|
Nhà viết kịch Lộng Chương. |
Vĩnh viễn ra đi vào chiều 26/6/2003, nhà viết kịch Lộng Chương đã để lại trên sân khấu hài một khoảng trống khó bù đắp. Những sáng tác của ông như: Chiến đấu trong lòng địch (1954), Đôi ngọc lưu ly (1961), Quẫn (1961), Cửa mở hé (1969), Tình sử Loa Thành (1979)... là tiêu biểu cho sự gắn bó của một trí thức với vận mệnh dân tộc.
Viết nhiều thể loại, nhưng Lộng Chương là một tác giả có biệt tài về hài kịch. Kịch bản Quẫn của ông với nhân vật bà Đại Lợi vẫn luôn được khán giả nhớ tới như một điển hình nghệ thuật trong thời kỳ cải tạo tư sản sau 1954. Chua cay, khinh bạc trong tiếng cười, nhưng kịch bản của ông luôn ẩn chứa cái nhìn nhân ái.
Sinh năm 1918, tên thật là Phạm Văn Hiển, quê gốc của nhà viết kịch Lộng Chương là Hồng Châu Thượng (Hải Dương), nhưng từ nhiều đời, gia đình ông sống và lập nghiệp tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học ngành hóa học thời Pháp (1939-1944), làm chế hoá viên tại phòng thí nghiệm nông lâm Đông Dương, ông đã bỏ việc và tham gia hoạt động văn hóa cứu quốc từ trước Cách mạng tháng Tám. Sau Cách mạng, tác giả Lộng Chương chuyên về hoạt động sân khấu, và được coi là một trong những người thuộc thế hệ tác giả đầu tiên của sân khấu kịch trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.
Nhiều năm hoạt động trong giới sân khấu với chức vụ uỷ viên thường vụ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khoá I (1958-1983), nhà viết kịch Lộng Chương đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đầu năm 2002 vì những đóng góp nghệ thuật của mình.
(Theo TT & VH) |