(VietNamNet) - Đó là ý kiến về cách xem một tác phẩm hội hoạ hiện đại, đã gây ngạc nhiên cho nhiều người của nhà điêu khắc Đào Châu Hải tại cuộc công bố giải thưởng Ánh mắt trẻ lần thứ ba.
|
Sự nhìn - Giải nhất (điêu khắc) |
Và trước những ngỡ ngàng của người xem khi đối diện với những tác phẩm hội hoạ lạ lùng, kỳ thú, trên tư cách Chủ tịch Ban giám khảo, ông đưa ra một gợi ý: ''Thực sự không còn chuyện hiểu. Đứng trước tác phẩm, tôi chỉ lắng nghe trong mình xem tác phẩm đó gợi nên cái gì...''.
Ánh mắt trẻ là cuộc thi dành cho các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam trẻ dưới 35 tuổi, do Hội Mĩ thuật VN phối hợp cùng Đại sứ quán CH Pháp, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp tại Hà Nội cùng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM tổ chức. Ban giám khảo đã chọn được 13 hoạ sĩ, 3 nhà điêu khắc, mỗi tác giả triển lãm ba tác phẩm tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền - Hà Nội.
Với cách nhìn hiện đại như ông Đào Châu Hải tâm sự: ''Giờ đây, gần như không còn sự phân biệt giữa hội hoạ và điêu khắc nữa, không gian ba chiều năng động hơn cho hoạ sĩ trình bày ý tưởng'', tác giả điêu khắc Trần Đức Quí với Sự nhìn đã đoạt giải nhất.
|
Giấc mơ người nông dân - Giải nhì (sơn dầu) |
Tác phẩm Sự nhìn quả là đẹp và có cái nhìn độc đáo, được trình bày bằng một ngôn ngữ tạo hình cô đọng, lãng mạn. Với những chất liệu khô cứng của thời công nghiệp là kính gương và thép, tính lãng mạn (những hình bóng con người như bay lượn trong khung tròn cặp kính) quả là rất bất ngờ, ghi lại dấu ấn giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Một cặp kính giúp ta nhìn ra phía trước được đặt trên đế bằng kính gương phản chiếu, đã bộc lộ một tư tưởng, một cái nhìn rất phương Đông. Rằng Sự nhìn luôn luôn được phản chiếu, được nhìn lại...
Giải nhì được trao cho Giấc mơ người nông dân (sơn dầu) của Lê Quí Tông. Về mặt tạo hình, tác phẩm này có bố cục lạ và ngôn ngữ hiện đại, tận dụng đến tối đa hiệu quả của chất liệu sơn dầu. Hình người nông dân gánh trên vai đôi quang nhẹ tênh, đi chậm rãi phía trên những cánh đồng ngũ cốc như một ý thơ lãng mạn kín đáo. Tác phẩm gợi cho người xem về những người sống nhờ vào đất đai, hạnh phúc, nhọc nhằn đau khổ của họ cũng chỉ có đất mới hiểu được. Ý tưởng này thật là xuất sắc.
Rằm tháng Bảy (khắc kẽm màu) của Nguyễn Nghĩa Phương đoạt giải ba. Phải nói chính anh mới là tác giả có cái nhìn tạo hình đẹp và độc đáo nhất. Cả ba tác phẩm triển lãm của anh đều có tính thờ phượng: Nhạc cầu hồn, Rằm tháng Bảy và Bên kia cầu vồng. Những truyền thuyết tôn giáo phương Đông được thể hiện bằng ngôn ngữ hội hoạ phương Tây, nhưng đã đạt đến mức nhuần nhị. Tác phẩm của anh thực sự là những giấc mơ đẫm đìa ánh sáng.
|
Rằm tháng Bảy - giải ba (khắc kẽm màu) |
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không thể có một tác phẩm nghệ thuật lớn, đủ sức đi qua nhiều biên giới, nếu thiếu đi cái nhìn mang tính tôn giáo. Con người muốn thổi hồn cho hiện thực, đó chỉ là phương pháp hiện thực, nhưng con người nhận thấy trong hiện thực đời sống có một tâm hồn khác bao trùm lên cả chính mình, đó là cái nhìn có tính tôn giáo trong sáng tạo nghệ thuật.
Để kết thúc, chúng tôi xin dẫn lời ông Đào Châu Hải nhân giải thưởng này, như một sự bộc lộ của giới tạo hình hiện đại: ''Cái quan trọng không phải nội dung tác phẩm, mà là thái độ nghệ thuật của tác giả đối với nội dung đó''.
|