|
Phong cảnh Phong Nha (Quảng Bình). |
(VietNamNet) - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa chính thức được công nhận là di sản thế giới tại cuộc họp toàn thể của Uỷ ban Di sản Thế giới lần thứ 27 đang diễn ra tại Trụ sở UNESCO (Paris) từ 30/6 đến 5/7.
Tham dự kỳ họp này có đại biểu của hơn 160 quốc gia thành viên Công ước về di sản thế giới của UNESCO. Đoàn đại biểu nước ta gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá - Thông tin, UBND tỉnh Quảng Bình và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Sau khi xem xét, thảo luận những vấn đề có tính chiến lược về bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên của thế giới, trước những thách thức và bối cảnh mới của quốc tế hiện nay, Uỷ ban Di sản Thế giới đã công nhận thêm hơn 30 di sản văn hoá và thiên nhiên của các quốc gia thành viên, trong đó có Khu vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình, được thành lập cuối năm 2001 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha, có tổng diện tích 85.754ha.
Đây là một phần của khu vực núi đá vôi cổ nhất ở châu Á, được tạo lập từ hơn 400 triệu năm về trước, nơi ngưng đọng những giá trị đặc biệt về sự hình thành và phát triển của trái đất. Đồng thời, có nhiều giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học với 568 loài thực vật và 876 loài động vật, trong đó có không ít loài được đưa vào sách đỏ của thế giới và Việt Nam. Khu vực này cũng đồng thời là một trung tâm du lịch văn hoá lớn với hệ thống các hang động nổi tiếng, đặc biệt là khu động Phong Nha.
Trước kỳ họp này, các cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO chưa đồng thuận việc công nhận khu di sản này trong năm nay do những tác động của việc xây dựng đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây và sự thu hẹp địa giới vườn quốc gia.
Tuy nhiên, do sự vận động, giải thích hết sức tích cực của đoàn đại biểu Việt Nam, 15h15 phút ngày 2/7/2003 (giờ Paris), Uỷ ban Di sản Thế giới đã quyết định đưa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào Danh sách di sản thế giới. Đây là di sản thế giới thứ 5 tại Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận.
|