Ca sĩ Trọng Tấn:
''Dòng nhạc đỏ đã trở thành máu thịt của tôi''
18:53' 19/06/2003 (GMT+7)
Ca sĩ Trọng Tấn.

(VietNamNet) - Đến tòa soạn trong chiếc áo màu xanh bộ đội, Trọng Tấn cho biết rất vui vì được giao lưu với độc giả VietNamNet. Mặc dù anh tiết lộ sẽ rất nghiêm khắc với sinh viên khi trở thành giảng viên, anh vẫn sẵn sàng hát tặng phóng viên, biên tập viên VietNamNet 3 bài hát nhân ngày báo chí Việt Nam.

Sau giải Tiếng hát truyền hình 1999, Trọng Tấn bừng sáng với những ca khúc dào dạt: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Tiếng đàn bầu, Rặng trâm bầu... Tại sao Trọng Tấn lại không chạy theo các ca khúc nhạc trẻ mà lại đắm đuối với những bài ca năm tháng? Có tin anh chuẩn bị chuyển sang làm thày giáo, liệu anh có tiếp tục hát nữa không?... Trọng Tấn đã có mặt tại tòa soạn VietNamNet và đã có buổi giao lưu thú vị với độc giả.

 

Là một người khiêm nhường, ít khi nhắc lại những lời báo chí đã tán dương giọng ca của mình, việc mà một số ngôi sao ca nhạc hay làm, Trọng Tấn bền bỉ với dòng "nhạc đỏ". Dường như có lời đồn rằng anh không phục một ngôi sao nhạc trẻ nào cả. Lý do gì thì không biết Trọng Tấn có bật mí không? Anh đã từng từ chối những hợp đồng khi ông bầu buộc anh phải hát những bài anh thấy không hợp. Tại sao anh không thích nhạc trẻ? Anh không thấy ngôi sao nhạc trẻ nào biết hát ư? Mỹ Tâm, Hồng Ngọc, Ưng Hoàng Phúc, Hiền Thục... không là những ca sĩ thực thụ sao?

 
Ca sĩ Trọng Tấn tại tòa soạn VietNamNet.

Nhìn khuôn mặt đắm đuối mê man của Trọng Tấn ngay cả khi không hát, dường như anh vẫn bị ám ảnh về mối tình học trò không nguôi nào đó? Phải chăng chính mối tình này đã khiến anh trở thành ca sĩ? Anh đã phải từ chối bao nhiêu lá thư, lời nói nồng nàn của bao cô gái cuồng nhiệt để giữ lấy cảm giác trong trẻo ấy? Nhưng có một người phụ nữ mạnh hơn tất cả đã đến và cuốn anh đi. Lần đầu tiên họ gặp nhau thế nào nhỉ để có thể trở thành người bạn đời vĩnh cửu vào cuối năm nay?

Sau đây là nội dung cuộc giao lưu

vnn [vnnclub699@yahoo.com] - Nam -
- Chào Trọng tấn ! Chúc mừng bạn có những thành công nhất định trên nghề nghiệp của mình. Phải nói rằng bạn có chất giọng trầm ấm trời cho, nhưng như vậy chưa đủ. Vậy động lực nào thúc đẩy bạn giữ mãi được những làn điệu hoặc những bài hát mang đậm chất dân ca như vậy. Phải chăng bên cạnh bạn có những người thầy, người bạn mẫu mực. Riêng mình chúc và mong bạn giữ được mãi những phẩm chất đó. (hoanglinhvn1@yahoo.com)
- Chào các bạn của độc giả VietNamNet.

Trọng Tấn rất vui vì được mời giao lưu với các bạn độc giả của VietNamNet. Và cũng rất vui được trả lời những câu hỏi mà các bạn quan tâm, không chỉ những vấn đề về dòng nhạc chính thống mà có thể nói chuyện một cách thân mật với nhau về dòng nhạc Việt Nam hiện nay. Rất cảm ơn câu hỏi của bạn, đương nhiên với một nghệ sĩ, một ca sĩ, cái yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là năng khiếu và với ca sĩ đó là chất giọng. Mỗi người có chất giọng riêng, không ai giống ai và chính nhờ yếu tố đó đã tạo nên một phần phong cách của ca sĩ.

Commercial Joint Stock Company [citicom@fpt.vn] - Nam -
- Trọng Tấn nghĩ thế nào về những sáng tác mới hiện nay của các nhạc sĩ? Khi hát những ca khúc của thời nay, anh có cảm giác gì so với khi hát những sáng tác trong thời kỳ kháng chiến hoặc của những thời kỳ trước? Trọng Tấn có thể cho chúng tôi biết một chút về mình không? Ví dụ: Tấn năm nay bao nhiêu tuổi, sở thích là gì? Tấn quan niệm thế nào về người phụ nữ của mình?). Cảm ơn. Chúc Trọng Tấn mãi là hình ảnh đẹp trong lòng chúng tôi.
- Thực ra sáng tác ở mỗi giai đoạn có đặc điểm khác nhau vì nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Các nhạc sĩ thời kỳ trước như Đỗ Nhuận, Văn Cao... từng sống qua hai cuộc kháng chiến thần thánh có rất nhiều điều để nói về dân tộc Việt Nam. Lúc đó, vấn đề dân tộc rất lớn, có lẽ ngay cả trong những cái riêng tư của mình, tác giả cũng đưa những vấn đề lớn của đất nước mà các bạn có thể thấy qua các ca khúc như: Việt Nam quê hương tôi, Tình ca... Có thể nói, không những chỉ về ca khúc mà vấn đề chung của âm nhạc Việt Nam hiện nay cũng đang có bước quá độ như đất nước.

Thời bình, những vấn đề không còn nóng bỏng như thời chiến, các nhạc sĩ viết về những đề tài riêng tư nhiều hơn nhưng cũng có những sáng tác rất hay và có giá trị như của nhạc sĩ Phú Quang, Trần Tiến, Phó Đức Phương... Ngoài ra, một số ca sĩ trẻ hiện nay có thể dễ dãi trong lời ca và âm nhạc. Đây là vấn đề lớn của cả nền âm nhạc. Theo Tấn, phải có thời gian. Có một điều rất khó là người quyết định thị trường âm nhạc hiện nay lại là giới trẻ và mặt bằng phổ cập âm nhạc của Việt Nam có lẽ còn hạn chế nhất là trong giới trẻ cho nên các bạn chưa quan tâm tới dòng nhạc chính thống, nghệ thuật truyền thống của dân tộc vì để thưởng thức nghệ thuật cũng cần có trình độ âm nhạc.

Năm nay Tấn 28 tuổi đang là sinh viên năm thứ 4 Nhạc viện Hà Nội. Sở thích lớn nhất đã trở thành đam mê với Tấn là âm nhạc, ngoài ra cũng rất thích du lịch và thể thao. Cám ơn các bạn đã yêu mến Trọng Tấn cũng như dòng nhạc chính thống.

dts-vietrans [dts-vietrans@fpt.vn] - Nam -
- Tấn nghĩ sao nếu mọi ngừơi nói Tấn là "ngôi sao" dành cho những người từ tuổi trung niên trở lên? Sao chưa thấy Tấn hát nhạc của Văn Cao - tôi nghĩ là sẽ rất hay đấy! (Hung - HN).
- Rất cám ơn bạn vì câu hỏi thú vị. Nếu là Ngôi sao trong ngoặc thì Tấn xin nhận, Tấn cũng đã từng trả lời trên báo Lao động khi phóng viên hỏi câu hỏi tương tự. Tấn nghĩ từ Ngôi sao đơn thuần mà hiện nay khán giả vẫn dùng dành tặng cho các ca sĩ nổi tiếng, cũng không thích hợp lắm cho những nghệ sĩ hát dòng nhạc chính thống như Tấn. Cái từ mà Tấn nghĩ sẽ thích hợp là: Nghệ sĩ được mọi người yêu thích. Và hiện nay Tấn đang cố gắng phấn đấu vì điều đó.

Nhạc Văn Cao, theo Tấn có rất nhiều ca khúc nằm trong thể loại nhạc tiền chiến. Và chủ yếu là hợp với chất giọng của các nữ ca sĩ. Tấn đã từng hát bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao cùng với hai người bạn của mình là Đăng Dương và Việt Hoàn. Tuy nhiên, hát một mình thì chưa bao giờ. Câu hỏi của bạn là một gợi ý, Tấn sẽ thử...

Utilisateur1 [phanthuy@wanadoo.fr] - Nữ -
- Xin chào anh. Tôi là một trong những khán giả không già cũng không gọi là trẻ. Tôi nhận thấy giới trẻ Sài Gòn (tôi sống ở Sài Gòn nên không nhận thấy nhiều ở tỉnh thành khác, nhưng tôi nghĩ có thể đó là mẫu số chung thôi, vì tôi vẫn theo dõi trên báo đài...) đậm đà với các ca sĩ nhạc trẻ, phong cách mới mẻ trẻ trung... (chiếm khá nhiều trong lượng khán giả tại rạp hát và thị trường băng đĩa..). Nhưng anh có lẽ định hướng một phong cách khác hoàn toàn, nghĩa là chỉ có dòng nhạc đỏ, chất giọng, sở thích, hay anh không thể hiện được đa dạng nhiều thể loại, hoặc muốn làm mình khác và nổi hơn... Thân mến!
- Xin trả lời câu hỏi của chị, mỗi người có một phong cách riêng, mỗi ca sĩ cũng vậy. Với Tấn, dòng nhạc chính thống có pha chất dân gian đã ngấm trong người từ nhỏ, mình phát huy sở trường có lẽ là tốt hơn khi cống hiến cho nhạc. Các ca sĩ trẻ Sài Gòn hiện nay có cuộc sống sôi động hơn và họ đang hướng theo dòng nhạc nhẹ (Pop). Âm nhạc cũng như con người cũng có thăng trầm, lúc buồn lúc vui nên không thể nghe nhạc vui hoặc buồn mãi. Ở mỗi dòng nhạc ca sĩ nên phát huy hết khả năng của mình để cống hiến cho công chúng. Tấn nghĩ đó là điều cần thiết nhất.

Với Tấn, dòng nhạc đỏ cũng như somi classic đã trở thành sự đam mê. Tấn không có ý định muốn làm mình khác đi và nổi hơn những người khác. Cống hiến được cho khán giả nhiều hơn ở dòng nhạc này là điều mình mong muốn, mình cũng rất tôn trọng tất cả các nghệ sĩ khác, nền âm nhạc Việt Nam sẽ phát triển tốt và toàn diện, có lẽ cần sự phát triển song song của các dòng nhạc: dân gian, chính thống và nhạc nhẹ. Tấn chỉ là một trong rất nhiều nghệ sĩ đang theo đuổi dòng nhạc chính thống.

Chúc chị vui và luôn quan tâm tới dòng nhạc chính thống cũng như đời sống âm nhạc nói chung.

hoa thuy quan 16 t HN - Nam 16 tuổi - HN
- Trọng Tấn ơi, tôi luôn luôn thất vọng trong việc làm cho những cô bạn trong lớp mê mình. Đặc biệt là bạn H, một cô bạn gái rất dễ thương và mê nhạc của Trọng Tấn như điếu đổ. Vậy em phải làm thế nào để cô bạn đấy bớt mê anh để dành tình cảm cho em một chút?
- Chẳng lẽ Tấn là người có lỗi, có lẽ bạn cũng nên bắt đầu học hát nhưng Tấn thấy bạn cũng hơi tham (làm cho những cô bạn trong lớp mê mình) khi muốn chinh phục nhiều người như vậy.

Vuơng Đình Phúc - Nam 40 tuổi - Dalat - lam Dong
- Xin chào Trọng Tấn! Anh là nguời ca sĩ đích thực, chúng tôi luôn coi anh là nguời giữ cho người nghe nghiêm túc các "ca khúc đỏ" trữ tình mà không có anh không biết ca nhạc nhẹ Việt Nam sẽ như thế nào? Tại sao anh làm được như vậy? Thầy NSND Trần Hiếu có tầm ảnh huởng với anh như thế nào?
- Cảm ơn lời khen ngợi của anh. Tấn nghĩ mình cũng chưa làm được nhiều điều như anh nói. Ngoài Tấn ra còn có rất nhiều các ca sĩ đàn anh cũng như các ca sĩ trẻ vẫn đang theo đuổi dòng nhạc này như: Lan Anh, Việt Hoàn, Đăng Dương, Anh Thơ... Có thể nói NSND Trần Hiếu là người thầy đầu tiên dìu dắt Tấn trên con đường nghệ thuật. Tấn không bị ảnh hưởng nhiều phong cách hát của thầy, bởi lẽ thầy chưa bao giờ ''áp đặt'' một lối hát nào cho Tấn cả. Thế nhưng có một điều mà Tấn luôn khâm phục là thầy Hiếu có một tố chất nghệ sĩ lớn. Thầy Hiếu luôn là tấm gương lớn để Tấn phấn đấu.

Le Dieu Cam 18 t HN - Nam 18 tuổi - hn
- Nghe nói học xong anh sẽ ở lại Nhạc Viện. Trọng Tấn ơi, cat-sê cho ca sĩ cao lắm, làm ca sĩ tự do có phải sướng không? Tội gì mà phải làm ở một nơi vừa lương thấp, vừa cứng nhắc như Nhạc viện? Sao anh không vào Sài Gòn sống để phát triển tài năng?
- Ngày 23/6 này, Tấn tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và sẽ xin ở lại làm giảng viên. Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình và ích kỷ như thế thì sẽ rất thiệt thòi cho lớp trẻ. Tấn rất muốn sau khi học xong sẽ được làm thầy để truyền lại kinh nghiệm cho lớp đi sau. Làm giảng viên ở Nhạc viện Tấn không nghĩ đến chuyện lương bổng mà đó chính là nghiệp của mình, ở đó mình luôn được soi lại chính bản thân và hoàn thiện hơn.

Mình biểu diễn để cống hiến cho khán giả nên ở Hà Nội hay Sài Gòn không quan trọng vì ở đâu mình cũng có thể biểu diễn được.  

xuan hoa - Nam 26 tuổi - Ha Noi
- Chao Trong Tan, Minh thi thoang co nhin thay Tan o ngoai duong, trong Tan luc do rat "binh dan", neu khong muon noi la hoi loi thoi, khac han voi luc len san khau. Cho hoi may album vua qua ban the nao? Tan co the noi la song duoc bang nghe khong?
- Trong cuộc sống lúc nào Tấn cũng bình dân chứ không chỉ riêng về cách ăn mặc bởi Tấn nghĩ mình cũng là một công dân bình thường như tất cả mọi người. Còn khi lên sân khấu thì khác mình phải tôn trọng khán giả.

Tấn đã phát hành 3 album và rất may là được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tấn rất vui vì điều đó, sắp tới Tấn sẽ tiếp tục phát hành CD ''Việt Nam tổ quốc tôi 2''. Tấn nghĩ chính nghề hát đã giúp Tấn có cuộc sống tốt hơn. Tấn cảm thấy yên tâm, sẽ theo và cống hiến hết mình vì nó.

Đào Thanh Liên - Nữ - Hà Nội
- Chào anh Tấn. Em là bạn thân của con gái cô giáo Hương của anh (dạy môn Sinh học trường PTTH Đào Duy Từ). Ngày còn sinh viên, bạn em đã có một băng cassette do anh vừa hát vừa thu hồi còn ở Thanh Hoá. Chúng em đã nghe anh vừa chơi ghi-ta vừa hát, các bài hát rất buồn và da diết, trong đó có một số ca khúc Trịnh. Vậy tại sao khi trở thành ca sĩ, anh lại chọn dòng nhạc Cách mạng? Và anh có ý định tổ chức một show diễn ở thành phố quê hương không ạ?
- Chào em, rất vui được nói chuyện với em qua báo VietNamNet. Anh vẫn hát các bài trữ tình và nhạc Trịnh. Với dòng nhạc chính thống, đó là sự đam mê nên có lẽ anh hát rất nhiều trong các chương trình. Tổ chức show diễn riêng của mình là ước mơ của tất cả các ca sĩ, anh cũng đã nghĩ đến nhưng để làm được cần có kinh phí rất lớn, cần thời gian, có thể một lúc nào đó anh sẽ làm được. Chúc em vui và hạnh phúc.

Phạm lê Huy - Nam 22 tuổi - Tổ 3 khối 4a thị trấn Đông anh thành phố Hà nội
- Em chào anh Tấn, Em cũng không biết phải nói thế nào trong lúc này tuy nhiên em cũng chúc anh những gì tốt đẹp nhất... Anh cho em hỏi câu này có được không ạ: Muốn có giọng hát tốt thì hàng ngày phải tập như thế nào ạ? và mỗi ngày phải tập như thế nào cho hợp lý? Cách tập như thế nào ạ?
- Cảm ơn lời chúc tốt đẹp của em. Anh cũng chưa biết giọng hát của em như thế nào để có thể hướng dẫn. Để học hát một cách bài bản, chuyên nghiệp cần phải có nhiều thời gian Lê Huy a. Và dĩ nhiên là phải có thầy giáo hướng dẫn nữa. Nếu muốn học hát thật sự thì anh khuyên em bước đầu nên xin vào lớp trung tâm của Nhạc viện để học. 

Còn riêng anh, ngày nào cũng phải luyện thanh vào buổi sáng và có một chế độ ăn uống đều đặn. Thực ra hát là một lĩnh vực rất trừu tượng. Người học sẽ trở thành một thói quen tốt cho đến mức tự nhiên nhất. Dĩ nhiên điều đó cần rất nhiều thời gian...

Pham Minh Thu - Nữ 27 tuổi - Hanoi
- Anh se nghiem khac voi hoc sinh nhu voi minh?
- Về giảng dạy, Tấn đã học được ở các thầy rất nhiều nhất là NSND Trung Kiên, thầy giáo trực tiếp của Tấn hiện nay. Nghiêm khắc trong giảng dạy là vấn đề quan trọng với tất cả các trường không riêng gì Nhạc viện nhưng với nghề hát nếu quá nghiêm hoặc không hợp lý sẽ làm học sinh mất tự tin, mất bình tĩnh và do đó rất khó thể hiện. Theo mình, nghiêm khắc cần đi đôi với sự quan tâm và làm gương. Mình cũng không phải quá nghiêm khắc với bản thân mà chỉ là nghiêm túc trong công việc.

Hoa Lan - Nữ 24 tuổi - 30 phố Chân Cầm
- Tấn có theo mãi dòng nhạc truyền thống mà mình đã chọn không?
- Chắc chắn là như vậy nhưng có thể mình sẽ hát những thể loại khác nữa như ca khúc trữ tình trẻ hơn hoặc pha dân gian, bài bán cổ điển của nước ngoài.

Nguyen Bao Ngoc - Nữ 23 tuổi - Ha Noi
- Minh rat thich nghe ban hat nhung bai ca cach mang. Tan co the cho minh biet dieu gi da khien cho ban gan bo voi nhung ca khuc ay, khong nhu cac ca sy hien nay chi toan hat cac bai hat ve tinh yeu? Mot chut ve "nguoi ay" cua ban.
- Tấn nghĩ những ca khúc cách mạng rất phù hợp với chất giọng và con người mình. Từ khi còn bé, mình đã được bố hát cho nghe rất nhiều ca khúc cách mạng. Đến khi vào Nhạc viện bắt đầu học kỹ thuật thanh nhạc thì Tấn nhận thấy rằng giọng hát của mình rất phù hợp với dòng nhạc cách mạng. Thực ra Tấn đã từng hát rất nhiều thể loại nhạc như: trữ tình, tiền chiến và cả những bài hát có màu sắc dân gian nữa. Tấn nghĩ để mà hát hay được một dòng nhạc nào đó cần phải có sự đam mê và thực sự hiểu về nó. Ngoài dòng nhạc chính thống, Tấn còn đặc biệt rất thích hát chèo và cải lương. Chính vì vậy mình mới có thể hát những bài hát mang màu sắc dân gian như bài: Tiếng đàn bầu, Rặng trâm bầu...

Bạn hỏi ''người ấy'' của Tấn à? Xin tiết lộ đó là cô nàng mà Tấn quen từ hồi học phổ thông và cũng là mối tình đầu của Tấn. Cô ấy có cùng sở thích yêu âm nhạc giống Tấn nên ít nhiều cũng có được sự đồng cảm.        

Nguyễn Thị Mỹ Lợi - Nữ 25 tuổi - Đà Nẵng
- Mình đã từng nghe tâm sự của Tấn về trách nhiệm người ca sĩ trong việc bảo vệ dòng âm nhạc truyền thống. Đó là gì vậy?
- Thực ra đây là một vấn đề lớn, còn nhiều việc phải làm. Mình chỉ là một trong rất nhiều nghệ sĩ đang theo đuổi và gìn giữ dòng nhạc truyền thống. Để làm được điều này, có lẽ phải lao động nhiều hơn, hát nhiều hơn để khơi dậy trong khán thính giả sự đam mê dòng nhạc này.

Là một ca sĩ việc lớn nhất là phải luôn thể hiện tốt những ca khúc. Với Tấn, ngoài biểu diễn, còn có ý định cho phát hành những CD các ca khúc truyền thống vì nếu không hát lại những ca khúc đó thì có thể một lúc nào đó nó sẽ bị lãng quên, rất đáng tiếc.

tran dang duy - Nam 52 tuổi - 44/16 thai ha dong da ha noi
- Anh la hoi vien Hoi Am nhac Ha Noi, nguyen la linh Truong Son, hien la giam doc Nha van hoa Dong Anh Ha Noi. Moi day anh co viet mot ca khuc ve cac dong doi hy sinh o Truong Son (loi cua me VNAH Pham Kim Hy o quan Hai Ba Trung) Anh nghi la giong va "chat" cua em hop voi ca khuc nay. Em cho anh dia chi hoac so dien thoai de lien he. Duoc khong? Rat cam on. A Duy.
- Địa chỉ của em là: Vũ Trọng Tấn, khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội.
Em rất muốn xin số điện thoại của anh Duy để tiện liên hệ. 

Huynh Minh Tri - Nữ 23 tuổi - India
- Anh Tấn ơi, hồi này anh còn hay biểu diễn chung với hai bạn diễn của anh như trước nữa không? Anh có nghĩ là sau khi trở thành giảng viên anh còn di biểu diễn cùng với bạn của anh không ạ?
- Thời gian qua, anh vẫn diễn cùng hai bạn diễn là Đăng Dương và Việt Hoàn nhưng không nhiều lắm bởi bọn anh không phải là một nhóm nhạc. Anh nghĩ công việc giảng dạy ở Nhạc viện không ảnh hưởng gì đến việc biểu diễn. 

Phu Cuong - Nam -
- Chao Trọng Tấn. Sáng nay tôi tiễn nhạc sĩ Phan Nhân - tác giả bài hát "Hà Nội niềm tin va hy vọng" mà Trọng Tấn là một trong những người hát rất thành công. Nghe tin hôm nay giao lưu trực tuyến nhạc sĩ Phan Nhân (73 tuổi) đã nhờ tôi gửi lời chúc mừng Trọng Tấn, và chúc Trọng Tấn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc. Xin hỏi Tấn có khi nào nghe các ca sĩ đàn anh (Trần Khánh - mà NS Phan Nhân viết dành riêng hát bài naỳ) để tìm ra cách thể hiện tốt nhất tác phẩm này không, và Tấn có nhận xét gì về ca khúc naỳ?
- Qua anh, cho Tấn gửi lời chúc sức khoẻ tới bác Phan Nhân, mong bác Phan Nhân viết thêm nhiều tác phẩm hay. Tấn đã nghe rất nhiều các nghệ sĩ đi trước như Trần Khánh (người đầu tiên hát), Kiều Hưng, Trung Kiên... biểu diễn bài này. Để thể hiện ca khúc, trước hết cần có chất giọng phù hợp là sáng khoẻ. Đây là một bài hay về Hà Nội, Tấn rất yêu thích và hát bằng tình cảm mộc mạc, chân thành. Những bài hát như vậy sẽ còn sống mãi với thời gian.

Lê Chí Dũng - Nam 24 tuổi - Hà Nội
- Chào anh Tấn, rất cảm ơn anh đã có lòng như vậy với âm nhạc Việt Nam. Anh có sợ nếu học trò của anh sau này trở thành các ca sĩ kiểu "hàng chợ" như hiện nay đang rất phổ biến?
- Anh sẽ cố gắng không để điều đó xảy ra. Dĩ nhiên không thể áp đặt cho các em nhưng cũng phải biết hướng cho các em nên hát cái gì và cho ai. Tấn hứa sẽ truyền đạt hết những gì mình có và làm hết mình vì các em học sinh thân yêu.  

Ngô Tuyết Minh - Nữ 29 tuổi - Hà nội
- Có rất nhiều cách trong cuộc sống để thăng tiến, người thì chọn con đường làm giàu bằng cách kiếm tiền thật nhanh, người thăng tiến bằng con đường quan chức. Trọng Tấn chọn hát dòng nhạc chính thống, ra trường quyết định chọn con đường làm giảng viên nhạc viện. Có phải Tấn muốn thăng tiến bằng con đường quan chức?
- Tấn rất hài lòng với những gì đã làm được cho nghề và cho mình. Mình quyết định ở lại trường làm giảng viên vì thực sự yêu nghề và muốn sau khi ra trường được cống hiến khả năng của mình cho nền thanh nhạc Việt Nam dù là rất nhỏ. Tấn chưa có ý định và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thăng quan tiến chức với sự nghiệp giảng dạy. Nói thực lòng, mình cũng rất yêu nghề giáo và có lẽ cũng hợp với công việc này .

DatCang [nplong76@hotmail.com] - Nam -
- Lời đầu tin xin chúc bạn mãi là người của nhân dân, của những người yêu nhạc chính thống. Tôi là người rất yêu nhạc chính thống, classic. Trong dịp về VN thăm gia đình Tết 2001, tôi có xem đêm nhạc Trần Hoàn tổ chức tại Hải Phòng, trong đêm đó lần đầu tiên tôi thật ngưỡng mộ giọng hát của bạn, từ đó đến nay, tôi rất hâm mộ giọng hát của bạn. Bạn có kế hoạch gì cho một show diễn ở Sydney không? Rất mong được gặp lại bạn ở Sydney.
- Tấn rất muốn sang Sydney diễn cho cộng đồng người Việt xem. Bởi Tấn biết những người xa quê hương không những thiếu thốn tình cảm mà họ còn không có nhiều dịp được lắng nghe những bài hát của quê hương. Quả thật để thực hiện một đêm diễn ở Sydney là một điều quá khó đối với Tấn.

Ca sĩ Trọng Tấn hát tặng phóng viên, biên tập viên VietNamNet.

hogcamnhug@yahoo.com - Nữ 22 tuổi -
- Chào Trọng Tấn, rất vui đuợc giao lưư với Anh! Bề ngoài tôi là một cô gái rất sôi nổi, mode, đam mê nhiều lĩnh vực... Vì vậy mà các bạn tôi nghĩ rằng Nhung là một fan cuồng nhiệt của Rock... nhưng các bạn ấy lại cho là quá thất vọng khi Nhung dành hết tình cảm cho dòng nhạc chính thống. Nhung rất buồn, không biết phải nói sao cho các bạn hiểu thêm về dòng nhạc này... Theo Nhung biết, hiện nay trong giới SV thì âm nhạc rất quan trọng... nhưng các bạn đang chạy theo nhạc cho hợp thời để nghe hơn là đuợc nghe... Theo anhm, làm sao cho các bạn trẻ có cái nhìn mới về dòng nhạc này? Anh có biết có khi Nhung nghe nhạc mà phải mở nhỏ thôi vì bị cho rằng: nhạc buồn ngủ quá, giờ mình sẽ làm sao?
- Tấn rất vui khi biết Nhung là một người hiện đại mà yêu thích dòng nhạc này đến vậy. Mỗi người có sở thích riêng, có lẽ Nhung không nên buồn vì bất đồng sở thích âm nhạc với bạn bè.   

Do thời gian có hạn nên Tấn không thể trả lời hết các câu hỏi của độc giả VietNamNet gửi tới. Tấn gửi lời cảm ơn chân thành tới mọi người và hy vọng mọi người tiếp tục cổ vũ Tấn trên con đường sự nghiệp của mình. Hẹn gặp lại các bạn vào dịp gần đây nhất .

Đôi nét về ca sĩ Trọng Tấn

Trọng Tấn - Chàng trai xứ Thanh hơi khác người

25 tuổi, Trọng Tấn vừa quá già, vừa quá trẻ so với bạn bè cùng trang lứa. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng không phải vì thế mà thành điều vô lý. Nhìn bên ngoài, đó là một "ông cụ non" hơi kiêu, hơi tách biệt và khá kiệm lời. Cuộc giữ mình khắc khe mang đầy sự tự ý thức khiến anh dường như tự cô lập mình trong độ tuổi thanh xuân. Tấn luôn cẩn thận lời phát ngôn khi bạn bè hỏi lời góp ý cho bài hát. "Khôn ghê lắm!" ấy là một lời nhận xét sau lưng anh.

Nhà thơ Lữ Giang kiện Trọng Tấn về CD "Tiếng đàn bầu"?

"Chuyện tên nhà thơ Lữ Giang không có trên bìa album Tiếng đàn bầu là do sai sót của khâu biên tập khi xuất bản. Không thể vì thế mà quy kết hoàn toàn trách nhiệm cho ca sĩ. Vả lại, nhà thơ Lữ Giang mới chỉ đưa ra kiến nghị chứ chưa khởi kiện", Trọng Tấn thanh minh.

Trọng Tấn - "Sao" của nhạc đỏ

Năm 1997, khán giả yêu âm nhạc mới chỉ biết đến ca sĩ trẻ Trọng Tấn sau khi anh đạt giả nhất cuộc thi Giọng hát Hà Nội. Hai năm sau, với bài hát “Tiếng đàn bầu”, giải nhất Tiếng hát truyền hình toàn quốc, Trọng Tấn đã hoàn toàn chinh phục người nghe bằng chất giọng mượt mà, rất phù hợp với giai điệu trữ tình uyển chuyển của bài hát. Từ đó tới nay, ca sĩ này luôn cống hiến hết mình cho nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là dòng nhạc cách mạng.

Trọng Tấn học cách sống của nhạc sĩ Trần Hiếu

“Cách đây 8 năm, tôi từ đất Thanh Hóa lên thành phố học nhạc, mang theo duy nhất bộ quần áo và đôi dép tổ ong. Khi đi thi giọng hát trẻ Hà Nội, tôi phải mượn áo của lũ bạn. Chiếc áo quá khổ khiến tôi càng thấp bé. Năm đó, tôi đoạt giải nhất, một điều vượt quá sự mong đợi, khi mới chỉ bước vào năm thứ nhất trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội”, Trọng Tấn tâm sự.

Gặp Trọng Tấn - Giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình khu vực phía Bắc

Mấy cô bé lớp 12 chuyên Anh ngữ thì thào: "Trông anh ấy như một vận động viên quyền Anh". Cái vẻ "lầm lì" của Tấn làm cho những người mới tiếp xúc với anh lần đầu có cảm giác anh hơi khó gần và kín kẽ trong từng lời ăn tiếng nói. Chẳng vồn vã rào đón nhưng cũng không để lọt một câu nói thừa, Tấn rất chừng mực với giới báo chí. Nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng những học sinh được đào tạo thanh nhạc cẩn thận thường không thể bước qua cái bóng của thầy mình.

Tam ca: Việt Hoàn - Ðăng Dương - Trọng Tấn

Ðó là một "tam ca" bất ngờ gây được thiện cảm với khán giả. Cả ba ca sĩ trẻ và đầy triển vọng này vẫn thích hát đơn ca. Lời ngỏ: Ðã có rất nhiều ban nhạc trẻ, tại sao không có một "ban nhạc" thính phòng góp mặt trong đời sống âm nhạc của công chúng? Nhiều bạn học thanh nhạc để nâng cao kỹ năng ca hát trên sân khấu nhạc nhẹ. Ba người chúng tôi quyết theo dòng nhạc cổ điển đến cùng

 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thẩm định các dự án văn hoá phi vật thể: Để tăng thêm tính hiệu quả (18/06/2003)
''Tôi muốn được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp VN'' (18/06/2003)
Gwyneth Paltrow sắp lên xe hoa (18/06/2003)
Hàng ngàn bản cuả tập 5 Harry Potter bị đánh cắp (18/06/2003)
Liêu trai chí dị... trên sân khấu kịch Hà Nội (18/06/2003)
Nhà thơ trẻ Bình Nguyên Trang: ''Đổ lỗi cho nghề báo thì oan quá" (18/06/2003)
Của rơi có thể được phát hành ở Mỹ (18/06/2003)
Sáng tác cho thiếu nhi ngày càng thu hút được nhiều cây bút trẻ (18/06/2003)
Vĩnh biệt tác giả trường ca "Bài ca chim ch'rao" (18/06/2003)
Mariah Carey xúc tiến chuyến lưu diễn mới (18/06/2003)
Trao giải cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi lần thứ IV (17/06/2003)
Beyonce Knowles ra mắt album solo đầu tay sớm hơn dự định (17/06/2003)
"Finding Nemo" lại về đích đầu tiên (17/06/2003)
Đạo diễn Trần Mỹ Hà làm phim về Hàn Mặc Tử (16/06/2003)
Hồng Nhung bắt tay làm "Khu vườn yên tĩnh" (16/06/2003)
Tro ve dau trang