Vẫn số nhà 87 như xưa, trên tường nhà treo đầy tranh Phái. Những bức ký họa chân dung bạn bè, người thân, những bức tranh chèo... và nhiều nhất vẫn là tranh phố cổ. Người đồng nghiệp đi cùng ngậm ngùi: "Nghĩ cũng lạ, mình là người Hà Nội hẳn hoi. Ngày nào cũng đi qua những dãy nhà này, phố này, vậy mà nhìn tranh phố Phái vẫn thấy có nét gì thật là đặc biệt".
Có lẽ, nếu không có tranh của Bùi Xuân Phái, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ không thể hình dung được diện mạo và cái hồn của phố cổ. Thế nhưng tranh của Bùi Xuân Phái nói chung, tranh phố của cụ nói riêng giờ còn lại ở Việt Nam không phải là nhiều.
Theo lời anh Bùi Thanh Phương, con trai thứ của cụ Phái và cũng là người đang ngày đêm cùng bạn bè và những người yêu tranh Phái đi tìm lại dấu vết và các bức tranh của cụ thì tranh Bùi Xuân Phái hiện ở nước ngoài nhiều hơn Việt Nam. Một số nằm trong các viện bản tàng còn hầu hết là thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tranh tư nhân cỡ bự. Tranh Phái ở châu Âu, chỉ tính riêng tại Pháp và Thụy Điển đã lên tới vài trăm bức. Giá của những bức tranh này ngày một lên cao.
Về việc tranh của Bùi Xuân Phái bị thất thoát nhiều, bà Nguyễn Thị Sính, vợ ông tâm sự: "Một phần cũng do nhà tôi là một người cực kỳ hào phóng. Cả cuộc đời tôi chưa thấy ông từ chối lời hỏi xin tranh của bất cứ người bạn, người yêu tranh nào. Hầu như không bao giờ có ý định giữ riêng cho mình một bức tranh nào cả".
Âu cũng đúng thôi, đó mới là con người thật của hoạ sĩ Phái. Ông đã chẳng viết "con người hiếu danh, hám lợi mà muốn thành một nghệ sĩ ư? chao ôi!" là gì. Người nghệ sĩ chân chính không bao giờ nghĩ đến tiền hay tính thiệt hơn. Biết vậy, nhưng vẫn không khỏi buồn khi chung số phận với tranh Bùi Xuân Phái còn có nhiều bức họa nổi tiếng của các cây đa, cây đề khác trong làng mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là những thế hệ đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Mới đây, có tin bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân được định giá lên tới hơn 70.000 USD. Nghe con số thấy giật mình, cứ đà này chả mấy chốc mà các họa phẩm được đánh giá là tuyệt tác của Việt Nam sẽ "chảy máu" ra nước ngoài hết cả. Mà lại thấy trớ trêu cho thân phận những người họa sĩ phải chịu bao khổ nhọc khó khăn như cụ Phái cả đời chỉ mong có sơn dầu tốt, có tấm toan lành để vẽ nên những bức tranh (có ai ngờ) nay làm phương tiện kiếm lời lớn cho kẻ khác.
Cũng may mà anh Bùi Thanh Phương, con của họa sĩ, cho biết một tin mừng. Thời gian vài năm trở lại đây anh và một số người bạn của mình đã tìm mua lại được nhiều bức tranh của Bùi Xuân Phái. Trong đó, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã thu về được hơn 120 bức. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Bùi Xuân Phái vào 24/6 này, anh Tuấn sẽ trưng bày 60 tác phẩm mới tìm được tại Triển lãm 14 Lý Chính Thắng, Q3, TP.HCM.
Trong dịp này, anh Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn cũng sẽ cho tái bản cuốn sách Viết dưới ánh đèn dầu với cái tên mới Tâm tư nghệ thuật. Đây là chút lòng thành của những thế hệ người yêu tranh Phái Việt Nam dành cho người họa sĩ tài ba suốt đời tâm niệm: "Thế kỷ qua đã vẽ. Thế kỷ ngày nay đang vẽ và những thế kỷ ngày mai sẽ vẽ. Và cái đáng kể là nghệ thuật cứ tiến lên mãi. Thời đại nào nghệ thuật nấy. Con người bao giờ cũng muốn vươn tới cái mới nhất, đẹp nhất".
(Theo Văn Hóa) |