Lưới trời - thành công nhờ điển hình hoá đời sống thị trường
11:34' 12/06/2003 (GMT+7)
Kim Khánh và Đào Bá Sơn trong Lưới trời.

(VietNamNet) - Tôi là người ít đến rạp, không phải vì không thích xem phim mà thường khi xem xong một bộ phim Việt Nam, những điều đọng lại trong tâm trí tôi không nhiều bởi sự dễ dãi của kịch bản lẫn đạo diễn. Tuy nhiên, Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn về năng lực của các nhà điện ảnh Việt Nam.

Chủ đề của Lưới trời cũng không có gì lạ: câu chuyện xoay quanh một vụ án kinh tế, đề tài mà báo chí và các nhà làm phim truyền hình vẫn thường xuyên khai thác từ hàng chục năm nay. Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: một tổ hợp may mặc do Khải Thanh làm giám đốc, có vài trăm công nhân ăn nên làm ra, đảm bảo đời sống cho người lao động, được lãnh đạo thành phố chọn làm điển hình tiên tiến, tạo điều kiện cho mở rộng không ngừng, thành lập Công ty rồi Tổng công ty Manaco với hơn 10 ngàn công nhân và kinh doanh với hàng chục ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, Manaco lớn lên không phải do năng lực tự thân mà chủ yếu bằng cách vay vốn ngân hàng, ngoài lãi suất theo thông lệ còn phải cộng thêm một khoản lệ phí "bất thành văn" lại quả cho các thế lực chính trị đang chi phối đời sống thương trường. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, Manaco có nguy cơ mất khả năng chi trả, thay vì bán bớt cổ phần để thu hồi vốn, Manaco buộc phải tiếp tục con đường vay vốn, duy trì sản xuất theo lệnh của Hai Phán, một cán bộ có thế lực ở Trung ương. Để tiếp tục rút tiền ngân hàng, Tư Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng CBF bật đèn xanh cho Manaco thành lập các công ty con để hợp thức hoá các hợp đồng tín dụng. Khi đã mất khả năng thanh toán, Manaco bị truy tố và đưa ra xét xử trước toà.

Bằng những lời thoại ngắn gọn, sống động, sát thực đời thường, thoát ly hẳn ngôn ngữ sân khấu, Lưới trời đã phác thảo nên chân dung của một tầng lớp doanh nhân và các quyền lực chính trị hoà quyện với nhau, câu kết với nhau mưu lợi. Họ là những trí thức đầy tham vọng về quyền lực và tiền bạc, rất hiểu nhau và tôn trọng nhau. Để đạt được mục tiêu cho cuộc chơi, mỗi người đều thi thố trí tuệ của mình trên một bàn cờ của đời sống kinh tế.

Lưới trời đã thoát ly hẳn một lối mòn mà các nhà viết kịch bản thường đi qua khi xây dựng hình tượng một ông giám đốc phạm tội đó là: Trình độ hạn chế, lộng hành - bồ bịch, nhậu nhẹt, thích em út phong bao, tha hoá - thua lỗ - tù tội.

Tư Lê, nhân vật chính của phim (Đào Bá Sơn đóng) là người có học vấn, con người của công việc, chưa bao giờ người ta thấy Tư Lê nhận tiền phong bì, chính vì vậy khi vụ án diễn ra, kể cả vợ con lẫn thuộc cấp đều tin rằng Tư Lê vô tội. Lời tố cáo của Năm Tân và Khải Thanh về những tội trạng do Tư Lê chủ mưu diễn ra vào phút chót của phiên toà nhưng chủ tọa phiên toà không đủ chứng cứ để buộc tội Tư Lê.

Trong phim cũng không xuất hiện cảnh Tư Lê đến vũ trường hay nhà hàng vui vẻ với em út. Mối tình của Tư Lê với Thảo Linh không chỉ thuần tuý "bồ bịch" mà còn có cả yếu tố tình yêu. Thảo Linh (Kim Khánh đóng) xinh đẹp, có bằng tiến sỹ luật, yêu và biết chiều chuộng Tư Lê, cô có nhiều phẩm chất vượt trội mà vợ Tư Lê không có.

Hai nhân vật lãnh án tử hình trong Lưới trời là Khải Thanh và Năm Tân được tác giả phác họa ít mưu mô hơn và họ đều chết vì háo danh. Khải Thanh chết vì khao khát được nổi tiếng, được trở thành gương điển hình tuổi trẻ lập nghiệp, một điển hình doanh nghiệp của Đông Nam Á. Năm Tân chết vì khao khát được trở thành Tổng giám đốc, người kế nhiệm Tư Lê. Trớ trêu thay, người kinh doanh sự háo danh của Năm Tân lại chính là Tư Lê. Tư Lê đang thế cưỡi lưng cọp khi biết rõ khả năng tài chính của Manaco.

Tư Lê thông minh, giỏi nghiệp vụ, chậm rãi bộc lộ tính cách qua từng hành vi. Tư Lê không "nịnh trên nạt dưới" như mô hình về một ông giám đốc của các kịch bản trước đây. Tư Lê khá đúng mực trong mọi hành vi ứng xử, ngay cả trong chuyện bồ bịch cũng tỏ rõ sự đàng hoàng của một tay chơi có đẳng cấp. Hành vi hám lợi của Tư Lê không tầm thường, không ở nhà to, không tậu xe đẹp, cũng không phải là hình mẫu giám đốc theo mô típ "khổ nhục kế". Tư Lê sống khá đàng hoàng như một ông Tổng giám đốc thu nhập chân chính bằng đồng lương trong cơ chế mở. Người xem chỉ có thể hiểu được bản chất con người thật của Tư Lê khi ở cuối bộ phim, thông qua lời thoại của Thảo Linh cho biết những tài khoản ở nước ngoài của Tư Lê đã bán đứt cho con trai của "anh Hai".

Mặc dù các cơ quan luật pháp và toà án đã làm việc hết sức mình, nhưng không chỉ Hai Phán mà cả Tư Lê đều vô can. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng nào có dễ dàng. Hai Phán chưa bị pháp luật sờ gáy. Và vẫn còn những nhân vật như Hai Phán tồn tại. Họ vẫn còn nhiều vùng tối để ẩn náu. Đó là những mầm bệnh của xã hội, một hiện thực mà Lưới trời đã vạch ra cho dư luận công chúng để có thái độ đấu tranh không khoan nhượng với dạng tội phạm này.

Tuy nhiên, hành vi chối tội của Tư Lê đã bị cô con gái đang tuổi học trò khinh ghét. Cắn rứt trước thái độ của cô con gái yêu, Tư Lê đã nung nấu việc tố cáo đến cùng sự chủ mưu của Hai Phán, khi chưa kịp hành động thì Hai Phán đã phải chết vì tai nạn ôtô đầy bí hiểm. Thoát khỏi lưới pháp luật nhưng không thoát nổi Lưới trời. Câu chuyện kết thúc nhưng vẫn còn hàng trăm câu hỏi bỏ ngỏ, đây cũng là điều dễ hiểu bởi dòng đời vẫn tiếp tục trôi và những thế lực ngầm câu kết với nhau mưu lợi vẫn là một câu chuyện dài kỳ của nền kinh tế mới bước vào cơ chế thị trường như ở Việt Nam. 110 phút nén chặt đầy sự kiện và thông tin kinh tế, xã hội, phim vẫn lôi cuốn, đảm bảo cho nhân vật làm chủ sự việc, không để sự việc nuốt nhân vật, đó là thành công lớn nhất của tác giả kịch bản có nghề và một đạo diễn tài năng. 

  • Phan Thế Hải
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
NSƯT Hồng Liên ra album đầu tiên ''Hương quê'' (12/06/2003)
NSND Trần Phương - Vị đạo diễn già làm phim cho giới trẻ (12/06/2003)
Kylie Minogue, Ngôi sao ca nhạc quyến rũ nhất thế giới (12/06/2003)
Đầu tư 173 tỷ đồng cho bảo tồn Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (12/06/2003)
Triển lãm "Đơn giản có ý thức" đến từ Đức (11/06/2003)
Khai thông thị trường sách (11/06/2003)
Nghệ sĩ guitar Nguyễn Thế An biểu diễn tại TP.HCM (11/06/2003)
''Bình yên'' trên đường ''tây hoá'' (11/06/2003)
Triển lãm ảnh "Di sản Mỹ thuật Việt Nam" (11/06/2003)
Lần đầu tiên, Việt Nam tham gia Cuộc thi Siêu mẫu Quốc tế (11/06/2003)
Ronan Keating hoàn thành chuyến đi vòng quanh Ireland (11/06/2003)
"Hiệp sĩ Thượng Hải", những "bí mật" hậu trường  (11/06/2003)
Ballet Việt Nam tới với công chúng Malaysia (10/06/2003)
Ngăn chặn việc khai thác trộm cổ vật tại Cù Lao Chàm (10/06/2003)
Vẫn còn họa sĩ làm tranh sơn mài (10/06/2003)
Tro ve dau trang