(VietNamNet) - Hầu hết các nhân vật trong tuyến phản diện đều mang mặt nạ. Không có nhân vật với số phận và đời sống nội tâm riêng, nhưng người xem lại thấy thấp thoáng trong đó hình ảnh của rất nhiều người quanh ta, thậm chí là chính mình, hoà trong cuộc sống xã hội Việt Nam đương đại. Đó là cảm nhận chung của nhiều khán giả được mời dự buổi tổng duyệt chuẩn bị cho các buổi công diễn vở kịch "Vụ án con rùa" của Nhà hát kịch Việt Nam.
"Vụ án con rùa" của tác giả Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn NSƯT Lê Hùng đã rất táo bạo khi xây dựng kịch bản "đụng chạm" đến những vấn đề nóng và nhạy cảm trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại.
Vở kịch lấy cái chết của Hoàn Kiếm Vương Quy, thần rùa từng ngậm lưỡi gươm của Lê Lợi lặn xuống đáy hồ, để khái quát trên sân khấu hàng loạt những vấn đề nổi cộm trong đời sống. Có một ông già nghỉ hưu "nhàn cư" và một đứa trẻ quàng khăn đỏ thay mặt cho cư dân 36 phố phường cầm đơn đi hết các "cửa quan" để kiện cho nỗi oan ức của cụ rùa. Kiện sự vô trách nhiệm của nhà nước làm ảnh hưởng đến lịch sử.
Nhưng họ̣ gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía những người có đầu óc thực̣ dụng. Gặp phải sự hoạnh họe, sự thờ ơ, vô trách nhiêm, đùn đẩy trách nhiệm của nhiều người mang bộ "mặt nạ" chính quyền, sự im lặng đến phát sợ của các cơ quan ngôn luận để mong được yên thân tránh sự soi mói. Toàn bộ thói tham quan, cửa quyền của một bộ phận không nhỏ những người "cầm cân nảy mực" được bộc lộ rõ rệt. Chỉ có một luật sư đang trong quá trình tập sự và một nữ phóng viên trẻ lên tiếng và theo đuổi sự kiện này đến cùng.
Vở kịch được đẩy lên cao trào khi vụ kiện đang chìm vào quên lãng thì luật sư trẻ được tham dự phiên tòa tại "cõi mông lung" với sự tham chứng của các hiền nhân nổi tiếng trong lịch sử đó là: Đức thánh Trần Hưng Đạo, thầy Chu Văn An, danh sĩ Nguyễn Trãi, Nguyễn Siêu, nhà sử học Nguyễn Trung Ngạn.
Sự hiển linh của các bậc hiền nhân cũng đồng thời là sự lần giở lại lịch sử với những sự kiện, chính biến liên quan đến họ làm cho khán giả có sự liên tưởng một cách khái quát, đầy đủ để hình thà̀nh nhãn quan đúng đắn về sự kiện mang nội dung mà kịch bản muốn truyền tải đến người xem.
Nhưng, phiên tòa mở tại "cõi mông lung" cũng lâm vào bế tắc cho đến khi thần Kim Quy hiện lên giải mã về cái chết của Hoàn Kiếm Vương Quy. Hồ Gươm là cái gương thần thu lại tất cả những hình ảnh của cuộc sống xã hội hiện đại, nên Vương Quy đã biết được mọi đổi thay của đất nước. Ngài càng lúc càng đau lòng trước quốc nạn tham nhũng lộng hành, sự cửa quyền và vi phạm pháp luật của những người cầm cân nảy mực, trước cảnh tượng môi trường ô nhiễm, bị tàn phá đến kiệt quệ. Đau lòng hơn, Ngài phải chứng kiến sự lạnh nhạt, thờ ơ của những con người trước những sự kiện ấy. Chính vì thế Ngài đã xin với thần Kim Quy cho được quyên sinh và lời thỉnh cầu ấy đã được chấp nhận. Hoàn Kiếm Vương Quy đã tuẫn tiết, lấy cái chết của mình để cứu rỗi tâm linh những người còn sống. Cách cởi nút này chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ kịch tính nhất.
1000 năm Bắc thuộc ta vẫn không mất nước bởi lẽ ta vẫn giữ được làng. Sở dĩ giữ được làng là vì ta đã giữ được lòng người. Cái gốc của văn hoá là tâm linh, phải thờ chữ tâm mới giữ được đạo chính. Đó cũng là điều mà "Vụ án con rùa" muốn gửi gắm đến khán giả. Phải mất một thời gian khá lâu vở kịch mới chính thức được đưa ra công diễn vì nhiều khía cạnh tế nhị. Song, với cách đề cập vấn đề, hình tượng hóa, cởi nút (giải quyết vấn đề), chắc hẳn vở kịch sẽ nhận được sự cổ vũ, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo công chúng quan tâm và yêu mến bộ môn nghệ thuật này.
|