Thể hiện thư pháp trên giấy đã khó, trên tre lại càng khó. Thường thì chữ được viết trên giấy dó, sau đó mới được can vào tre để đục, khắc. Dưới con mắt nhà nghề, các nghệ nhân mới "cho chữ" phù hợp với những loại cốt tre. Người sáng tạo ra những tác phẩm chữ trên tre rất mộc mạc mà lại sang trọng là nghệ nhân Lê Phước Tiến, người làng Kim Bồng, Hội An - nơi có nghề mộc vang danh một thời.
Anh Phước sáng tác ra chữ khắc tre từ sự ham thích thư pháp, rồi mày mò khắc những chữ yêu thích lên tre. Thấy đẹp, anh tiếp tục làm nhiều hơn và bán cho bán khách du lịch. Các chữ khắc trên tre tuỳ theo độ dài ngắn của lóng tre, có thể chỉ là một trong những chữ được người Á Đông ưa chuộng và ngưỡng mộ như Nhân, Tâm, Phúc, Lộc, Thọ - đó là những tâm nguyện, những ước mong tốt lành cho bản thân và gia đình. Có khi lựa được những lóng tre dài và đẹp, các nghệ nhân còn khắc lên những câu đối, những áng thơ tuyệt tác.
Để làm được những tác phẩm tre khắc chữ độc đáo đó phải qua rất nhiều công đoạn công phu. Bắt đầu từ khâu chọn tre, từng lóng, từng khúc tre già bóng mượt rồi cạo lớp sần sùi bên ngoài cho đến khi được vân bóng như sừng, sau đó phải ngâm, tẩm nhằm tạo ra những khúc tre với cốt chữ bền hàng trăm năm.
Chọn chữ hay ý đẹp đã đành, còn thể hiện trên tre sao cho có hồn, có thần, biến tre trúc vô tri thành vật có đời sống văn hoá với ngôn ngữ biểu cảm riêng biệt, thay mặt chủ nhân nói lên tính cách, ý muốn và nỗi niềm... Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải là người có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật thư pháp.
Nghệ nhân Lê Phước Tiến mới 30 tuổi nhưng anh đang làm chủ một xưởng gồm 20 nghệ nhân và thợ thủ công. Mỗi ngày xưởng của anh làm ra hàng chục chữ tre phục vụ cho khách du lịch. Từ một xưởng sản xuất và 3 cửa hàng bán chữ tre đầu tiên của anh, đến nay Hội An đã có nhiều gia đình làm chữ tre với nhiều cửa hiệu bán chữ tre được mở ra trên phố Trần Phú, Phan Bội Châu, Lê Lợi.
Sản phẩm chữ tre của anh đưa ra thị trường đã được nhiều khách du lịch yêu thích và theo chân họ đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều khách du lịch không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi xem những hàng chữ tre san sát ở cửa hiệu của anh và họ đã gọi những tác phẩm khắc chữ tre là chữ tre phố cổ.
(Theo TTXVN)
|