(VietNamNet) - Cụ vẫn mê hát lắm. Năm nay cụ đã 93 tuổi, tiếng hát không còn "tròn vành rõ chữ" như khi mái tóc còn xanh nhưng vẫn có sức cuốn hút rất lạ. Những người mê hát chèo Tàu ở quê cụ vẫn gọi cụ là "người giữ hồn của quê hương" bởi cụ là một kho tư liệu sống về chèo Tàu. Đó là cụ Tiến Thị Lục, người làng Tân Hội huyện Đan Phượng (Hà Tây), người vừa được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian bởi những đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo lưu, gìn giữ vốn văn hoá cổ.
|
Cụ Tiến Thị Lục (bên phải) |
Tháng 5/2003, lần đầu tiên hội văn nghệ dân gian Việt nam tổ chức phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 15 nghệ nhân. Đây là hình thức tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành, truyền dạy những giá trị, kỹ năng, bí quyết về văn hoá văn nghệ dân gian của các tộc người Việt Nam.
Được ra Hà Nội nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian lần này, cụ Lục vui lắm. Kèm với danh hiệu ấy là một phần thưởng tuy ít ỏi nhưng cứ nhắc tới là cụ lại rưng rưng xúc động. Cụ vui nên mặc dù việc đi lại của cụ giờ đây rất khó khăn nhưng cụ vẫn một tay chống gậy, một tay vịn vào tường đi đến nhà những "bạn hát" vốn là những học trò để được chia sẻ niềm vui. Cụ còn đem khoản tiền nhỏ bé ấy "phát lộc" cho các con cháu.
Tuổi của cụ đã cao, lại nặng tai nên việc giao tiếp phải có người "phiên dịch" nhưng cụ vẫn còn khá minh mẫn. Trong câu chuyện chậm chạp mà cụ kể, vẫn toát lên một tình yêu, niềm say mê và sự tâm huyết với lối hát chèo Tàu vốn là truyền thống riêng và đặc trưng của quê hương Tân Hội của cụ. Khi con cháu đề nghị cụ hát một bài, cụ hồ hởi hát cả... 3 bài mà vẫn còn muốn hát thêm nữa. Con dâu của cụ là bà Nguyễn Thị Cúc, năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi, cho biết: "Cụ vẫn mê hát lắm. Hễ có bạn hát hoặc bạn nghe là cụ thích lắm, có khi hát liền một lúc 5 bài".
Hát chèo Tàu là lối hát dân gian gắn bó chặt chẽ với hội hát chèo Tàu của tổng Gối xưa, nay là 4 thôn của xã Tân Hội. Hội hát chèo Tàu là hội diễn xướng phong tục gắn với nghi lễ hội hè mùa xuân. Những làn điệu của hội chèo Tàu mang đậm màu sắc riêng biệt của dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Gọi là hát chèo Tàu bởi vì các "ca nhi phường" đứng trên thuyền rồng, tay cầm mái chèo được trang trí cách điệu múa hát theo điệu chèo thuyền. Trong hội còn có quản tượng là nữ tuổi từ 13 đến 16 hoá trang mặt hoa da phấn, mình mặc bào chiến, đội mũ đầu mâu của thần võ. Quản tượng ngồi trên lưng voi bằng tre hoặc gỗ bồi giấy có bệ gỗ và 4 bánh xe đẩy đi lại nhịp nhàng với những điệu hát. Thuyền và voi được coi là kỳ quan của đám hội, đồng thời biểu trưng cho sức mạnh của tượng binh và thuyền chiến trong chiến tranh của người Việt ta xưa. Trước đây hội hát chèo Tàu 25 năm mới được tổ chức một lần trong sự trông đợi của bao nhiêu người dân xứ Đoài.
Cụ Lục trở thành "ca nhi" của hội chèo Tàu đã được 82 năm, khi mới chỉ là một bé gái 11 tuổi xinh đẹp, hát hay được làng tuyển chọn vào phường để luyện tập. Vốn sáng dạ nên cụ học thuộc các làn điệu một cách nhanh chóng. Cụ nói run run với vẻ đầy luyến tiếc: "Mẹ tôi từng là chúa Tàu, chị tôi từng là cái Tàu. Tôi được tham gia hội hát chèo Tàu có một lần vào năm Nhâm Tuất (tức năm 1922). Gần 80 năm, chả được hội lần nào cho tới năm ngoái đây". Cụ nói "năm ngoái" chính là năm 1998 lần đầu tiên hội hát chèo Tàu được khôi phục sau 76 năm vắng bóng.
Việc khôi phục hội hát chèo Tàu tổng Gối bắt đầu từ những năm 1960 do Viện nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn hoá) tổ chức, hình thức sưu tầm chủ yếu là điền giã. Cụ Tiến Thị Lục cùng một số ít các "ca nhi" tham gia hội hát chèo Tàu lần cuối cùng năm 1922 lần lượt hát lại các bài hát tiêu biểu để các nhạc sĩ ghi âm, ghi chép lại. Quá trình diễn xướng của hội chèo Tàu cũng được các cụ hồi tưởng và thuật lại cho các nhà nghiên cứu, là cơ sở cho việc khôi phục hội hát chèo Tàu sau này, tránh nguy cơ bị thất truyền.
Thế hệ những người trực tiếp tham gia hội hát chèo Tàu xưa đến nay duy nhất chỉ còn lại cụ Lục. Từ năm 1970, cụ Lục đã được mời làm "giảng viên" cho các lớp tập huấn khôi phục chèo Tàu theo đúng lời cổ, nhạc cổ. Cụ đã mang "vốn liếng" cổ truyền của mình ra truyền dạy được cho 5 thế hệ ca nhi phường. Đó là cơ sở để hội hát chèo Tàu mở lại lần đầu tiên năm 1998 thành công. Nghệ nhân Tiến Thị Lục còn tham gia nhiều chương trình diễn xướng chèo Tàu nhằm giới thiệu một nét văn hoá đặc sắc của Hà Tây tới bạn bè quốc tế.
"Người giữ hồn chèo Tàu" tuy tuổi cao nhưng vẫn đầy lửa nhiệt tình. Những người mê hát chèo Tàu ở quê cụ vẫn gọi cụ như vậy bởi cụ là một kho tư liệu sống về chèo Tàu. Nói như GS.TS.Tô Ngọc Thanh, những người như cụ Lục chính là "báu vật nhân văn sống, giữ gìn tài sản tinh thần vô cùng quý giá của đất nước ta".
|