|
Một bức tượng bị hư hại ở Khu vườn tượng Huế |
Cố đô Huế đã hai lần đăng cai Trại sáng tác điêu khắc quốc tế vào năm 1998 và 2002. Các nhà điêu khắc trên khắp các châu lục và Việt Nam đã để lại cho Huế trên 60 tác phẩm điêu khắc có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tác phẩm điêu khắc đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Tại vườn tượng của Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 1998 trước Trường Quốc học Huế, nhiều bức tượng không ai chăm sóc, trông nhem nhuốc.
Tác phẩm Bí ẩn và trầm cảm của Glen Clarke (Australia) là những thanh sắt không rỉ gác chéo lên nhau, giống như hình tượng mái nhà Việt Nam. Đầu các thanh sắt ghi tên các tác giả tham gia trại sáng tác, trên các thanh sắt là 24 chiếc niêu đất biểu tượng cho sự hưng thịnh của một nền văn hoá và tấm lòng của những người bạn mới Việt Nam. Tiếc thay, hầu hết những chiếc niêu đất đã bị mất, chỉ còn lại 7 chiếc sứt mẻ, tán loạn.
Ở vườn tượng Công viên 3-2 trước trường ĐH Sư phạm Huế có 34 tác phẩm điêu khắc của trại sáng tác 2002. Đã hơn một năm rồi nhiều tác phẩm vẫn để trên đồi đất trống bụi mù, chứng tỏ chẳng có sự chăm sóc nào cả. Đặc biệt, tác phẩm The Family (Gia đình) của nhà điêu khắc Thái Lan, Vichai Sithiratn, bằng chất liệu nhựa tổng hợp và composite mô tả hai vợ chồng và một đứa con trong hạnh phúc gia đình đang bay bên bờ Sông Hương đã bị gãy vỡ trụ chống, bức tượng vỡ bung, đổ sập...
Sau khi dư luận báo chí lên tiếng, UBND tỉnh TT-Huế đã có cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm và bàn phương án sửa chữa và quản lý. Thành phố đã bố trí 3 cán bộ thường xuyên kiểm tra công viên, bảo vệ các bức tượng, đồng thời giao cho Trường PTCS Nguyễn Tri Phương chăm sóc vườn tượng. Thành phố cũng đặt các bảng khuyến cáo, tăng thêm ánh sáng ban đêm chiếu vào các bức tượng.
Thành phố Huế đã đầu tư 3 triệu đồng cho Khoa điêu khắc, Trường ĐH Nghệ thuật Huế sửa chữa các bức tượng hỏng. Không biết chừng ấy tiền có đủ không?
Về lâu dài, các bức tượng sẽ được chuyển về Vườn tượng quốc tế đang xây dựng ở Bắc Ngự Bình. Một số bức tượng chất liệu không bền vững, hay nghệ thuật chưa đẹp sẽ được đưa vào trưng bày, bảo quản ở sân Tam Toà (Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế hiện nay).
(Theo Văn Hoá) |