|
Jung Na Won - nhà văn bị Hà Nội mê hoặc | (VietNamNet) - Sinh năm 1965 tại Hàn Quốc, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan cùng gia đình, tên đầy đủ của chị là Jung Na Won, một nhà văn, nhà báo tự do. Chị đã có nhiều công trình dịch thuật các tác phẩm văn chương từ tiếng Anh, tiếng Pháp và làm phóng viên cho một số tờ báo lớn ở Hàn Quốc. Chị đi, trải nghiệm và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một năm trở lại đây, Na Won đã đến Hà Nội liên tục 5 lần để hoàn thành một cuốn sách. "Câu chuyện Hà Nội" (Hanoi Story) sẽ là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội, về đất nước và con người Việt Nam với độc giả Hàn Quốc.
- Điều gì khiến chị nảy ra ý tưởng sẽ viết một cuốn sách về Hà Nội ?
-Tôi đến Việt Nam rất tình cờ, đi chơi theo chồng. Chồng tôi có công việc phải làm tại Hà Nội, dịp đó là tháng 2/2002. Thoạt đầu, tôi chẳng hề có ý định gì, đến ngày thứ hai, khi đi lang thang trong các khu phố cổ của Hà Nội, tôi chỉ chú ý đến những ngôi nhà, tôi không có ý tưởng gì cụ thể về con người hay cuộc sống ở đây cả. Ba ngày sau, tôi chợt nhận ra có điều gì đó kỳ lạ ở những ngôi nhà cũ kỹ, rêu phong, xô lệch trộn lẫn giữa cũ mới. Chẳng hạn những mái ngói cũ vẫn tồn tại bên cạnh những ngôi nhà mới xây theo kiểu hiện đại, rồi những cái ban công kiểu Pháp lại thập thò bên dưới những mái hiên đã quá lâu đời... Tôi cảm nhận được vết tích của thời gian, cảm giác như một sự lưu luyến của lịch sử vẫn ngưng đọng trong không gian Hà Nội.
Cho đến tận ngày cuối cùng, khi rời khỏi Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng những ngôi nhà ở đây thật giống với những thân phận con người. Mỗi một cánh cửa mở ra, khép lại là một câu chuyện của cả một gia đình, một dân tộc. Có những ngôi nhà cổ với những cánh cửa gần như chẳng bao giờ mở, luôn luôn đóng. Chúng hấp dẫn tôi như đứng trước số phận một con người, có bao nhiêu điều bí mật, suốt bao đời mà không nói ra. Đó thật sự là điều đã ám ảnh tôi.
- Thế còn sự xuất hiện của các nhân vật, những con người trong cuốn sách?
- Khi trở lại Thái Lan, tôi vẫn bị ám ảnh đến hàng tháng về hình ảnh của phố cổ, về Hà Nội. Chồng tôi nói, em đã bị Hà Nội mê hoặc rồi. Vậy hãy trở lại một lần nữa để kiểm chứng lại cảm xúc của mình đi.
Tôi quay lại, cảm giác của tôi rất giống với nhiều người ngoại quốc ở nơi khác đến đây. Con người ở đây cũng thật lạ lùng. Dường như ai cũng có một việc gì đó, họ luôn tập trung vào công việc của mình. Một anh thợ sửa xe, một bác xích lô, thậm chí, một anh xe ôm cũng chăm chú vào tờ báo. Họ nhìn tôi, cũng như những người ở nơi khác đến bằng một cái nhìn có vẻ thờ ơ. Mọi thứ công việc đều có thể bày ra ở vỉa hè. Hầu hết mọi người ở đây đều gầy nhom và hết sức chăm chú vào công việc. Họ luôn làm việc. Điều gì tạo nên sự vất vả ấy? Điều gì tạo nên sự cần mẫn ấy? Tôi quan sát họ và tôi thấy họ có một vẻ bình thản đến lạ kỳ. Ngay cả khi họ phải lao động hết sức vất vả, họ cũng bình thản với sự vất vả ấy. Chẳng hạn như người Hàn Quốc, họ luôn bị người nước ngoài nhận xét là có vẻ mặt căng thẳng, nhăn nhó, mặc dù cuộc sống của họ không có vẻ vất vả bằng người Hà Nội...
Tôi đã thấy những ngôi nhà rất giống họ: Vẻ mặt bình thản, nhưng bên trong chứa đựng biết bao tâm trạng, biết bao cảm xúc thầm kín mà không biểu hiện ra ngoài.
- Cuốn sách được hình thành như thế nào, thưa chị?
- Tháng Tư, tôi quay trở về Hàn Quốc, đặt vấn đề với nhà xuất bản rồi trở lại Việt Nam, bắt đầu tìm kiếm các nhân vật. Trước khi đến Việt Nam, tôi chỉ biết đến đất nước này qua chiến tranh, một số vấn đề về tư tưởng, hoặc là những biến cố lịch sử. Ở Hàn Quốc, sau những năm 90 đến nay, 80% sách về Việt Nam chỉ là sách về đầu tư, còn lại là văn hoá dân gian, văn hoá truyền thống, hoặc là về vấn đề chiến tranh, chưa có cuốn sách nào trình bày sự hiểu biết về con người Việt Nam và những suy nghĩ của họ. Chính vì vậy, Nhà xuất bản "Làn sóng mới" (Sae MulGyul Publishing Ltd.) tỏ ra rất thú vị và hào hứng với cuốn sách của tôi.
- Lý do gì khiến chị chọn hình thức phỏng vấn các nhân vật có thật, chứ không tự viết một câu chuyện kể về Hà Nội thông qua cảm nhận của chính mình?
-Tôi đã gặp gỡ, chuyện trò với khoảng bảy, tám chục nhân vật khác nhau. Sau đó, tôi đã quyết định lựa chọn khoảng ba, bốn chục người để phỏng vấn. Tôi muốn tạo ra một cái nhìn tổng thể về Hà Nội, để qua đó thấy cả một Việt Nam. Tôi đưa vào đây mọi nhân vật, thuộc mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi khác nhau. Họ nói về chính cuộc sống của mình, kể chuyện cuộc đời mình, và đó cũng chính là thời gian, là lịch sử, là mọi biến cố của dân tộc.
Thoạt đầu, tôi chỉ định viết về phố cổ Hà Nội, vì tôi thấy phố cổ Hà Nội như một sự thu nhỏ của miền Bắc Việt Nam. Sau nhiều lần tiếp xúc với các nhân vật, những câu chuyện cũng hấp dẫn tôi ngày một nhiều, nên tôi quyết định chia cuốn sách làm 4 phần, tượng trưng cho 4 quân nội thành tiêu biểu của Hà Nội. Tôi có sự liên tưởng rất mật thiết với những tầng lớp trong xã hội của Hà Nội, chẳng hạn phần về phố cổ và tầng lớp tiểu thương tượng trưng cho quận Hoàn Kiếm; hoặc các văn nghệ sĩ, các chính trị gia, trí thức, tượng trưng cho Ba Đình; Đống Đa và Hai Bà Trưng là đại diện cho các tầng lớp lao động của thành phố, các nhà máy, các khu chợ, các nhóm nghề...
- Chị đợi chờ điều gì ở độc giả Hàn Quốc với cuốn sách này?
- Tôi muốn họ thấy được những suy tư và biến chuyển trong suy nghĩ, cuộc sống của người Hà Nội. Tôi muốn biết những biến cố lịch sử, những thay đổi của hoàn cảnh kinh tế, xã hội có tác động như thế nào đến người Hà Nội, các tầng lớp người Hà Nội nghĩ gì về những thay đổi đang diễn ra hàng ngày với cuộc sống của họ.
Hơn nữa, trong cuốn sách của tôi xuất hiện một vấn đề lý thú, đó là sự tương đồng và dị biệt giữa các thế hệ con người Hà Nội. Chẳng hạn như những văn nghệ sĩ của Hà Nội, theo tôi, rất tài năng mà cũng rất vất vả. Những thế hệ nghệ sĩ cùng tồn tại bên nhau, và có chung một đặc điểm là luôn bước ra từ trong quá khứ: hoạ sỹ Thế Vỹ, nhà văn Lê Minh Khuê, hoạ sỹ Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hoà, nhà thơ Phan Huyền Thư... là những thế hệ khác nhau, nhưng tác phẩm của họ đều là sự vật lộn với cuộc sống, với sáng tạo để được là mình. Họ cũng giống như bao người Hà Nội khác mà tôi đã gặp, luôn thân thiện nhưng vẫn tỏ ra rất kín đáo.
- Xin cảm ơn chị và chúc cuốn sách thành công!
|