Sáng nay (26/6), Ban tổ chức cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội" đã thông báo một số thay đổi về điều lệ cuộc thi này. Để các nhà biên kịch, nhà văn... có điều kiện và thêm nhiều thời gian tham gia sáng tác, thay vì kết thúc vào tháng 10 năm nay, cuộc thi sẽ kéo dài tới cuối năm 2004.
Cuộc thi được phát động vào tháng 9/2002. Cho tới cuối tháng 6, ban tổ chức đã nhận được 12 kịch bản của các tác giả trong nước, bao gồm: "Hoàng đế Quang Trung" (4 tập) và "Nổi trống Trần triều" (phần 1, 6 tập) của tác giả Trần Bẩy, "Kẻ sĩ Thăng Long" và "Lý Thường Kiệt" của Nguyễn Khắc Phục, "Huyền Trân công chúa" (2 tập) của Duy Khánh, "Cửa ô" của Nguyễn Huy Bảo, "Ngàn năm thương nhớ" (2 tập) của nhóm tác giả Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, "Trái tim nhân hậu" của Vũ Tâm, "Bà mẹ ngoại thành Hà Nội" của Hải Ninh, "Những ngày chưa xa" của Nguyễn Trịnh Thái, "Đất mẹ đã qua mùa giông tố" (12 tập) của Bùi Đình Thịnh, "Báo xuân hoa mận trắng trời" (2 phần) của Đỗ Diệp Khang. Hiện nay, hội đồng thẩm định đang chuẩn bị thẩm định số kịch bản này.
Ban tổ chức cũng đang có kế hoạch nâng giải thưởng cuộc thi, theo đó, cơ cấu giải gồm: 1 giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng, 2 giải nhất (mỗi giải 80 triệu), 3 giải nhì (50 triệu/giải), 3 giải ba (20 triệu/giải) và 15 giải khuyến khích (5 triệu/giải).
Để nâng cao chất lượng kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội - nội dung quan trọng của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhà tổ chức đang tiến hành chọn lựa khoảng 10 nhà biên kịch, nhà văn có uy tín, kinh nghiệm sáng tác kịch bản điện ảnh để đặt hàng trực tiếp. Dự kiến, mỗi người trong số này sẽ được thành phố đầu tư từ 15 - 20 triệu để sáng tác.
Vào tháng 10 tới, Ban tổ chức cuộc thi sẽ sơ kết, đánh giá chất lượng số kịch bản đã nộp và đưa ra những bổ khuyết cần thiết để có được kịch bản xứng đáng với lịch sử và truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(Theo Hà Nội Mới) |