|
Diễn viên Quốc Trị. |
''Tôi luôn muốn được đóng các vai có chất hài hước, dí dỏm, không nhất thiết là thể loại phim hài nhưng tôi hợp với dạng phim có nhiều tình tiết vui nhộn, gây cười'', diễn viên Quốc Trị, người đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999 với vai Bường trong phim Những người thợ xẻ tâm sự.
- Anh thích ''duyên hài'' trong phim của đạo diễn Việt Nam nào?
- Tôi rất thích chất hài hước, nói đúng ra là cái duyên hài trong phim của đạo diễn Mạc Văn Chung, Trần Lực... Họ là những người biết tạo cơ hội cho diễn viên bộc lộ chất hài. Là diễn viên có kịch bản hợp, đạo diễn ''lẩy'' được thì còn gì bằng. Tôi mong phim Việt Nam tăng thêm chất hài hước, dí dỏm.
- Có người thắc mắc lâu rồi không thấy sự xuất hiện của Quốc Trị trên phim ảnh. Phải chăng anh đã... khó tính hơn trong việc chọn vai diễn?
- Thật tình, sau giải thưởng ở Liên hoan phim 12, tôi thấy tự tin hơn về mặt nghề nghiệp và nói đúng ra thì cơ hội làm nghề đến với tôi nhiều hơn. Nhưng tôi thấy một số kịch bản không hợp với mình, nhiều vai diễn mà vai sau không khác vai trước là mấy làm cho tôi cảm thấy không hứng thú, mặc dù cũng có vai hay, có ''đất'' để thực hiện. Vào một nhân vật mới mà diễn không ''thoát'' ra khỏi cái bóng của vai trước đó thì... Với tôi, cái chính là vấn đề kịch bản.
- Hiện ngoài vai trò là diễn viên kịch của Đoàn kịch Tổng cục chính trị và tham gia đóng phim, anh còn hay được mời dàn dựng các tiết mục sân khấu. Xin hỏi anh có định học để trở thành đạo diễn như các diễn viên bằng tuổi hiện đang ''tại chức'' như một phong trào''?
- Tôi nghĩ học để làm đạo diễn thì tôi có đủ điều kiện để học. Cái quan trọng sau khi học xong có tìm được kịch bản để thể hiện tay nghề, làm được phim để thu hút người xem hay không. Học đạo diễn để rồi phải biết và dám mở ra con đường mới, tạo những bước chuyển mới... Tôi cũng có ý sẽ đi học tiếp cái gì đó, muốn khai thác vốn sống của bản thân và nhất là thể hiện hình tượng người lính, đề tài mà tôi gắn bó gần 30 năm qua. Có lẽ ở đó tôi nghĩ mình thể hiện được khả năng.
- Có phải chính nhờ vốn sống dầy dặn từ những va đập trong cuộc đời làm cho nhiều nhân vật của anh luôn trở nên ấn tượng và có sức thuyết phục?
- Đúng hơn, tôi thấy mình đưa được những chi tiết gần gũi của đời sống thực vào trong nhân vật, làm cho nhân vật của mình không bị lạc hậu với những gì đang diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn, công an không phải lúc nào lên hình cũng với bộ dạng nghiêm chỉnh, ''cứng đờ'' mà như không ít diễn viên đã tạo ra. Hay tướng cướp cũng vậy, chẳng phải cứ nhìn là quắc mắt lên, nói năng là hùng hổ. Tôi có bạn bè là công an, tôi biết chứ. Phải khai thác chất đời của họ, phẩm chất nghề nghiệp chỉ thể hiện ở lúc làm nghề, còn thì ai cũng là con người, cũng có lúc này nọ... Sao lại đóng khung nhân vật làm cho họ cứng nhắc đến vậy. Rất tiếc, nhiều nhân vật như thế, nhiều động tác như thế vẫn đang xuất hiện trong phim, nhất là phim truyền hình.
(Theo TT&VH) |