|
Một cảnh trong phim "Gái nhảy". |
Khi bộ phim "Gái nhảy" hoàn thành, một việc quan trọng trước khi đem phim ra công chiếu là phải chọn được một bức ảnh đẹp để làm áp-phích. Nhưng, "thật kinh hoàng, chúng tôi không thể tìm được một tấm ảnh nào chụp trong quá trình làm phim có thể xử lý làm áp-phích được" là lời than của đạo diễn Lê Hoàng. Nguyên nhân là đoàn làm phim không hề có một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đi theo trong suốt quá trình làm phim.
Thế là đoàn làm phim lại phải chi một khoản tiền nữa cho hai diễn viên chính, Minh Thư và Mỹ Duyên chụp ảnh ở Studio với những trang phục đã mặc trong phim, sau đó mới chọn một trong những ảnh này để làm áp-phích. Đây là tình trạng không riêng gì đoàn làm phim "Gái nhảy" mà hầu hết các đoàn làm phim đều gặp.
Về mặt lý thuyết, nhiếp ảnh trong điện ảnh rất quan trọng. Công việc này phải được bắt đầu ngay từ khi đi chọn cảnh, chọn diễn viên, làm phục trang cho phim, chụp các cảnh quay thử cho bộ phim và xuyên suốt quá trình làm phim. Những tấm ảnh này vừa phục vụ cho công việc làm phim vừa dùng để tuyên truyền quảng cáo khi bộ phim được đem ra công chiếu và dùng làm tài liệu lưu trữ.
Chị Phạm Ngọc Vân, thư ký trường quay, hiện đang làm việc tại Hãng phim Truyền hình TP.HCM cho biết chị đã nhiều lần đề nghị hãng phải lập một "kho tư liệu ảnh" về bối cảnh để mỗi đoàn làm phim khi đi chọn cảnh sẽ bổ sung vào và đỡ tốn kém về chi phí và thời gian cho tất cả các đoàn. Cũng chính vì không chụp ảnh đầy đủ các cảnh quay nên thư ký trường quay luôn phải căng óc ghi nhớ hoặc ghi chú lại: diễn viên hôm ấy mặc quần jeans hay quần đùi, ngồi ở cái bàn chân cao hay chân gãy... Nhưng làm sao mà ghi nhớ cho xuể nên trong phim vẫn thường xảy ra tình trạng diễn viên đi vào nhà mặc áo xanh, đi ra đã thấy mặc áo vàng.
Không chỉ bị bỏ qua ở một số công đoạn trong quá trình làm phim, hiện nay, công việc chụp ảnh ở các đoàn làm phim đang được tiến hành một cách hết sức nghiệp dư. Công việc này thường được giao cho một nhân viên nào đó trong đoàn hoặc... ai tiện thì giơ máy lên chụp. Điều đó dẫn đến việc một số cảnh được chụp rất nhiều nhưng những cảnh quan trọng nhất, được thể hiện đẹp nhất, những lúc diễn viên diễn thần nhất thì lại bị bỏ qua. Trong khi đó, những phim nước ngoài được trình chiếu ở Việt Nam đều có kèm theo những bộ ảnh đẹp.
"Thiếu kinh phí" là lời giải thích thường được đưa ra đối với việc thực hiện không đầy đủ những công đoạn nhiếp ảnh trong điện ảnh. Thế nhưng, với việc chụp ảnh một cách nghiệp dư như hiện nay, quả thực chúng ta vẫn đang lãng phí.
(Theo Thanh Niên) |