|
Nghệ nhân Trịnh Thị Răm biểu diễn cùng các nữ sinh. |
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian (NNDG) cho 5 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Để bạn đọc có thể hiểu việc tôn vinh những ''Báu vật nhân văn sống'' của nước ta, báo giới đã có cuộc trò chuyện nhanh với GS Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG).
- GS có thể cho biết khái niệm NNDG?
- Thế nào là NNDG ư? Điều này bắt nguồn từ việc nghiên cứu văn hóa phi vật thể (VHPVT). Tại nước ta, di sản này nằm dưới dạng trí nhớ, không được văn bản hóa. Xin đừng nhầm với các loại hình lưu trữ (băng catssette hay video) bởi dù đã ghi lại, sau này bật lên xem thì đó vẫn chỉ là dạng chết, dạng tĩnh của văn hóa. Lấy ví dụ về ''Đẻ đất đẻ nước'' của dân tộc Mường. Sử thi đó chỉ ''sống'' khi được diễn xướng, múa, hát, nói, kể, đóng vai người, con vật... trong suốt 15 ngày đêm ở những sân khấu dân gian. Di sản của dân tộc sẽ sống hay chết, còn hay mất, tất cả phụ thuộc vào những người lưu giữ và thực hành nó.
- Việc tìm kiếm, xem xét và phong tặng danh hiệu của chúng ta đã khởi đầu ra sao?
- Hội đồng UNESCO lần thứ 25 ngày 15/11/1989 đã nhận thấy vai trò cực kỳ quan trọng của các nghệ nhân và ra khuyến nghị tôn vinh họ bằng danh hiệu ''Báu vật nhân văn sống''. Chúng ta đã đi những bước chậm hơn, tới năm 2003 mới thực hiện việc công nhận cho 15 người mà đáng mừng hoặc cũng đáng lo thay, tất cả họ đều đã ở lứa tuổi trên dưới 70. 10 năm nữa sẽ không còn mấy ai trên cõi đời và khi đó phần lớn VHPVT sẽ theo họ xuống mồ.
Hội VNDGVN đã triển khai hai việc cấp bách: Thứ nhất, lập kế hoạch sưu tầm mang tên ''Tầm nhìn 2010'', huy động toàn bộ 1000 hội viên cùng khoảng 2000 cộng tác viên trong cả nước sưu tầm tối đa những gì còn lại có thể sưu tầm được. Thứ hai, thông qua danh hiệu của riêng Hội phong tặng NNDG để tôn vinh, lưu giữ những người xứng đáng. Để được công nhận, mỗi NNDG cần hội đủ 3 điều kiện: Nắm vững ở trình độ cao, thậm chí cao nhất trong toàn vùng một bí quyết, vốn liếng nào đó của VHPVT. Thứ hai, họ phải có học trò, tối thiểu là một người. Cuối cùng, phải sẵn sàng cung cấp tư liệu cho hội viên của Hội thực hiện công tác sưu tầm, gìn giữ vốn liếng văn hóa đó.
- GS có nghĩ tới năm 2010, danh sách NNDG sẽ lên tới con số hàng nghìn? Việc tôn vinh, đãi ngộ NNDG của nước ta so với các nước xung quanh giống và khác nhau ở điểm nào?
- Tôi khẳng định, không có tình trạng phổ cập NNDG như hiện nay đang phổ cập thạc sĩ. Lấy đâu ra mà lắm NNDG thế? Chúng ta có 61 tỉnh thành và 54 dân tộc. Tính trung bình, theo cách phân loại về VHPVT thì có 5 lĩnh vực trong mỗi cộng đồng được coi là môi trường hình thành NNDG. Như vậy tối đa cũng chỉ có thể lên tới 200 người. Hãy nhìn sang Nhật Bản, họ đã thực hiện yêu cầu về tôn vinh ''Báu vật nhân văn sống'' hàng chục năm nay và cho tới năm ngoái cả nước họ cũng chỉ có 17 người được tôn vinh. Những người này được Chính phủ cấp 500USD/tháng, mỗi năm về họp ở Tokyo một lần và được đích thân Thủ tướng ra chân cầu thang máy bay đón. Như chúng ta vẫn tự nhận xét, có lẽ người Việt Nam không chỉ sống bằng tiền, mà trước hết sống bằng niềm vinh dự.
(Theo Lao Động)
|