|
Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. |
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Võ Nghiêm Minh, sau 16 năm làm khoa học tại Mỹ, đã trở lại Việt Nam làm... phim. Bộ phim có tựa đề Mùa len trâu, do ông phóng tác từ hai truyện ngắn Mùa len trâu và Một cuộc biển dâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, đã thuyết phục được Hãng phim Giải Phóng đưa vào kế hoạch sản xuất bằng tiền tài trợ của Nhà nước với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, phim còn nhận được sự hợp tác về vật chất của một số hãng sản xuất của các nước Bỉ, Pháp, Canada...
Trước khi phim được khởi quay (tháng 8/2003), phóng viên đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn - tác giả kịch bản Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
- Tứ nào trong hai truyện ngắn được chuyển thể khiến anh thích và tư tưởng mà kịch bản cũng như bộ phim Mùa len trâu mà anh muốn nói đến là gì?
- Trước đây đọc qua tiểu thuyết Hương rừng Cà Mau, tôi có cái nhìn khác, một cái nhìn mộc mạc của một người mới lớn. Nhưng khi bắt đầu lựa ý để viết kịch bản tôi thấy được những đặc điểm khác nữa. Mùa nước nổi là một cảnh trí rất hùng vĩ trong sự tưởng tượng của tôi, tôi thấy vẻ đẹp rất đặc biệt của một không gian bị nước bao phủ mặc dù tôi chưa bao giờ đặt chân tới vùng Cà Mau, An Giang.
Nước trong Mùa len trâu là biểu tượng của sự chết (mùa nước nổi không có đất để chôn nên người ta dìm xác người ở dưới nước, trâu bò chết ở dưới nước mục rã ra trong nước, cây cỏ bị nước làm cho mục nát) nhưng từ trong môi trường chết nảy sinh ra sự sống (sinh vật lấy mầm sống từ nước, cá sinh sôi, lúa nảy mầm...).
Người nông dân nhờ có nước để tạo sự sống, vì thế đối với tôi nước vừa là biểu tượng của cái chết, trong khía cạnh khác nó lại là mầm của sự sống. Thứ hai, nước trong Mùa len trâu là biểu tượng của thời gian trôi qua, thời gian mang tính chất lịch sử đang trên đà bị mất đi, lối sống của những người chân trâu mất đi, bởi con trâu thay thế bằng máy cày. Đó là những ý tưởng đã theo đuổi tôi.
- Có nhiều phim được chuyển thể từ Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, nhiều người đã làm phim về vùng sông nước của đồng bắng sông Cửu Long, trong Mùa len trâu sẽ có gì đặc biệt và khác không?
- Tôi chưa xem hết những phim được chuyển thể từ Hương rừng Cà Mau, những phim tôi xem qua thì chưa thấy khai thác khía cạnh về biểu tượng nước như tôi đã nói. Thứ hai, những nhân vật trong phim phần lớn do tôi tưởng tượng, tôi chỉ dùng bối cảnh của ông Sơn Nam viết ra. Tôi nghĩ câu chuyện sẽ khác với những phim trước, dù cho một đề tài tình yêu quen thuộc cả ngàn người làm, cả triệu người xem thì mỗi người đều có một cái gì khác. Tôi không dám nói mình sẽ đặc sắc hơn nhưng ít nhất tôi chắc chắn rằng phim này sẽ khác những bộ phim đã làm về vùng đất đó, trong bối cảnh đó.
- Mỗi bộ phim đều có một màu sắc khác nhau, với Mùa len trâu thì màu sắc mà anh muốn thể hiện là gì?
- Phần lớn câu chuyện xảy ra trong mùa nước nổi, nhưng trong đó có mùa khô chuyển sang mùa lũ, từ mùa mưa sang nắng là một yếu tố tạo ra nhịp điệu, tiết tấu của phim. Tôi nghĩ, phim như một bản hòa âm. Nó như là một song tấu của hai nhạc khí đối thoại với nhau, không đi song song mà lúc chậm, lúc nhanh. Nhạc hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là âm thanh mà bao hàm cả hình ảnh.
- Là một người sống xa quê hương đã lâu, liệu màu sắc địa phương trong phim có bị ảnh hưởng khi anh thể hiện?
- Tôi sẽ làm theo cách nhìn cũng như cách tôi tưởng tượng. Theo tôi nghệ thuật không có cái nhìn thế nào là đúng, cái nào là sai mà cũng không có cái gì là sự thật ở trong nghệ thuật. Mỗi người đều có quyền làm nghệ thuật theo kiểu mình thấy vì nghệ thuật bản chất của nó là một sự tưởng tượng, một sự hư cấu thêm thắt dựa trên câu chuyện đã xảy ra.
- Theo anh khán giả nước ngoài sẽ đón nhận một đề tài về Việt Nam ở thập niên 1930-1940 như thế nào?
- Nghệ thuật không bị giới hạn trong khuôn khổ ở quốc gia, văn hóa hay thời gian, ví như Truyện Kiều vẫn được đón nhận ở các nước phương Tây. Người làm nghệ thuật có cảm xúc mạnh, kinh nghiệm sống sẽ đến được tất cả mọi khán giả trên thế giới. Với Mùa len trâu, tôi tin sẽ truyền tải được những điều mình gửi gắm đến tất cả mọi người.
(Theo Thanh Niên) |