|
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. |
Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa tổ chức buổi gặp gỡ, giới thiệu ý tưởng sân khấu kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004) nhằm kiếm tìm những sáng tạo cho kịch bản của lễ hội này năm sau. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa báo chí với nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục xung quanh vấn đề này.
- Sẽ có nhiều tác giả với vô số cách nhìn về Điện Biên trong kịch bản của mình. Ông có thể tiết lộ về ý tưởng của mình?
- Điện Biên Phủ đã vượt ra khỏi khuôn khổ một chiến thắng quân sự và nó cũng vượt ra khỏi ý nghĩa trận chiến quyết định đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, nói như Manro, "chấm dứt kỷ nguyên khinh miệt con người". Nhưng hiện tại, dân tộc Pháp đang quay trở lại Việt Nam như những người bạn lớn của nhau. Chúng ta vẫn kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng để tôn vinh một nền văn hoá lớn.
- Có thể hình dung kịch bản lễ hội Điện Biên Phủ của ông như thế nào?
- Kịch bản sẽ được nhìn bằng con mắt lớp trẻ hiện tại, thể hiện bằng tất cả những gì trẻ trung nhất, chân thực và khách quan nhất. Chúng ta không can thiệp và áp đặt cách nhìn của chúng ta cho thế hệ trẻ mà chúng ta đang thuyết phục và thu hút họ bằng sự thật lịch sử, bằng hiệu ứng văn hoá của chiến thắng. Mà không chỉ thanh niên Việt Nam đâu, cả thanh niên Mỹ và những nước khác.
- Ông đề cao tính hoành tráng của lễ hội này hay không?
- Hoành tráng là thế nào? Người ta thường nghĩ rót tiền nhiều, đông người và diễn ra trên diện tích rộng là hoành tráng. Đấy mới chỉ là hoành tráng ở kích thước vật lý chưa phải ở kích thước văn hoá.
- Ông thấy những kịch bản của các lễ hội gần đây như thế nào?
- Tôi không muốn nhận xét vì thực sự chúng ta làm chưa tập trung được tính lực. Nhìn riêng lẻ thì mỗi lễ hội cố gắng và thành công ở một vài nét khác nhau. Tuy nhiên, điều dở nhất là chúng ta thoát ly khỏi lễ hội truyền thống dân tộc, không còn tìm thấy dấu vết truyền thống. Hơn nữa, phần đa lễ hội thường làm ồn quá và lười suy nghĩ đâm ra dàn dựng đơn giản, tốn kém, không thu hút những tinh hoa. Tôi nghĩ nguyên cớ sâu xa là sự đầu tư chưa đúng mức về nội dung. Ví dụ, một vở kịch hết 100 triệu, phải tập đi tập lại, duyệt lên duyệt xuống. Một lễ hội hết 10 tỷ mà chúng ta làm cẩu thả, làm lấy được thì không ổn rồi.
- Theo ông, các nhà viết kịch ngồi lại với nhau cho ra kịch bản chung cho lễ hội Điện Biên hay nên mở cuộc thi?
- Vấn đề không phải một nhóm hay một người, quan trọng nhất là chúng ta thu hút những người có khả năng nhất và hợp lý nhất hay không. Đây là công việc công khai chứ không phải việc của vài ba người dấm dúi làm với nhau. Mỗi lần đưa ra một lễ hội cần cân nhắc cẩn thận sao cho phong phú, độc đáo, đừng quên rằng chúng ta phải thu hút được công chúng, cụ thể là công chúng trẻ.
- Ông có thể giải thích vì sao lễ hội đương đại chưa hấp dẫn?
- Sức hấp dẫn của lễ hội là ở sự hoà đồng của người xem. Phải có chỗ cho họ chứ! Đằng này, dù chúng ta đưa lễ hội ra đảo, ra núi nhưng công chúng vẫn khoanh tay ngồi xem như đang xem một vở kịch.
(Theo Tiền Phong)
|