|
GS.Volker Albus. |
(VietNamNet) - Bắt đầu từ hôm nay (14/6), triển lãm "Sự đơn giản có ý thức" sẽ ra mắt người yêu nghệ thuật Hà Nội. Nhân dịp này, chúng tôi đã tìm gặp GS.Volker Albus, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Karlsruhe, trưởng đoàn nghệ sĩ Đức sang Việt Nam lần này. Ông đã tâm sự khá nhiều điều thú vị.
- Được biết "Sự đơn giản có ý thức" đã được giới thiệu ở nhiều nước nhưng tại sao lần này ông và những nhà thiết kế khác lại quyết định tổ chức triển lãm này ở Việt Nam?
- Thực ra thì đây là đề nghị của ông Giám đốc Viện Goethe ở Hà Nội. Ông ấy đã đề nghị chúng tôi thực hiện triển lãm này từ năm ngoái nhưng đến giờ chúng tôi mới đáp lại được. Thứ hai là chúng tôi biết Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, có truyền thống làm thủ công mỹ nghệ, hơn nữa nguyên liệu rất phong phú... Tôi nghĩ đơn giản một dân tộc đánh được Mỹ thì phải có "một cái gì đấy" rồi.
- Khi triển lãm kết thúc, Giáo sư có hy vọng đạt được "một cái gì đấy" không?
- Chúng tôi mong triển lãm này sẽ gợi mở cho các nhà thiết kế trẻ Việt Nam tận dụng được những nguyên vật liệu sẵn có để làm ra những sản phẩm hữu ích, có giá trị cao.
- Thưa ông, ông có nói là tre, nứa của Việt Nam rất thích hợp để làm những sản phẩm đơn giản như thế này. Vậy, khi sang Việt Nam, những nhà thiết kế Đức có ý định tìm một vật liệu phù hợp để sáng tạo không?
- Chất liệu tre, nứa, lá của Việt Nam là những vật liệu rất tốt để thiết kế ra những sản phẩm thú vị. Hơn nữa, đây là những đặc sản mà chúng tôi không có. Nhưng chúng tôi cũng không muốn các nhà tạo dáng trẻ Việt Nam bắt chước những sản phẩm có trong triển lãm này mà hãy dùng những vật liệu vốn có, là đặc trưng của Việt Nam để làm ra những sản phẩm cần thiết. Tôi thấy chiếc nón của Việt Nam là một sản phẩm tuyệt vời. Nó cứng cáp nhưng nhẹ và cách nhiệt tốt.
- Ông đã từng xem những tác phẩm của các nhà thiết kế Việt Nam chưa?
|
Một tác phẩm của Volker Albus. |
- Tôi chưa có có cơ hội được thưởng thức. Tôi chỉ ngắm nhìn những hàng hoá bán trên đường phố, những cái thúng, cái nón, những đồ kim loại được người thợ thủ công gò rất khéo. Tôi nghĩ là Việt Nam có đủ thợ để sản xuất hàng loạt những tác phẩm như vậy. Điều tôi muốn nói nữa là ít có nước nào lại duy trì truyền thống sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng như Việt Nam. Về phía những nhà thiết kế người Đức, chúng tôi cho rằng đất nước các bạn là một mảnh đất nhiều tiềm năng, nhiều điều kiện sáng tạo. Tất nhiên điều này cũng lệ thuộc vào phản ứng của sinh viên và những người đến triển lãm như thế nào đã.
- Bên cạnh việc tổ chức triển lãm này, ông còn có kế hoạch nào khác không? ví dụ như việc giảng dạy cho các sinh viên Việt Nam chẳng hạn?
- Thực ra thì chúng tôi cũng chưa có kế hoạch cụ thể nào nhưng qua ông Ausgustine, Giám đốc của Viện Goethe thì tôi biết là Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi nghĩ việc hợp tác giữa hai nước là rất nên làm.
- Tức là nếu phía Việt Nam có đề nghị thì chắc chắn ông sẽ đồng ý hợp tác chứ?
- Chắc chắn rồi. Tôi nghĩ là chúng ta cần có sự trao đổi về văn hoá, nghệ thuật. Hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài với Viện Goethe.
- Xin cảm ơn ông!
GS.Volker Albus sinh năm 1949 tại Frankfurt, Đức. - Từ năm 1968 - 1976: học kiến trúc tại trường Đại học kỹ thuật RWTH Aachen - Từ 1976 - 1982: làm kiến trúc sư tự do - Từ 1982 - 1992: thiết kế nội thất, đồ gỗ và tổ chức các cuộc trưng bày riêng - Từ 1982 - 1994: là thành viên của FNAC (Tổ chức nghệ thuật quốc gia), Paris - Từ 1994 đến nay: là giáo sư của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Karlsruhe. Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới và cũng đã xuất bản khá nhiều sách như: Rude ma sincero (1991), Design Bilanz (1992), 13 nach Memphis (1995), Lieber Gast (1996)... |
|