Lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi lần thứ IV ( 2001 - 2002) của Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Với 31 tác phẩm đoạt giải ở cả 5 thể loại (văn, thơ, nhạc, kịch, tranh truyện), đây là lần đầu tiên có một cuộc ''hội ngộ'' khá đầy đủ những tác phẩm hay thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau trong cuộc vận động sáng tác này.
Bà Lê Phương Liên, Phó trưởng ban văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam trò chuyện với báo giới về giải năm nay.
- Cuộc vận động sáng tác lần này có nét gì khác và mới hơn so với những cuộc trước, thưa bà?
- Để tạo một đời sống tinh thần tốt, lành mạnh và hấp dẫn trẻ thơ là chuyện không dễ dàng. Ở các cuộc vận động trước, đoạt giải cao thường là tác phẩm ở các thể loại: văn xuôi, thơ, tranh truyện. Còn lần này, tác phẩm đạt chất lượng cao xuất hiện trong cả thể loại nhạc và kịch. Điều đó đã làm nên nét khác biệt, mới mẻ của cuộc thi này. Và điểm nổi bật, có tính bứt phá là sự tham gia hào hứng của những cây bút văn xuôi trẻ. Trong 9 tác giả đoạt giải, có đến 5 người là những gương mặt mới như Nguyễn Ngọc Minh Hoa hay Bùi Đặng Quốc Thiều. Có tác giả mới chỉ trên dưới tuổi 20, tham gia cuộc thi bằng tác phẩm đầu tay.
- Những gương mặt mới có ''mới'' trong lối viết hay không?
- Điểm lại số những tác phẩm văn xuôi đã đoạt giải cao trong ba cuộc vận động sáng tác trước, sẽ thấy rõ nét mới đáng được ghi nhận của các tác giả trẻ hôm nay. Những tác phẩm như Đợi mặt trời (Phạm Ngọc Tiến), Bỏ trốn (Phan Thị Thanh Nhàn)... đã phản ánh được hiện thực đời sống, những sinh hoạt thường ngày của thế giới trẻ con, song vì chúng được quan sát qua cái nhìn của người lớn, nên những phản ánh đó mới dừng ở tính ''biểu hiện''. Còn tác giả trẻ hôm nay, trên nền văn học truyền thống, cùng với sự tiếp thu có chọn lọc những giá trị của văn học đương đại (cả văn học nước ngoài) đã tạo nên những thay đổi đáng ghi nhận cả về nội dung lẫn hình thức. Trong những sáng tác mới của Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Minh Hoa, Nguyễn Trang Thu, Bùi Đặng Quốc Thiều..., bạn đọc sớm bắt gặp một hiện thực đời sống rất bình dị, nhưng cũng không kém đi chất thơ, hàm chứa sức gợi nghĩ lớn. Tất cả đều rất chân thành, rạng rỡ, vang lên trong sáng, từ tâm hồn, đời sống của chính các em.
- Riêng về văn xuôi, trong khi bình chọn tác phẩm vào giải, Ban giám khảo thường chú trọng đến những tiêu chí nào?
- Phân biệt với sách truyện ăn khách, tạm gọi là những tác phẩm ''thời thượng'', Ban giám khảo đặc biệt xem trọng những giá trị của văn học truyền thống được nhào nên từ hồn quê, hồn nước đã thấm đẫm chiều sâu tâm hồn bao thế hệ tuổi thơ Việt Nam. Tiếp nữa, việc nâng cao giá trị thẩm mỹ của từ ngữ đời thường trong ngôn ngữ văn học cũng rất được quan tâm. Có thể nói, các tác phẩm đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác này, một lần nữa lại tôn vinh những tác phẩm giàu chất văn học. Đây thực sự là tín hiệu tươi sáng của văn học thiếu nhi thời kỳ đổi mới.
- Không có giải A (chỉ có một giải B, hai giải C và ba giải khuyến khích), điều đó đã phản ánh đúng đời sống của tranh truyện nội?
- Cùng với tranh truyện lịch sử, thể loại tranh truyện cổ tích dân gian và tranh truyện đồng thoại giữ được mặt bằng ổn định về chất lượng thẩm mỹ cho các độc giả trẻ, nhưng lại không mới. Hình sắc đẹp, nhưng không lạ. Mảng tranh truyện comic - phản ánh đời sống trẻ em hiện đại (pha trộn những yếu tố viễn tưởng) cũng vẫn chưa có nét khởi sắc.
Một số giải chính
Kịch bản: Giải A thuộc về Chuyện rừng Pha Luông (5 tập) của nhà thơ Nguyễn Thành Phong.
Văn xuôi: Giải A thuộc về Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần.
Thơ: 3 giải A thuộc về Cùng tuổi với Thăng Long của Nguyễn Hoàng Sơn, Trạng Diều (Nguyễn Bùi Vợi), Cõng nhà đi chơi (Vương Trọng).
Âm nhạc: 4 giải A
Truyện tranh: Không có giải A; giải B thuộc về các tranh truyện về Bà Triệu, Ngô Quyền của họa sĩ Tạ Duy Long. |
(Theo TT&VH) |