|
Sa Pa sẽ luôn hấp dẫn du khách. |
Khu di tích bãi đá cổ Sa Pa vừa được tỉnh Lào Cai đầu tư tôn tạo, chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa vào tháng 10 tới. Bãi đá cổ Sa Pa, cùng với Thác Bạc, Cầu Mây, Cổng Trời là những địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước của "thành phố trong sương" Sa Pa. Tuy nhiên, thời gian qua, khu di tích sách trời độc đáo này đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Để tạo thuận tiện cho khách tham quan, tỉnh đã cho lắp đặt những tấm biển chỉ dẫn bên đường cái. Đường dẫn đến nơi cư ngụ của các pho sách trời cũng đã được xếp đá phẳng, nền đường rộng hơn 1m, thay cho con đường đất luôn bị bùn lầy. Tỉnh cũng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng, trải nhựa và làm lan can trên con đường đá dài hơn 10km chạy từ thị trấn Sa Pa lên khu di tích.
Lào Cai cũng đã xây dựng cổng chào và đường đi ra Hòn Mẹ để du khách có thể nhìn ngắm rõ các hình khắc cổ. Bên những phiến sách đá cổ là những tấm bảng giới thiệu khái quát về di tích và quá trình phát hiện và thông tin về những bí ẩn của những hình khắc cổ trên các pho sách.
Tại trung tâm bãi đá, trước lối dẫn xuống hòn Bố, công trình xây dựng Trung tâm Bảo tồn di tích bãi đá cũng đang được hoàn thiện. Tuy mở cửa đón khách du lịch tham quan, tỉnh cũng sẽ có biện pháp ngăn chặn mọi sự xâm hại để bảo tồn các phiến đá có hình khắc cổ.
Trung tâm cũng sẽ ấn hành những cuốn sách giới thiệu về khu di tích và những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về những hình khắc thông điệp của người Việt cổ.
Bãi đá cổ Sa Pa, được học giả người Pháp V.Gulubep phát hiện từ năm 1925, chạy dọc một rẻo thung lũng Mường Hoa qua 3 xã Lao Chải, Tả Van và Hầu Thào với chiều dài hơn 4km, rộng hơn 2km. Gần 200 hòn đá lớn nhỏ nằm rải rác tại đây theo kiểu lộ thiên, bán lộ thiên hoặc còn nằm dưới lòng đất, đều có những hình khắc các hiện tượng tự nhiên, hình vẽ thể hiện cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất và hình người ở nhiều tư thế. Đặc biệt, tại bãi đá có những hình khắc giống như họa tiết trên trống đồng Đông Sơn và những hình thể hiện tín ngưỡng phồn thực, thờ sinh thực khí của dân gian.
Các nhà khoa học đã khẳng định những hình vẽ bí ẩn trên bãi đá cổ Sa Pa là của nhiều tộc người sống ở nhiều thời đại khác nhau, từ cư dân văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.300- 3.000 năm) đến cư dân H'Mông đến định cư ở Sa Pa 200 năm trước đây. Giáo sư Lê Trọng Khánh, một chuyên gia đầu ngành về chữ viết của người Việt cổ, nhận xét:"Tổng thể các hình khắc trên bãi đá cổ Sa Pa quả là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự cổ".
(Theo TTXVN) |