Nhằm tăng cường hơn nữa việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, thời gian qua Nhà nước đã đầu tư nhiều cho công việc này. Bộ VH-TT đã thành lập hội đồng thẩm định các dự án nghiên cứu về văn hoá phi vật thể. Theo TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thì việc thẩm định các dự án văn hóa phi vật thể là cấp thiết bởi có như vậy mới tăng thêm tính hiệu quả cho các dự án.
- Hội đồng tiến hành thẩm định dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?
- Sưu tầm, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể là một nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được tiến hành từ năm 1997. Với Quyết định 19/2003/QĐ-TTg ngày 28/1/2003, Thủ tướng Chính phủ lại phê duyệt Chương trình này để thực hiện đến năm 2005. Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật có ba nhiệm vụ: Sưu tầm, bảo tồn, xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác sưu tầm, lưu giữ di sản; trực tiếp thực hiện các dự án sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể.
Như vậy, việc thẩm định các dự án sưu tầm bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể được tiến hành ở hai cấp: Ở địa phương, UBND các tỉnh thành lập hội đồng thẩm định. Ở bộ, bộ trưởng ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia am hiểu về di sản văn hóa phi vật thể. Với các hội đồng thẩm định dự án tại các địa phương, Viện sẽ cử thành viên tham gia.
- Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của những dự án đã được thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là sự ứng dụng trong đời sống thực tế?
- Muốn xem xét tính hiệu quả của các dự án sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể, phải xuất phát từ nhiệm vụ của chính chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Nhiệm vụ của dự án là sưu tầm, bảo tồn, trước hết phải lưu giữ đầy đủ, chính xác mọi vấn đề liên quan đến di sản ấy bằng văn tự, âm thanh, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động. Từ năm 1997 đến năm 2002, 384 dự án đã được triển khai. Hàng nghìn thước phim tư liệu đã được các cán bộ khoa học của Viện thực hiện. Hiện tại, Viện đã có gần 200 phim được lưu giữ trên CD-ROM.
- Hiện nay có ý kiến cho rằng việc phân bổ đầu tư cho các dự án vẫn mang tính bình quân, chưa tập trung cho những chuyên đề khoa học lớn...
- Cách làm như hiện nay, theo tôi là phù hợp. Bởi đối tượng của các dự án sưu tầm, bảo tồn là các hiện tượng văn hoá phi vật thể chứ không phải là những vấn đề khoa học lớn. Hiện tại, một số mảng văn hoá phi vật thể như: Hát ca trù của người Việt ở Bắc bộ, dân ca quan họ Bắc Ninh, múa rối nước ở Đồng bằng Bắc bộ, sử thi, nghệ thuật cồng chiêng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, được Bộ trình Thủ tướng phê duyệt để đề nghị tổ chức UNESCO xem xét công nhận được ưu tiên tập trung đầu tư.
- Trong thời gian tới sẽ phải thực hiện công việc nặng như thế nào để tăng cường hơn nữa hiệu quả của dự án?
- Vấn đề đầu tiên vẫn phải là lực lượng cán bộ làm công tác điều tra, sưu tầm và bảo tồn. Quan trọng hơn cả vẫn là tấm lòng, là ý thức trách nhiệm với di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc. Bởi lẽ, việc thực hiện các dự án gặp khá nhiều khó khăn, nhất ở các vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Thiếu thốn, gian khổ, chưa hẳn là vấn đề, vì di sản văn hoá phi vật thể có tính đặc thù. Di sản ấy rất dễ bị mai một, mất đi trong nền kinh tế thị trường. Khôi phục, phục dựng lại các di sản văn hóa phi vật thể là điều không đơn giản. Tính hiệu quả của các dự án chỉ được nâng cao khi di sản văn hóa phi vật thể được khôi phục như nó vốn có trong lịch sử. Có vậy, ta mới hiểu đúng chân giá trị của nó, từ đó mà chọn lọc, phát huy.
(Theo Lao Động) |