''Xin báo chí hãy sử dụng vũ khí biếm họa''
18:08' 30/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Câu nói trên của họa sĩ Nguyễn Duy Lẫm, Chi hội trưởng Chi hội đồ họa Hà Nội, tại cuộc họp báo nhân triển lãm Biếm họa, đã nhắc chúng ta nhớ đến thời vàng son của lĩnh vực nghệ thuật này.

Cây hài Chí Trung (tranh hài hước của Nguyễn Hữu Khoa).

Thời kì đó là những năm 60 - 70 của thế kỉ trước. Lúc đó xã hội có phong trào phê phán cái tiêu cực thật mạnh mẽ, cũng như đả kích âm mưu của bọn đế quốc hòng bắt các dân tộc phải làm nô lệ. Tuy nhiên, những năm gần đây lĩnh vực biếm hoạ ít được chú ý. Theo hoạ sĩ Lẫm, việc đó có hai lí do. Thứ nhất, do báo chí phát triển rầm rộ, qui mô, nên các hoạ sĩ biếm hoạ cũng không theo kịp. Thứ hai, trong giai đoạn xây dựng hoà bình, cuộc sống bộc lộ nhiều cái phức tạp, tế nhị, nhưng đối lại, sự chú ý của các cơ quan chuyên trách tỏ ra chưa tương xứng.

Phòng tranh Biếm hoạ lần này đề cập toàn diện tới các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, cảnh quan môi trường, văn hoá, chống tham nhũng, xa hoa lãng phí, chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình... Hoạ sĩ Nguyễn Duy Lẫm nhận xét rằng: ''Vào những năm 60 - 70, lĩnh vực này chủ yếu là tranh đả kích. Nhưng hiện nay, chúng tôi quan niệm dòng tranh này gồm ba loại: tranh hài hước, châm biếm thói hư tật xấu, cái tiêu cực, và tranh đả kích''. 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (tranh hài hước của Nguyễn Hữu Khoa).

Ông Lẫm còn xem biếm hoạ như binh chủng đặc công, đánh địch, sửa chữa cái chưa hoàn thiện trong xã hội bằng một phương pháp đặc biệt. Ông phân tích, hiện trên báo chí đã phản ánh (bằng ngôn ngữ) quá nhiều cái tiêu cực, nhiều đến mức khiến chúng ta đâm quen, nhờn thuốc, gây một sức ỳ trong nhận thức và hành động. Trước những vụ án như Năm Cam, hầm chui Văn Thánh, phá rừng Tánh Linh, chưa có báo nào dành cả một trang cho biếm hoạ về những chủ đề như thế. Ông Lẫm tin rằng, nếu làm thế sẽ gây được một ấn tượng mới cho các cơ quan quản lí, gây được những cơn giận phản ứng trong xã hội. Đó là một ý kiến đáng suy nghĩ cho tất cả giới báo chí. 

Dịp này, Chi hội đồ hoạ Hà Nội mời 25 tác giả biếm hoạ tham dự. Kết quả, đã cho ra đời một phòng tranh với 200 tác phẩm tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội, sau khoảng 5 năm vắng bóng. 

Mảng tranh hài hước có một số chân dung các văn nghệ sĩ rất đặc sắc, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Huy Thiệp, ca sĩ Hồng Nhung, nghệ sĩ hài Chí Trung. Mảng tranh châm biếm có tác phẩm vẽ bóng Tháp Rùa trên mặt Hồ Gươm đã bị bóng các toà nhà cao tầng vô duyên vô lối đè lên một cách nực cười. Mảng tranh đả kích chủ yếu bám vào các sự kiện gần đây trên thế giới như chiến tranh Iraq, xung đột vùng Trung Đông... đả kích bom đạn, cùng thói hung hăng của bè lũ diều hâu khiến bao người phải sống trong bóng tối bất an.

Dù nhiều bức chưa phải thực sự sắc sảo, cái hài chưa đạt đến độ chua cay, nhưng triển lãm này đã cho thấy tinh thần lao động nghiêm túc, ý thức công dân mạnh mẽ của các tác giả, những người trí thức nghệ sĩ, những người đang góp sức mang lại cho tranh biếm hoạ một thời vang son mới. 

  • Nguyễn Phúc
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Harry Potter" và giới trẻ Việt Nam (30/06/2003)
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: "Tôi thích ngửa bài. Với vợ cũng thế!" (30/06/2003)
''Nghề làm báo'' - cuốn sách dịch quá nhiều sạn (29/06/2003)
Tatu thất bại tại "đất nước mặt trời mọc" (28/06/2003)
''Đương đại'' và ''phê bình" (28/06/2003)
Britney Spears là thần tượng số 1 của tuổi học sinh (29/06/2003)
Kevin Costner lại lấy vợ (28/06/2003)
Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ: "Vẽ về quê hương là niềm tự hào của tôi" (28/06/2003)
Asian Fantasy Orchestra biểu diễn tại TP HCM (27/06/2003)
Phát hiện thêm 30 mộ chum tại Sa Huỳnh (27/06/2003)
Cây bút hài kịch hàng đầu Lộng Chương đã ra đi (27/06/2003)
Sắp đặt với quang gánh và cây (27/06/2003)
2004 là hạn chót thi kịch bản phim về Thăng Long (26/06/2003)
8 triệu bảng Anh cho 3 kiệt tác của Vincent Van Gogh (26/06/2003)
Trang điểm phải phù hợp với trang phục (26/06/2003)
Tro ve dau trang