Nhà hát truyền hình sau 5 kỳ phát sóng: còn nhiều vấn đề phải bàn
10:57' 20/06/2003 (GMT+7)
Một cảnh trong vở ''Hồn Trương Ba, da hàng thịt''.

Sau 5 kỳ phát sóng (Hồn Trương Ba da hàng thịt, Cách mạng, Đời cô Lựu, Thái hậu, Dương Vân Nga, Nhiếp chính Ỷ Lan), chương trình Nhà hát truyền hình đã bước đầu phát huy được hiệu quả: dàn dựng những vở diễn có giá trị cao rồi phát sóng trực tiếp với khán giả truyền hình cả nước. Nhưng việc tiếp cận với nghệ thuật sân khấu theo tính chất "văn nghệ truyền hình" cũng ẩn chứa một vài nhược điểm cần khắc phục.

Những vở diễn được đặt trong không gian sang trọng, chật kín khán giả đã kích thích diễn viên nhập cuộc hào hứng hơn. Sự nhiệt tình này được nhân lên gấp bội trước hàng triệu cặp mắt của khán giả trên toàn quốc. Tuy nhiên, truyền hình trực tiếp không qua khâu biên tập cũng có nghĩa là truyền luôn những lỗi về đài từ, diễn xuất của các diễn viên. Điển hình cho những hạt sạn như vậy là trường hợp của NSƯT Tuyết Mai trong vở Hồn Trương Ba da hàng thịt. Mỗi lần xuất hiện trong vai bà vợ ông hàng thịt, chị liên tục bị vấp lời thoại và làm ảnh hưởng đến không khí chung của lớp diễn. Không có cơ hội chỉnh sửa lại bị sức ép trước yếu tố truyền hình trực tiếp nên những diễn viên tham gia Nhà hát truyền hình dễ mang tâm lý căng thẳng và phạm những lỗi rất bình thường.

Nhìn lại 5 vở diễn đã được phát sóng, có thể thấy hai vở Hồn Trương Ba da hàng thịtĐời Cô Lựu là thành công hơn cả. Vở thứ nhất được chú ý bởi tính triết lý vốn có trong kịch bản còn vở thứ hai được coi là một khuôn mẫu điển hình của cải lương Nam bộ. Còn các buổi phát sóng vở Thái Hậu Dương Vân Nga, Cách mạng vẫn phần nào khiến người xem hụt hẫng...

Nhà hát truyền hình cũng là nơi để chứng kiến sự trở lại với sàn diễn của những nghệ sĩ lớn như NSND Trọng Khôi ̣- vở Hồn Trương Ba da hàng thịt, NSƯT Ngọc Viễn ̣̣- vở Nhiếp chính Ỷ Lan. Bên cạnh những cái tên ấy là sự góp mặt của những gương mặt trẻ ̣mà vở Nhiếp chính Ỷ Lan Thái Hậu Dương Vân Nga là điển hình. Bên cạnh việc đem lại sự tươi trẻ cho vở diễn, những gương mặt này cũng bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm và "ngợp" trong vai diễn lớn. NSƯT Xuân Huyền nhận xét: "Những người thực hiện chương trình nên có sự mở rộng về diễn viên. Để hướng tới chất lượng cao hơn, những vở diễn này cần được bổ sung những diễn viên có năng lực từ những đoàn nghệ thuật cùng ngành khác".  

Thế mạnh của một vở diễn sân khấu vẫn nằm ở tính chất giao lưu trực tiếp cùng khán giả. Một đạo diễn khó tính phàn nàn: "Khán giả xem sân khấu truyền hình thì làm sao chịu ngồi yên để sân khấu tác động trực tiếp tới mình được. Cứ nghĩ tới việc họ tuỳ hứng chi phối một vở diễn, thoải mái tắt tiếng để tiếp khách... là tớ đã thấy sân khấu mất thiêng rồi".  Để khán giả có một thói quen theo dõi sân khấu, dù chỉ là qua truyền hình thì Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam vẫn phải đi qua một chặng đường dài.  

(Theo TT & VH)

 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phê duyệt Đề án Bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số (20/06/2003)
Phát hành bộ sách nghiệp vụ báo chí (20/06/2003)
Charlotte Church thử sức với điện ảnh (19/06/2003)
Tranh Phái về lại phố (19/06/2003)
Thu Bồn đã "trở về hoá đá phía bên kia".. (19/06/2003)
Nàng Bạch Tuyết Thu Minh và những con chim cánh cụt đang bay... (17/07/2003)
Thế hệ @: thần tượng là Bill Gates. (19/06/2003)
Giải thưởng kiến trúc cho những công trình vì cộng đồng (19/06/2003)
Nhiếp ảnh trong điện ảnh, chưa có tính chuyên nghiệp (19/06/2003)
''Dòng nhạc đỏ đã trở thành máu thịt của tôi'' (19/06/2003)
Thẩm định các dự án văn hoá phi vật thể: Để tăng thêm tính hiệu quả (18/06/2003)
''Tôi muốn được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp VN'' (18/06/2003)
Gwyneth Paltrow sắp lên xe hoa (18/06/2003)
Hàng ngàn bản cuả tập 5 Harry Potter bị đánh cắp (18/06/2003)
Liêu trai chí dị... trên sân khấu kịch Hà Nội (18/06/2003)
Tro ve dau trang