Vị trí nào cho tượng đài Quyết tử quân Hà Nội?
17:18' 10/06/2003 (GMT+7)

Sở Văn hóa – thông tin Hà Nội đã lên kế hoạch thay thế tượng đài Quyết tử quân Hà Nội ở phố Đinh Tiên Hoàng bằng một tượng đài khác có giá trị thẩm mỹ cao hơn. Tuy nhiên, kế hoạch này đang đứng trước những khó khăn cả về cách tạo hình cũng như vị trí đặt tượng.

"Quyết tử" thay cho "cảm tử" 

Trong cuộc tọa đàm Về ý tưởng lịch sử, văn học, nghệ thuật xây dựng tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh tổ chức ngày 6/6, tên gọi của tượng đài được thống nhất với bảy chữ: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, khác với khẩu hiệu Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh khắc tại tượng đài cũ. Đây là khẩu hiệu lấy từ bức điện của Hồ Chủ tịch gửi các chiến sĩ tự vệ Hà Nội trong những ngày đầu cầm súng năm 1946:... Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh... (trích). Bà Nguyễn Thị Bích Thuận – nguyên đại tá quân đội, người làm nhiệm vụ mã hóa bức điện của Hồ Chủ tịch khi đó – đã xác nhận tính chính xác của khẩu hiệu này.

Chiến sĩ quyết tử sẽ đứng cạnh... vua Lý Thái Tổ?

GS. Vũ Khiêu tán thành ý định của Sở Văn hóa thông tin Hà Nội: đặt tượng đài tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (khu vực đài phun nước dưới chân dốc Lương Văn Can) với lý do: đây là cửa ngõ dẫn vào Liên khu I (khu vực phố cổ Hà Nội) - trọng điểm của những trận chiến đấu trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Trong khi đó, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (Hội kiến trúc Việt Nam) băn khoăn: vị trí đặt tượng như vậy sẽ gây cản trở giao thông quanh trục đường Lý Thái Tổ.

Những cựu Quyết tử quân Hà Nội có mặt trong buổi tọa đàm cũng không tán thành vị trí này. Ông Lê Trung Toản – nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu I, chính ủy Trung đoàn thủ đô - khẳng định: Năm 1946, tại đây không hề diễn ra một trận đánh cụ thể nào của các chiến sĩ tự vệ Hà Nội. Theo ông Toản, tượng đài cần được đặt tại khu vực vườn hoa Chí Linh cũ (nay là vườn hoa Indira Gandhi). Cùng với chợ Đồng Xuân, đây là một trong hai điểm chính diễn ra những trận đánh ác liệt bảo vệ thủ đô với sự hy sinh của nhiều chiến sĩ tự vệ.

Tuy nhiên, theo kế hoạch trước đó của Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, vườn hoa Indira Gandhi đã được chọn là địa điểm đặt tượng vua Lý Thái Tổ. Vì vậy, việc đặt tượng đài những chiến sĩ Quyết tử quân Hà Nội tại đây là điều khó xảy ra.

Cũng theo ý kiến của những cựu Quyết tử quân Hà Nội, tượng đài Quyết tử quân Hà Nội cần khắc họa đủ thành phần "nam phụ lão ấu" tham gia bảo vệ thủ đô khi đó: những em bé đánh giày, nhạc sĩ nghiệp dư, người bán hàng rong, cô gái làng hoa Ngọc Hà. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đỗ Bảo - Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Hà Nội, cho rằng: cách tạo hình như vậy sẽ đòi hỏi một khoảng không gian lớn và không đạt hiệu quả thẩm mỹ cao...

Bức xúc trước những rắc rối quanh vị trí đặt tượng đài, kiến trúc sư Ngô Huy Giao đã lên tiếng vào cuối buổi tọa đàm: Đề nghị Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội có quy hoạch sơ bộ về những vị trí sẽ đặt tượng đài trong kế hoạch kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nếu có những điều kiện rõ ràng như vậy, các nhà điêu khắc và kiến trúc sư mới có thể hình dung công việc và phát huy sự sáng tạo của mình.

(Theo NTNN)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Diễn viên ra Bắc, đạo diễn vào Nam (10/06/2003)
Việt Nam kỳ vọng đoạt giải nhất (10/06/2003)
Những gương mặt triển vọng của kịch nói TP HCM (10/06/2003)
Có phải Mỹ Linh "đánh bóng tên tuổi"? (10/06/2003)
Đánh thanh tra văn hoá ngay giữa công đường (10/06/2003)
Học sinh gốc Việt đoạt giải thưởng âm nhạc tại Đức (10/06/2003)
Sẽ có mức phí bản quyền âm nhạc rất cụ thể (10/06/2003)
Anggun trở lại Indonesia (10/06/2003)
NSND Đình Quang: "Tôi chưa thất vọng với thực tại của sân khấu nước nhà" (09/06/2003)
''Tính sắp đặt vẫn có trong lễ hội dân gian'' (09/06/2003)
Biên đạo trẻ, một phần của nghệ thuật múa trong tương lai (09/06/2003)
"Đào tạo diễn viên như một hoạt động công ích vì tương lai" (09/06/2003)
RKelly hầu toà (08/06/2003)
Vĩnh biệt kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (07/06/2003)
Phản ứng xung quanh vấn đề biểu phí bản quyền âm nhạc (07/06/2003)
Tro ve dau trang