Bộ phim về một nhân vật nổi tiếng trong thi đàn Việt Nam từ những năm 1930-1940-Hàn Mặc Tử đã được Hãng phim truyền hình TP.HCM lên kế hoạch dàn dựng. Người được giao nhiệm vụ đạo diễn là Trần Mỹ Hà, người đã có 23 năm làm nghề với hơn 40 phim tài liệu, 5 phim truyện (Hải Nguyệt, Giữa dòng, Blouse trắng...) trong hành trang của mình. Đạo diễn Trần Mỹ Hà đã có cuộc trao đổi về bộ phim này.
- Thời gian qua anh "ở ẩn" để viết kịch bản phim Hàn Mặc Tử, anh quyết định làm phim Hàn Mặc Tử vì điều gì?
- Anh em, bạn bè tỏ ý lo ngại khi biết tôi sẽ làm phim về Hàn Mặc Tử. Ai cũng thấy nhân vật này hay, bởi đó là một nhân vật hơi huyền ảo trong thi đàn Việt Nam với một trường phái thơ rất lạ. Tới giờ này, dòng thơ Hàn Mặc Tử là siêu thực, liêu trai nên cách thể hiện Hàn Mặc Tử là rất khó, làm sao để đẩy một tiến trình tâm lý, để thoát khỏi đời sống thực đi vào cõi không tưởng, cõi mơ. Đã là cõi mơ thì không ra phim và khi đẩy ngược trở lại trong một thế giới siêu thực sẽ rất khó khăn. Nếu thể hiện không khéo sẽ không tới. Với phim Hàn Mặc Tử tôi nghĩ tỷ lệ thất bại cao, nhưng tôi vẫn... dám chơi.
- Trong lĩnh vực phê bình văn học, có nhiều giả thuyết khác nhau về con người Hàn Mặc Tử, vậy là một đạo diễn anh sẽ nhìn ở góc độ nào?
- Tôi nhức đầu khi đi tìm cách nhìn về Hàn Mặc tử. Cuối cùng, tôi quyết định dựa qua một góc tôn giáo để có cái nhìn rộng hơn, cái đẹp tôn giáo trong Hàn Mặc Tử qua thơ ca cũng có thể thẩm thấu điều đó. Với phim Hàn Mặc Tử, tôi sẽ khai thác nét đẹp, tâm hồn cao thượng trong đời sống tâm linh.
- Nghe anh nói, thật khó mường tượng phim sẽ theo dạng nào, như vậy phim Hàn Mặc Tử sẽ có cách làm không giống với những bộ phim truyền hình trước đây?
- Cách thể hiện là quan trọng chứ làm theo cách viết kịch bản thì... chết. Cái khó của phim Hàn Mặc Tử là kể lại chuyện xưa trong điều kiện làm phim khó khăn, đâm đầu vào những cái khó là phải thể hiện cho đến chơi đến chốn. Tôi dùng ngôn ngữ khác để thể hiện thay thơ, chuyển từ thơ sang nhạc để đến với người xem hiện đại. Nếu vậy sẽ rất công phu và đòi hỏi một nhạc sĩ giỏi. Vấn đề đặt ra với tôi là làm sao để phim Hàn Mặc Tử đi vào đời sống của người xem hiện đại.
- Đạo diễn điện ảnh có thể dùng phim truyền hình làm tay trái nhưng đạo diễn truyền hình thì không thể dùng phim nhựa làm tay mặt, anh nghĩ thế nào về câu nói này?
- Tôi không quan tâm đến "tay trái, tay mặt", đạo diễn truyền hình hay đạo diễn điện ảnh không quan trọng, quan trọng là người đạo diễn phải biết mình đang làm gì. Mỗi thể loại đều có chức năng riêng của nó.
- Những giải vàng, giải bạc... mà anh đạt được có phải là dấu ấn của sự thành công đối với một đạo diễn?
- Giải vàng, giải bạc... không nói lên được điều gì cả, đã qua rồi cứ quên nó đi, để tiếp tục.
(Theo Thanh Niên) |