Tất cả đã thành… trường thi?
10:18' 13/06/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Bây giờ chỉ cần mở một tờ báo bất kỳ là thấy đâu đâu cũng có những cuộc thi. Tinh thần cạnh tranh của kinh doanh sản xuất đã lan tràn sang nhiều lĩnh vực khác, thành một tinh thần thi thố, thử sức, thử tài ở khắp nơi. Nhưng cũng đã có nhiều điều tiếng về những cuộc thi, trong đó có cả thi văn chương. 

Thi thì nhiều, người được giải càng nhiều, nhưng chất lượng của các cuộc thi, chất lượng giải thưởng hiếm khi tương xứng với số lượng.

Cho nên người ta sửng sốt khi mới đây Hội Nhà văn Việt Nam bổ sung một thủ tục mới vào quy chế xét giải thưởng hàng năm của Hội: ''Tất cả các tác phẩm được đề nghị vào diện sơ khảo và chung khảo nhất thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả''

Lập tức dư luận nhận thấy đó là cử chỉ đối phó với việc một nhà văn từ chối nhận giải thưởng cao quý của Hội Nhà văn VN, một giải thưởng mà nghe đâu có những hội viên thậm chí quyết liệt tìm cách đoạt được bằng mọi giá.

Nhưng chỉ để đối phó, BCH Hội Nhà văn VN đã biến giải thưởng thường niên thành một cuộc thi. Bằng chứng ư? Thì đấy, cái quy chế mới bổ sung nêu trên có khác gì một thủ tục bắt buộc đối với sĩ tử muốn vào trường thi? Phải có giấy tờ cam đoan thi thố, có ký tên hẳn hoi – một kiểu cách tình nguyện đồng ý mang giấy bút đến Hội Nhà văn VN mà thi.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, giải thưởng hàng năm của một hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn VN là sự biểu dương của BCH Hội đối với những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm. Trên tinh thần ấy, công việc của Hội là vẫn cứ khẳng định giá trị của một tác phẩm bất kỳ, ngay cả khi tác giả của nó không muốn nhận giải thưởng. Bởi vì tác phẩm một khi được xuất bản thì đã có đời sống xã hội riêng, đã tự động rơi vào tầm ngắm định giá của độc giả và của các hội văn học nghệ thuật. Trong tình trạng ấy, dù tác giả có viết giấy cam đoan tham gia giải thưởng hay không, tác phẩm vẫn không thể bị loại ra ngoài tầm định giá của Hội. Nói cách khác, Hội không thể dùng thủ tục hành chính để từ chối khẳng định giá trị của một tác phẩm có giá trị.

Hội từ chối khẳng định một giá trị, ở khía cạnh nào đó không chỉ là thiệt hại cho tác giả, cho công chúng, mà chính là sự thiệt hại cho uy tín và chức năng của BCH Hội.

Lại nhớ tới câu chuyện cổ về chiếc áo rách. Người ta tức khắc tìm một miếng vải to nhỏ bất kỳ, màu sắc bất kỳ, miễn là vá lên che được chỗ rách. Rách thì phải vá, tất nhiên, nhưng có một điều khác mà người vá áo đã quên rằng: ngay khi giật mình về tấm áo bị rách, cần lắng lại một lát, cân nhắc xem tình trạng của vết rách ấy thì có nên vá nữa, hay là một chiếc áo mới thực sự mới là giải pháp đúng đắn?

Trở lại việc một nhà văn không nhận giải thưởng của Hội, cần khẳng định rằng không phải vì vậy mà uy tín giải thưởng sẽ sa sút, sẽ bớt gây thèm ước. Đáng lẽ việc từ chối ấy phải có tác dụng tích cực: BCH sẽ cải tiến cách trao giải thưởng, sẽ không biến giải thành ''cuộc thi hàng năm'' với giải nhất, giải nhì, hoặc chia thành loại A, loại B như người ta chia loại nước mắm thời bao cấp. Tác phẩm được trao giải mặc nhiên đã là những tác phẩm xuất sắc của năm, là Books of the Year rồi. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Hội chỉ việc gửi thư báo tin cho người đoạt giải biết trước, khỏi lo phải đối phó với nhà văn từ chối… 

Phản ứng tích cực hơn, BCH sẽ xem lại nhân sự các hội đồng chuyên ngành như Hội đồng Văn xuôi, Hội đồng Thơ, đảm bảo cho thành viên của các hội đồng ấy phải là những nhà văn, nhà thơ ưu tú, mang nhiều phong cách, đại diện cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ ở lứa tuổi trên dưới bốn mươi, chủ lực của văn đàn hiện nay. Đáng lẽ BCH sẽ quyết tâm đổi mới cách thành lập Hội đồng Chung khảo: chỉ mời vào hội đồng chấm giải những nhà văn xuất sắc, thật sự chấp nhận được cái mới. Phaỉ đổi mới được đến như vậy thì mới hy vọng có một giải thưởng hàng năm được thẩm định đúng, có uy tín và có tác dụng đối với đời sống văn học đất nước.

Nhưng sự đối phó ''vá víu'' chắc sẽ vẫn chỉ bằng lòng với một hội đồng chấm giải thực chất là bản sao của BCH: lấy cái ''an toàn'' làm đầu, trong hội đồng sẽ thiếu những gương mặt nhà văn xuất sắc, mà chỉ đơn giản là những người hoặc thôi viết đã lâu, hoặc nghe tên mà tưởng là cây bút vừa xuất hiện, hoặc nhợt nhạt, cái mới trong mình chẳng có, làm sao nhìn ra được cái mới ở người khác. 

Chẳng lẽ bắt đầu từ năm 2003 này, Hội Nhà văn VN sẽ biến giải thưởng hàng năm thành một cuộc thi biến hình, một cuộc thi được ''thay đổi màu da'', để hòa nhập với ''trào lưu thi thố'' ở những lĩnh vực hàng hóa và không hàng hóa khác?

  • Nam Sơn

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ hội cho những người muốn tìm hiểu văn hoá Nga (13/06/2003)
Art Glass - băn khoăn tìm một hướng đi (12/06/2003)
Nhiều tỷ đồng chuẩn bị cho Lễ hội 100 năm du lịch Sa Pa (12/06/2003)
"Những cái nhất" của Điện ảnh thế giới (12/06/2003)
Nghệ nhân đàn ca tài tử: Khổ mấy cũng lạc quan (12/06/2003)
Đóng cửa CLB Văn học của Nhà văn hoá thanh niên TP.HCM (12/06/2003)
Trưng bày những kỷ vật quý hiếm của Elvis Presley (12/06/2003)
Lưới trời - thành công nhờ điển hình hoá đời sống thị trường (12/06/2003)
NSƯT Hồng Liên ra album đầu tiên ''Hương quê'' (12/06/2003)
NSND Trần Phương - Vị đạo diễn già làm phim cho giới trẻ (12/06/2003)
Kylie Minogue, Ngôi sao ca nhạc quyến rũ nhất thế giới (12/06/2003)
Đầu tư 173 tỷ đồng cho bảo tồn Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (12/06/2003)
Triển lãm "Đơn giản có ý thức" đến từ Đức (11/06/2003)
Khai thông thị trường sách (11/06/2003)
Nghệ sĩ guitar Nguyễn Thế An biểu diễn tại TP.HCM (11/06/2003)
Tro ve dau trang