|
Nhà thơ trẻ Bình Nguyên Trang. |
Gần đây không ít nhà thơ, nhà văn trẻ thành danh trong lĩnh vực báo chí. Trong số này phải kể đến Bình Nguyên Trang. Viết báo nhiều, nhưng chị cho rằng sẽ không bao giờ xa rời văn chương như một số bạn bè của mình.
- Xin được bắt đầu bằng tập thơ mới của chị. Tại sao lại là Chỉ em và chiếc bình pha lê biết?
- Đó là tên một bài thơ của tôi được lấy làm tên cho tập thơ. Tại sao thì tôi không biết trả lời thế nào. Đơn giản là tôi thấy thích cái tên ấy.
- Lâu nay chị thường xuất hiện trên báo chí với tư cách là một nhà báo với những bài phỏng vấn rất góc cạnh. Có khi nào chị quên nghĩ về thơ?
- Tôi làm báo cũng như bạn bè tôi làm kỹ sư, giáo viên, bán quán cà phê. Đó là một nghề. Mỗi người đều phải có một nghề lương thiện để sống. Tôi muốn được làm tốt công việc của mình. Thơ là một thứ kỳ lạ. Nó không ăn được, không uống được. Nó không bổ ích lắm. Nó làm ta dằn vặt, đau khổ, buồn bã... Vậy mà lúc nào tôi cũng nhớ tới nó, như một mối tình lớn.
- Có nhiều bạn viết trẻ ban đầu mới viết thì hăng hái lắm, sau một thời gian thì chuyển qua làm báo, thành danh bằng nghề báo, và hình như bỏ rơi văn chương. Theo chị đó là một tín hiệu vui hay buồn?
- Trước hết chúng ta cứ vui là chúng ta có thêm nhiều nhà báo thành danh. Không có ai bỏ rơi văn chương được cả. Chỉ có người viết văn không đủ sức đi theo con đường khắc nghiệt của văn chương nên bị rớt lại phía sau thôi. Vậy nên chẳng có gì phiền lòng, ai làm báo cứ làm báo, cứ hăng hái và thất vọng, bởi vì đó chính là cuộc đời. Nói như một nhà văn nào đó thì văn học là công việc tu thân. Có người tu thành chính quả, có người không, chuyện thường tình. Đỗ lỗi cho nghề báo thì oan quá. Tôi thấy ối người không làm báo mà rốt cục có viết văn hay hơn buổi ban đầu đâu.
- Vừa viết truyện ngắn vừa làm thơ chị thích thể loại nào hơn?
- Tôi hay làm thơ vào lúc buồn và hay viết truyện ngắn vào lúc bất bình.
- Chị nghĩ lý do gì khiến các bạn trẻ chúng ta ngày nay rất ít đọc sách văn học?
- Tôi nghĩ không chỉ sách văn học mà sách nói chung thời buổi này không thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ. Chính tôi cũng chỉ đọc những cuốn cần thiết cho công việc của mình. Còn sách văn học thì vì rất nhiều nên tôi chỉ đọc những cuốn được bạn bè giới thiệu là hay, là mới. Có quá nhiều phương tiện để giải trí khác như phim, ảnh, truyền hình, trò chơi... hấp dẫn các bạn hơn. Tuy nhiên một cuốn sách để được bạn đọc trẻ chú ý thì trước hết nó phải nói trúng, nói đúng về giới trẻ đã.
- Thiên hạ hay nói phụ nữ mà dính vào văn chương báo chí thì phải chịu nhiều thiệt thòi lắm. Chị có sợ điều này không? Có một nhà báo trẻ từng tuyên bố sẽ bỏ nghề khi lấy chồng, chị có định làm thế không?
- Khi số phận muốn bạn là phụ nữ thì cũng có nghĩa bạn phải chịu nhiều thiệt thòi rồi. Tôi cũng có ý nghĩ như bạn là phụ nữ dính vào văn chương báo chí lại càng thiệt thòi hơn nữa. Nhưng bây giờ có ai hỏi tôi rằng làm nghề gì đỡ thiệt thòi hơn tôi cũng không biết trả lời thế nào. Ngay trong lúc bất hạnh nhất cuộc sống vẫn luôn quý giá. Vậy lẽ nào ta lại tính hơn thiệt với cuộc đời?
- Vậy theo chị điều gì là quan trọng nhất đối với một người phụ nữ làm văn chương?
- Người phụ nữ làm bất cứ nghề gì thì gia đình luôn là quan trọng nhất. Với một người phụ nữ làm văn chương thì gia đình càng quan trọng hơn nữa.
(Theo Tiền Phong) |