|
Hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ. |
(VietNamNet) - "Quê hương thì ai chả có, ai chả thích. Nhưng bây giờ họ vẽ về quê hương khác rồi, không thật mà cũng không ăn nhập với thực tế cũng như thẩm mĩ của người xem. Tôi vẽ về quê hương bằng tình yêu và niềm tự hào về từng thửa ruộng, luỹ tre, bến nước, cây cầu...". Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã tâm sự như vậy khi được hỏi về bước "chuyển" từ mảng đề tài Trường Sơn vốn làm nên tên tuổi của ông sang mảng phong cảnh quê hương.
Nói đến hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ là người ta nhắc đến gần 400 bức ký họa về Trường Sơn của ông với một niềm trân trọng. Từ trong và sau chiến tranh, ông vẫn tâm huyết sáng tác về đề tài Trường Sơn - Con đường huyền thoại với mong muốn "người sống được tự hào, người chết được mát mẻ" vì họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để mang lại chiến thắng cho dân tộc. Vốn từ một người lính có gần 30 năm "vào sinh ra tử", từng có 8 năm gắn bó với Trường Sơn, chiến đấu tại những trận tuyến khốc liệt nhất của Binh trạm 42, biên giới Việt - Lào, A Sầu, A Lưới. Xúc cảm từ thực tiễn chiến tranh, hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ trở thành người có số lượng tranh về đề tài người lính trường Sơn vào loại nhiều nhất. Tranh của anh chân thực, rung động, tràn trề sức sống về người lính Trường Sơn, kể cả mảng đề tài về sự khốc liệt của chiến tranh, mang màu sắc bi tráng.
|
Tác phẩm ''Bình minh'' của hoạ sĩ Đức Dụ. |
Năm 1993, triển lãm tranh của ông với những bức vẽ về chiến trường ám mùi thuốc súng, mùi khét lẹt của những khu rừng nhiệt đới cháy trụi đen đúa bởi chất độc hoá học của kẻ thù trải xuống. Bên cạnh đó, họa sĩ đã thể hiện xúc động hình ảnh lạc quan, anh dũng của những người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Những bức tranh của Nguyễn Đức Dụ đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu tranh trong và ngoài nước, nhất là các cựu chiến binh. Họ đứng lặng im trước những bức họa sinh động của ông như gặp lại hình ảnh của quá khứ hào hùng, như gặp lại những gương mặt thân quen của bạn bè, đồng đội, một bóng hình vẫn thầm thương trộm nhớ như: Cua chữ A, Bắn máy bay, Đội điều trị binh trạm 33 (1969), Bốc hàng trong chiến dịch, Tổ trực chiến trên cao điểm Suối Trăng (1971), Trọng điểm Tha Mé. Ông kể lại trong triển lãm này, có bà mẹ đứng trước bức cua chữ A khóc mà nói rằng "Con trai tôi đã hy sinh ở đây.." làm rất nhiều người có mặt tại phòng tranh hôm đó xúc động.
Nghỉ hưu, ông về sống ở làng Ngọc Hà, với niềm say mê sáng tạo mãnh liệt, chân thành ông vẫn say sưa đi và vẽ. Giữa không gian thanh bình của làng hoa Ngọc Hà xưa, anh dồn hết tâm sức để tái hiện hình ảnh tươi đẹp của làng quê Việt Nam, không khí sôi động của đất nước đang trong thời kì đổi mới. Tranh phong cảnh là sáng tác chủ đạo của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ. Người ta gọi ông là cây cọ "từ rừng Trường Sơn xuống biển". Những bức tranh phong cảnh của ông bao giờ cũng có cái nhìn dung dị, đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Chiêm ngưỡng những bức tranh của ông, người xem đều cảm nhận rằng người cầm cọ này phải có một tình yêu, sự gắn bó máu thịt với quê hương mới có được những bức tranh đẹp hồn nhiên và chân thật như: Bình minh trên sông, Hoa Lư, Đường làng Ngọc Hà... Ông tâm sự: "Vẽ về quê hương là niềm say mê, niềm tự hào của tôi. Nhưng làng quê của chúng ta cũng đang trong quá trình đô thị hoá. Những vẻ đẹp dung dị, hồn nhiên của làng quê Việt Nam cũng dần bị mai một. Tôi muốn giữ lại hình ảnh của chúng, vì chỉ vài chục năm nữa thôi, con cháu chúng ta sẽ khó mà biết đến những vẻ đẹp vốn đã nuôi dưỡng tâm hồn cha ông chúng. Điều này cũng giải thích vì sao các họa sĩ trẻ ở thành phố không vẽ nổi tranh phong cảnh về làng quê. Có vẽ thì cũng không thật, không ăn nhập với thực tế cũng như thẩm mĩ của người xem".
Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ là một trong số ít những họa sĩ có hàng chục triển lãm cá nhân, trong đó lại có tới 2 triển lãm riêng về phong cảnh quê hương thu hút sự chú ý của nhiều người và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ bởi "quê hương ai mà chả nhớ, chả thương" như lời ông nhưng cũng bởi lâu nay mảng đề tài này rất thiếu. Dường như người ta đang có khuynh hướng vươn tới những điều quá trừu tượng và khó hiểu hơn (có khi không hiểu nổi)! Lại có ý kiến cho rằng, các họa sĩ "nhà ta" gần đây "thờ ơ" với quê hương! Những gì mà họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đang làm, đang say mê thật đáng trân trọng. Từ cá tính sáng tạo đã dẫn ông tới mảng đề tài thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với quê hương đất nước hôm nay, trong khi không ít các đồng nghiệp lại "sa" vào khuynh hướng nghệ thuật lai căng, xa lạ với công chúng.
|