(VietNamNet) - Khoảng một thập niên trở lại đây, giá sách ghi trên bìa tăng đột biến, năm nào cũng tăng, đến nay mức giá bình quân đã tăng gấp 2-3 lần. Điều này dẫn đến một thực tế thật đáng buồn: người dân đang dần "quay lưng" lại với sách.
Giá sách cao - lượng người mua thấp
Với mặt bằng giá sách hiện nay, nhiều người lao động không bao giờ dám mơ ước đến chuyện được sở hữu một quyển sách dạng Cái trống thiếc 98.000 đồng/cuốn, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm 100.000 đồng/cuốn, Cuốn theo chiều gió 150.000 đồng/bộ, Tam quốc 175.000 đồng/bộ... Nhiều bộ tuyển tập, toàn tập, từ điển được bán từ nửa triệu đến cả hàng triệu đồng. Có bộ sách như Tổng tập văn hóa Việt Nam giá tới gần chục triệu đồng, bằng gần 50 tháng học bổng của một sinh viên đại học.
Giá như vậy, tự nhiên việc mua sách đối với sinh viên, người về hưu, trí thức nghèo trở thành xa xỉ. Người yêu sách nhiều khi phải thỏa mãn nhu cầu bằng cách vào thư viện, mua sách cũ, hoặc chờ vào sự biếu tặng.Người muốn đọc sách không ít, nhưng vì giá sách cao nên số người mua giảm nhiều so với trước, lượng người mua ít đi, nhất là người mua sách văn học, phần lớn là các tuyển tập, tổng tập rất dày, tỉ lệ thuận với số tiền sẽ phải bỏ ra.
Vào các cửa hàng sách lớn, khách hàng rất đông nhưng xem là chủ yếu. Họ tần ngần đứng ngắm nghía những bìa sách trang trí đẹp mắt lại ngậm ngùi đi ra tay không. Có người cần một số thông tin có trong sách đành tranh thủ đọc, cố nhớ trong đầu rồi mang về nhà chép lại. Đặc biệt là giới sinh viên, phần nhiều chỉ dám mua sách cũ. Nhiều "con mọt sách" đã phải dùng đến phương pháp đầu tư các ngày nghỉ hoặc lúc rảnh rỗi đến các hiệu sách lớn đọc... trộm cuốn này một ít, cuốn kia một ít, tất nhiên là phải thay đổi địa điểm để tránh sự chú ý, khó chịu của các nhân viên.
Sách đắt lên do nhiều nguyên nhân, từ giá giấy, công in rồi điện nước, vận chuyển, thuế các loại... tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá đâu có diễn ra thường xuyên, và nếu quy ra trang in thì mức tăng đó cũng không đáng kể.
Trong khi đó, giá sách cứ tăng, liên tục, vô tội vạ. Nguyên nhân chính là ở khâu phát hành. Giá bìa đề đằng sau mỗi cuốn sách chỉ là giá ảo, được đẩy lên so với giá thành thực tế. Thông thường giá thành một cuốn sách gồm các khoản sau: thuế 5%, công in tiền giấy 25%, tiền tác giả 10%; quản lý phí, do người làm sách nộp cho NXB, là 7%. Tổng cộng giá thực một cuốn sách khi xuất xưởng là khoảng 47% so với giá bìa. Còn lại, phí phát hành cho cuốn sách thấp nhất là 25%, bình thường 35-45%, đặc biệt có những cuốn sách từ 50-55%.
Trong cơ chế thị trường, ngành xuất bản diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị phát hành sách nhà nước và các đối tượng tư nhân làm sách đã đẩy phí phát hành lên cao mà không có sự kiểm soát. Vừa đứng ra tổ chức in, rồi phát hành, tư nhân có rất nhiều lợi thế với bộ máy gọn nhẹ, nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu người đọc, tiếp thị giỏi, thuế phải trả thấp, địa điểm mặt bằng linh hoạt. Trong khi đó các đơn vị Nhà nước phải trả lương cho cán bộ công nhân viên, bảo tồn vốn, trả tiền thuế, tiền thu nhà đất làm cửa hàng... cao.
Bình thường khi cùng phát hành một cuốn sách, chẳng hạn giá 1.000 đồng (ghi trên bìa), cả quốc doanh lẫn tư nhân được lấy sách với giá thanh toán 600 đồng (trừ phí phát hành 400 đồng). Các công ty phát hành sách Nhà nước vẫn phải bán giá 1.000 đồng, thì tư nhân có thể bán 800 đồng, lấy lời 20%. Trong trường hợp tư nhân liên kết thì trừ chi phí, họ vẫn có thể lãi 40-50%. Do vậy, người mua nhiều khi được trừ tới 30-40% giá khi mua sách ở vỉa hè, sách rong, cửa hàng nhỏ. Ví như giá bìa là 50.000 đồng, thì họ chỉ bán 40-42.000 đồng thậm chí là 35.000 đồng còn ở các cửa hàng sách, trung tâm sách sang trọng, đẹp đẽ thì khách không được bớt một đồng. Vì thế các siêu thị sách, cửa hàng sách tự chọn có máy lạnh mát rượi, cửa kính sáng choang, nhân viên trẻ đẹp vẫn không hấp dẫn được nhiều khách.
Những người làm sách tư nhân, những đầu nậu là người bao thầu, in ấn và phát hành sách. Các đầu nậu hoạt động đơn lẻ, gọn nhẹ, lời ít, lời nhiều gì cũng làm. Nhưng quan trọng hơn, họ có một chiêu thức đáng nể: in nối bản - gian dối số lượng in ấn. Thường khi hợp đồng liên kết với các NXB, họ chỉ xin số lượng xuất bản hạn chế, khoảng 800-1.500 bản. Nhưng thực tế khi in, họ in số lượng lớn hơn rất nhiều. Xin 800 bản họ in hẳn 2.000, xin 1.000 thì in tới 3-4.000 hoặc hơn nữa. Cho tới nay hiện tượng này vẫn không có cách gì kiểm soát nổi.
Trên thực tế, trong việc quản lý xuất bản ở nước ta không có một khung nào giới hạn cho việc định giá sách. Giá sách của các NXB cũng không đồng đều nhau. Trong sự lộn xộn về giá đó, các đầu nậu thường đẩy cao giá sách và khi bán cho các nhà sách, các thư viện, các đơn vị.... họ trừ mức phát hành phí thật cao, 45-50%, thậm chí 55%. Sách đắt như vậy không có nghĩa là không có người mua, có chăng chỉ hạn chế người mua, do đó mà số lượng sách ngày nay không thể in được nhiều. Trong khi đó giá công in số lượng càng nhiều thì càng rẻ. Sách đắt vẫn bán được với số lượng ít, bởi lẽ cuốn sách cần thì dù đắt mấy cũng phải mua, như sách công cụ, tư liệu tra cứu, sách văn học có giá trị... Nguồn tiêu thụ chính của loại sách đắt này là các thư viện.
Làm gì để hạ giá sách?
Để khuyến khích người dân mua sách thì giá sách phải hạ. Việc cần làm trước tiên là phải có định hướng về giá cả, có khung giá bán cho mỗi trang in. Cụ thể là một trang giấy trắng khổ in, bìa, ảnh giá phát hành là bao nhiêu, từ đó lấy bảng khung giá ấy nhân với số trang sẽ ra giá sách.
Việc định khung giá trang đối với sách không có gì quá phức tạp. Bởi vì giấy cũng chỉ có 3 loại: trắng, vàng, đen. In cũng có mấy loại khâu chỉ, kẹp ghim, bìa cứng, mềm, định lượng giấy, bìa. Khổ sách loại 13x13, 14,5x20,5; 13x27. Trên căn cứ của giá công in, giấy bìa này cộng với khoản phí phát hành thống nhất toàn quốc, cộng với quản lý phí nhà xuất bản, nhuận bút tác giả sẽ ra giá một cuốn sách tính theo trang. Việc khảo sát để tính toán phí phát hành cho hợp lý cũng cần phải tính đến như ở các thành phố lớn. Mức này chỉ nên ở 10-15%, mức 25-30% chỉ nên áp dụng cho các tỉnh vùng sâu vùng xa. Các NXB, nhà in, nhà phát hành sách cần có sự bàn bạc, thống nhất tìm ra tiếng nói chung để giảm phí phát hành xuống.
Giá sách của chúng ta đang bị thả nổi, vì thế cũng rất cần kiểm soát lượng in. Với những sách bán chạy những người làm sách tư nhân hoặc đối tác liên doanh đã nối bản in lậu tới vài lần mà không thanh toán tiền bản quyền cho các tác giả cũng như quản lý phí cho NXB, cũng như không đưa phần hưởng lời này vào việc giảm giá sách. Vì thế khai thông thị trường sách, hạ giá sách trước hết vì quyền lợi của đông đảo người đọc, sau đó là quyền lợi của NXB và của chính các tác giả là việc làm tối cần thiết.
· Việt Hà
|