nghĩ lại về cuộc đời của chính mình. Chi tiết trong hồi ký chính là sự thật lịch sử diễn ra trong đời sống hàng ngày. Vai trò của nó là bổ sung cho sử sách.

- Đặng Thị Hạnh: Tôi không đọc được nhiều hồi ký của các tác giả trong nước nhưng trong những cuốn sách trong nước mà tôi coi là quan trọng nhất, thì đã có tới mấy cuốn hồi ký. Đó cũng chính là những quyển anh Kiên vừa kể.

- Vương Trí Nhàn: Chắc hẳn anh, chị không đọc hồi ký để được thoả chí tò mò như cái cách một số người vẫn bảo, khi dúi cho nhau các cuốn sách ở thể tài này.

- Đặng Thị Hạnh: Không. Những nét riêng tư hay bí mật mà một số độc giả thường chờ đợi ở các hồi ký với tôi không có ý nghĩa gì. Theo tôi hiểu, cùng lắm, điều đó chỉ khiến sách bán chạy lúc mới xuất bản.

- Vương Trí Nhàn: Nhưng dẫu sao việc đi tìm tính chân thực của một tác phẩm văn chương (kể cả các hồi ký) vẫn là một thói quen khó bỏ. Nên hiểu thế nào về sự chân thực này ở hồi ký?

- Nguyễn Kiên: Nhớ lại độ sinh hoạt ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp, tôi thường nghĩ ngay tới những phố tản cư, dựng lên tạm bợ mà vẫn có cái vẻ nhộn nhịp riêng, nó là dấu vết của thành thị giữa núi rừng. Giá như bây giờ được biết có ai đó, trong hồi ký của mình, phác họa lại những chi tiết sinh hoạt phố xá hồi đó, hẳn tôi sẽ tìm đọc bằng được. Một số hồi ký sở dĩ đọc chán ngắt vì đại khái toàn kể những chuyện người đọc đã biết rồi. Ngược lại những cuốn hồi ký mà tôi thích thường có cái sinh động của những chi tiết đời thường, kể cả những chi tiết mà bản thân tôi có biết nhưng lại chưa nhận ra hoặc chưa có dịp viết ra. Nếu không có cái vẻ sinh động của đời sống hàng ngày thì còn ai cần đến hồi ký nữa. Nhưng tôi cho rằng những cuốn hồi ký hay nhất phải là những cuốn ghi được những vận động trong tư tưởng. Loại này thì ở ta chưa có.

- Đặng Thị Hạnh: Tôi hiểu tính chân thực trong tự thuật và hồi ký theo cái nghĩa miễn sao tác giả xây dựng được diện mạo người cùng thời, và qua chuyện của mình mà phác họa ra cả thời đại là tốt rồi.

- Vương Trí Nhàn: Vậy cái gì tạo nên sự hấp dẫn của các hồi ký?

- Nguyễn Kiên: Người viết phải có nhu cầu khám phá đời sống. Hồi ký là gì nếu không phải là để nói về thời cũ theo như cái biết của người viết. Trong khi kể chuyện, người viết đóng vai trò một nhân chứng. Sự trung thành với tài liệu ở thời điểm mà mình nhắc tới tự nó đã có sức mời gọi người đọc. Còn nếu như giờ đây mình nghĩ khác đi về chuyện xảy ra hồi trước thì lại càng thú vị. Ta có quyền viết ra cả hai, nhưng hai chuyện phải tách bạch cho rõ ràng.

- Đặng Thị Hạnh: Đã từ lâu chúng ta có thói quen cho rằng chân lý là duy nhất, và chỉ có một số người (trong đó có ta) năm được chân lý đó. Một khi có được cách nghĩ ngược lại, thì hồi ức của con người như được giải phóng, tạo nên rất nhiều hào hứng.

(Theo TT & VH)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Triển lãm tranh "Đến với xứ sở hoa anh đào" (04/07/2003)
Phương án số 17 Nhà Quốc hội đã được chọn (04/07/2003)
"Cả thần tượng cũng cần được cảm hoá" (04/07/2003)
Một trường học tại Australia cấm Harry Potter (03/07/2003)
UNESCO công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới (03/07/2003)
Didier Corlou: "Tiếp theo phở, tôi sẽ làm sách về nước mắm" (03/07/2003)
Phê bình mỹ thuật có bắt kịp thực tiễn sáng tác? (02/07/2003)
"NSNA Việt Nam ít có dấu ấn riêng" (02/07/2003)
Gìn giữ tác phẩm như thế nào? (02/07/2003)
Bộ trưởng Văn hoá Brazil lưu diễn ở châu Âu (02/07/2003)
Nhiều cuộc thi - hoa hậu có "bão hoà"? (02/07/2003)
Cuộc thi Hoa hậu áo dài Việt Nam lần đầu tiên (01/07/2003)
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tham dự liên hoan tại Hungary (01/07/2003)
Triển lãm tranh đầu tiên của Canada tại Hà Nội (01/07/2003)
Vũ kịch ''Sự ân hận muộn màng'' ra mắt (01/07/2003)
Tro ve dau trang