Tôi không nghĩ cuộc đời của Thu Bồn như một vở kịch kết thúc có hậu. Nhưng lại nhớ đến câu thơ của anh: "Nụ cười ai nếm thì sang/ Còn linh hồn đá vẫn bay ngang trời...". Thu Bồn là người sống nhân hậu, tình cảm và sôi nổi, làm sao có thể quên anh? Những ai đã từng đọc, sẽ đọc thơ anh, hẳn sẽ nhớ. Phải chăng thế là đủ và hạnh phúc, Thu Bồn ơi?
Lấy tên là một dòng sông quê hương hào phóng và mãnh liệt "bất kham dừng lại hoá phù sa" làm bút danh, nhưng Thu Bồn lại xuất hiện lừng lững trong văn học miền Nam thời kỳ đầu chống Mỹ khi "đi mờ khuất dãy Trường Sơn" đến với cao nguyên miền trung cuộn sóng bazan đỏ như máu để có tác phẩm trường ca "Bài ca chim ch'rao" (1963). Nếu tôi nhớ không nhầm thì có lẽ Thu Bồn là nhà thơ có nhiều tác phẩm trường ca nhất trong lịch sử văn học nước nhà (gần 10 trường ca). Nhưng dù sau này Thu Bồn đã đổi mới cách viết trường ca thì "Bài ca chim ch'rao" vẫn mãi là bài ca không chỉ của riêng anh trong một đời sáng tác.
Ngoài thơ, Thu Bồn còn viết văn xuôi. Anh đã xuất bản gần chục tiểu thuyết, truyện dài. Tuy nhiên về thẳm sâu lúc nào Thu Bồn cũng vẫn chỉ là thi sĩ. Thi sĩ của cuộc chiến tranh và cách mạng. Như có ở trong anh một chút gì của A.Blok cùng V.Maiakovsky. Vẫn là tình yêu theo kiểu người lính, nhưng sau cuộc chiến thì có một phẩm chất khác trong thơ Thu Bồn. Những dấu ấn cuộc chiến, nỗi mất mát vì chiến tranh trong đời sống riêng không bao giờ làm Thu Bồn bi lụy, tuyệt vọng vì với anh nó chỉ đơn giản là thế này: "Tôi già hơn em một cuộc chiến tranh". Một câu thơ quá hay có khi phải đánh đổi cả một đời người!
Thu Bồn viết thành thật nhưng hơi thiếu "khẩu khí" rằng: "Muôn đời đẹp nhất là thơ/ Trong là nước mắt - ngu ngơ là tình...". Nhưng thế mới là Thu Bồn! Anh sống khoẻ, viết khoẻ và yêu cũng thật lực, hết mình cho đến khi "Anh đã tiêu hết nguồn dự trữ tình yêu/ Còn lại chiếc bình cạn nước". Nhiều cô có đáng gì đâu nhưng vẫn khiến anh xúm vào để họ và cả anh cứ thế "Cả một thời tuổi trẻ kéo nhau đi...". Nhưng biết làm sao vì với anh: "Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ Thành phố hỡi! Đừng gọi tôi tạm trú...". May làm sao mối tình cuối cùng của anh là với nghệ sĩ cải lương Lý Bạch Huệ. Những năm sau này anh đã yếu, lóng ngóng lơ ngơ, sung sướng như đứa trẻ được chăm sóc kỹ bởi tình yêu của chị đến là tội nghiệp. Nhà văn Ngô Thảo, người bạn chí thân của anh bảo tôi, có hoàn cảnh cuộc đời mà chỉ những ai có tâm hồn nghệ sĩ rất "cải lương" mới chấp nhận, mới khám phá ra được và coi đó là cả một lâu đài hạnh phúc.
Ngày anh chị ra Hà Nội cuối tháng 12/2002 để giới thiệu phim "Vũ khúc con cò" do anh cùng Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy viết kịch bản, tôi và bè bạn ngậm ngùi xót xa khi phải dìu anh mới lập cập đứng lên sân khấu Nhà hát Lớn trước khi chiếu phim, mà trong đó có nhân vật mang hình bóng anh: Yêu đời, yêu người và mạnh mẽ biết bao. Rồi anh chị tặng tôi tập thơ tuyển và tiểu luận. Không hiểu sao tôi có linh cảm đấy là tập sách cuối cùng Thu Bồn còn trông thấy. Tiểu luận toàn viết về bè bạn cùng phần ảnh gần như lưu giữ cả chặng đường đời anh. Cả cái tên "Đánh đu cùng dâu bể" nữa... Thế là anh buông tay không đánh đu được nữa rồi. Hình như đây là bài thơ cuối cùng của anh: "Về đi em chợ chiều sắp vãn/ Nhớ mua cho anh một góc nhân tình/ Non nước cách xa bạn bè lận đận/ Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình...".
Mang tên một dòng sông, Thu Bồn viết rất hay về một con sông miền Trung khác, sông Hương: "Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...". Làm sao Thu Bồn có thể bình thản cuốn mình ra biển? Những năm tháng cuối đời và trước khi ra đi anh rời bệnh viện đề về gối đầu bên con suối nhỏ Lồ Ô Bình Dương như tình yêu của anh với đất rừng. Thu Bồn đã "trở về hoá đá phía bên kia" như anh viết khi tạm biệt Huế. Tôi không nghĩ cuộc đời của Thu Bồn như một vở kịch kết thúc có hậu. Nhưng lại nhớ đến câu thơ của anh: "Nụ cười ai nếm thì sang/ Còn linh hồn đá vẫn bay ngang trời...". Thu Bồn là người sống nhân hậu, tình cảm và sôi nổi, làm sao có thể quên anh? Những ai đã từng đọc, sẽ đọc thơ anh, hẳn sẽ nhớ. Phải chăng thế là đủ và hạnh phúc, Thu Bồn ơi?
- Đỗ Quang Hạnh (Báo Lao Động)
|