Xung quanh “sự cố” tại nhóm tháp F:
Chúng ta đang gìn giữ hay tàn phá Mỹ Sơn?
10:54' 27/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Các KTS trùng tu, các nhà khảo cổ đang phải đau đầu về việc “đào nhóm tháp F (Mỹ Sơn) lên để... chờ sập''. Số là, nhóm tháp đó nếu cứ để yên trong lớp đất bao bọc thì không sao, đằng này, người ta lại “mổ phanh” những di sản văn hoá thế giới này ra trong một cuộc khai quật quy mô mà không có bất cứ một sự “sơ cứu” (gia cố) kịp thời nào. Sau nửa năm, tường gạch đã sụt lở, mà nhóm tháp vẫn phải “dài cổ” chờ một dự án gia cố trùng tu của Nhà nước mà bây giờ vẫn chưa được lập...

“Tổ mối” tháp F1 sau khi khai quật được chống đỡ tạm bợ (ảnh chụp tháng 4/2003)

Từ sự cố này, nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Số phận của trên dưới 40 phế tích đền tháp tương tự như nhóm tháp F này còn nằm đâu đó dưới lòng đất Mỹ Sơn sẽ ra sao? Theo dự án Quy hoạch tổng thể, chúng sẽ được khai quật toàn bộ trong thời gian tới - liệu chúng có rơi vào những sự cố tương tự? VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Hồng Sơn (Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích, Bộ VHTT), người đã từng 17 năm lăn lộn gắn bó với công việc trùng tu tháp Chàm, chủ tịch Dự án “Quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn”(được đầu tư 178 tỷ), về những kinh nghiệm rút ra từ sự cố này:

- Thưa anh, từ những gì được phát lộ ở nhóm tháp F, anh đánh giá giá trị của nó như thế nào trong tổng thể 73 đền tháp Mỹ Sơn?

- Đây là phế tích của một nhóm tháp rất đẹp, thuộc phong cách Đồng Dương, đã bị đổ sập từ năm 1969 do bom Mỹ (cạnh tháp vẫn còn thấy có 3,4 hố bom lớn) . Qua các tư liệu để lại thì ở nhóm này có 4 tháp. Tháp F3, F4 đã mất hết. F2 chỉ còn lại một, hai mảng tường. F1 là tháp ít hư hỏng nhất trong nhóm thì cũng chỉ còn có thế (xem ảnh).

- Với con mắt của một KTS, anh thấy liệu nó có sụp đổ ngay được như người ta nói không?

- Tình trạng của nhóm tháp F hiện nay là rất đáng lo ngại. Nói không ngoa, chỉ vài trận mưa nữa là đổ, nhất là những cơn mưa xối xả của miền Trung và lại đổ dồn xuống một thung lũng như thế. Trước đó, ở trong lòng đất, các tháp này đều tồn tại dưới hình thức mà các KTS Italia gọi là “tổ mối”. Chính đất đá bao quanh đã vô hình chung làm thành lớp bảo vệ gắn kết nó. Khi bóc hết lớp đất đá đi mà lại không có biện pháp gia cố đồng thời thì tháp đổ là cái chắc.

- Giả sử bây giờ, dự án gia cố tháp được duyệt ngay, thì tình hình sẽ được cứu vãn?

- Theo tôi, ngay cả như thế, thì cũng đã mất mát rất nhiều. Lẽ ra người gia cố trùng tu và người khai quật phải gắn với nhau như hình với bóng, nói cách khác thì công trường trùng tu phải nằm ngay bên cạnh công trường khai quật. Vị trí của từng viên gạch cũng phải được để nguyên trạng. Một viên gạch rơi phải có nhà gia cố ngay ở đó để biết nó sẽ cần phải gắn vào vị trí cũ của nó như thế nào. Như là làm phẫu thuật vậy, anh phải chính xác tỉ mỉ, phải nhớ vị trí của từng bộ phận, không thể mổ bụng người ta ra rồi đảo linh tinh tim gan phèo phổi lên. Tim gan mỗi thứ chỉ có một, còn đây hàng nghìn viên gạch mỗi viên có thể gắn với một mảng điêu khắc nào đó hoặc có dụng ý riêng… Nếu khai quật làm trước trùng tu hàng tháng hay hàng năm thì không tránh khỏi mọi thứ sẽ trở thành một đống tạp-pí-lù sau khi đào bới.

Phần còn lại của tháp F2

-Điều anh nói lại động chạm đến vấn đề lớn hơn. Trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, đại diện ngành bảo tồn bảo tàng cho rằng, nhóm tháp F đang “thí nghiệm” phương pháp khảo cổ trùng tu mới. Với phương pháp này phải có kết quả khảo cổ rồi mới nghiên cứu, đo vẽ lập dự án gia cố, trùng tu…

- Đó là quy định mới. Nhưng suốt những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với ông Kazik (KTS Ba Lan) trong tiểu ban hỗn hợp Việt- Ba, chúng tôi cứ đào đến đâu, cứu chữa ngay đến đấy nhờ thế đã cứu được các nhóm tháp B,C, D. Nhờ đó mà diện mạo Mỹ Sơn mới được như bây giờ. Còn việc phải đưa ra báo cáo về hiện trạng của di tích, có ảnh chụp, bản vẽ rồi mới “sơ cứu” và trùng tu di tích … thì điều đó chỉ thích hợp với các di tích hiện còn trên mặt đất và có thể gắng gượng trong một thời gian tương đối, chứ không thể áp dụng cho các “tổ mối” như tháp F được …

- Cả khu di sản Mỹ Sơn có khoảng 73 đền tháp, nhưng những gì du khách có thể nhìn thấy hiện nay thì chưa đầy một nửa (30 tháp), số còn lại (40 tháp) hãy còn là những tổ mối. Theo anh có nên tiếp tục “bới" những cái tổ mối này nữa không?…

- Có chứ. Về lâu dài, theo quy hoạch tổng thể, chúng ta phải khai quật không chỉ bản thân các tháp mà còn cả các công trình phụ trợ khác, thậm chí cả nơi ta phỏng đoán là địa điểm tập kết nguyên vật liệu xây dựng. Cần phải làm như vậy để khôi phục về mặt không gian của Mỹ Sơn, để người ta có thể hình dung ra quy mô tổng thể của cả khu di tích.

- Nhưng nếu đưa lên mặt đất chỉ để …chờ sập?

- Tất nhiên sẽ phải rút ra những kinh nghiệm xương máu từ lần này. Chúng ta hy vọng đây sẽ là lần duy nhất phải để cho cả giới khảo cổ cũng như báo chí phải kêu cứu như thế. Đối với nhóm tháp F, sự đã rồi, chỉ có cách đốc thúc gia cố cho nhanh. Theo chúng tôi, nhất thiết phải sửa lại quan điểm cho rằng khai quật phế tích lên trước rồi mới khảo sát nghiên cứu và đưa ra dự án gia cố. Bởi vì không nói cũng biết, khoảng thời gian giữa hai bước này quá dài, đành rằng luật là như vậy nhưng các phế tích thì không thể chờ. Tóm lại trong những lần tới, dứt khoát phải có công trường trùng tu thì mới bắt đầu công việc khai quật.

  • Đỗ Diễm Huyền
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Các sân khấu Thượng Hải hoạt động trở lại (24/06/2003)
Thu Phương và Huy MC đâu rồi? (24/06/2003)
Ra mắt cuốn ''Phở'' của bếp trưởng Didier Corlou (24/06/2003)
Đừng để ngành văn hoá ''ngoài cuộc'' (23/06/2003)
MuchMusic Video Award đã có chủ (23/06/2003)
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Võ Nghiêm Minh về nước làm phim "Mùa len trâu" (23/06/2003)
"Người khổng lồ" "đè bẹp" bảng xếp hạng phim ăn khách nhất Bắc Mỹ (23/06/2003)
Kịch bản Lễ hội chiến thắng Điện Biên Phủ 2004: Nhìn bằng con mắt trẻ! (23/06/2003)
Ca sĩ Mỹ Lệ: ''Thời trang sân khấu phải lấy được cảm tình khán giả'' (23/06/2003)
Nghề giấy Long Đằng sẽ hồi sinh? (22/06/2003)
Gặp người giữ hồn chèo Tàu (23/06/2003)
Berry và Hopkins có tên trong danh sách "Những người nổi tiếng" 2004 (21/06/2003)
Trợ lý Minh Vượng "tái xuất" với "Thay tim đổi mặt" (03/11/2003)
Nghệ nhân khắc chữ trên tre (21/06/2003)
Khai mạc liên hoan phim quốc tế Moscow lần thứ 25 (21/06/2003)
Tro ve dau trang