Tác giả kịch bản "Chiến dịch trái tim bên phải", một trong 4 kịch bản vừa được Hội đồng duyệt phim Quốc gia duyệt đưa vào kế hoạch sản xuất phim nhựa năm nay là tác giả kịch bản phim truyện nhựa trẻ nhất. Hoàng Anh Tú mới có 25 tuổi, chưa từng có kịch bản được dựng phim truyền hình nhưng lại có thâm niên 10 năm viết văn và là cây bút quen thuộc qua những bài viết trên Hoa học trò, tờ báo có lượng phát hành 20.000 bản/kỳ.
Nếu như bên mảng phim tài liệu, kịch bản "Thế hệ @" (Phan Huyền Thư) đang hứa hẹn một cái nhìn mới về giới trẻ hiện nay thì trong phim truyện, niềm hy vọng đó lại đang được đặt vào "Chiến dịch trái tim bên phải" của Hoàng Anh Tú.
- "Chiến dịch trái tim bên phải", một tên phim nghe thật trẻ trung và hiện đại, nó là gì vậy?
- Đơn giản, đó là tên của một chiến dịch trong phim. Một lũ học trò 8 đứa cùng có chung một thần tượng là cô giáo của chúng, đã nghĩ ra trò đi tìm người yêu cho cô giáo. Việc chẳng thành đã khiến chúng nhận ra một điều: tình cảm không phải là thứ áp đặt mà có được.
- Hơn bất kỳ một tác giả kịch bản nào khác, anh rõ ràng có lợi thế hơn hẳn về vốn sống và sự am hiểu về thế hệ học trò mới của ta nhờ môi trường tiếp xúc cập nhật. Vậy, có thể hy vọng điều gì ở "Chiến dịch trái tim bên phải"?
- Trước hiện tượng nhiều ngôi sao ở ta đang tự đánh mất tình yêu của những người hâm mộ hoặc đang cố hút các em bằng những chiêu ăn dỗ rẻ tiền, điều mà tôi muốn nói với không chỉ các em đó là: Ngay cả thần tượng cũng có thể và cần được chính các fan cảm hoá.
- Cảm giác như thần tượng của các em bây giờ chủ yếu là các ngôi sao ca nhạc, chọn nhân vật cô giáo, anh có sợ...?
- Theo tôi đó chỉ là bề nổi, những thần tượng như danh nhân, cô giáo, bố mẹ.. tình yêu đó có thể được bộc lộ một cách lặng lẽ hơn nhiều.
- Học trò, cô giáo, nhà báo... anh có thấy đó là những mẫu nhân vật hay bị "cương" trong phim?
- Giờ chỉ còn nhờ vào tài của đạo diễn Đào Huy Phúc và quay phim Lý Thái Dũng cùng dàn diễn viên đến 80% là mới.
- "Chiến dịch trái tim bên phải" là kịch bản đầu tay, hẳn anh có nhiều động tác tham khảo?
- Tôi tham khảo những phim dành cho đối tượng "teenage" của Mỹ để học tiết tấu, phim cho tuổi mới lớn của Hàn Quốc để học chi tiết, đọc Harry Potter hy vọng túm được "đòn tâm lý" của nó, máu "hiệp sĩ" trong nhu cầu thể hiện mình của bọn trẻ... và cuối cùng là xem "Gái nhảy" để biết người ta đã làm phim về một điều gì mà ai cũng thích xì xầm nhưng ít có điều kiện tiếp xúc còn giờ thì mình sẽ làm phim về một điều mà ai cũng đã từng tiếp xúc nhưng ít xì xầm.
(Theo Lao Động) |