|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN. |
(VietNamNet) - Gần 300 triệu là số tiền mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cả hai chi nhánh Hà Nội, TP.HCM đã thu được và công bố trong lễ sinh nhật một năm được tổ chức tại Hà Nội (3/6) và TP. HCM (6/6) vừa qua. Cùng với lễ kỷ niệm, hội thảo mang tên "Thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc" đã được tổ chức. Nhiều điều mới mẻ đã được thể hiện trong bản dự thảo về những hạn mức thu phí sử dụng tác phẩm trong biểu diễn, in ấn, phát hành...
Theo bản dự thảo này, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ thu phí sử dụng âm nhạc dựa trên những cơ sở đặc điểm riêng của mỗi lĩnh vực. Với lĩnh vực biểu diễn âm nhạc, cơ sở để tính phí sử dụng là tổng số buổi diễn trong năm, tổng số ghế ngồi, mục đích buổi biểu diễn và giá vé bán ra. Đối với những đơn vị nghệ thuật có số buổi biểu diễn một năm trên 180 buổi, số tiền phí sử dụng âm nhạc sẽ là 3% doanh thu buổi diễn, dưới 180 buổi là 4% và đối với những đơn vị không biểu diễn thường xuyên, số tiền này sẽ được tính 5%.
Một lĩnh vực được hầu hết các đối tượng nhạc sĩ quan tâm là xuất bản sách, băng đĩa nhạc Audio và Video cũng được bản dự thảo đề cập tới. Hiện nay, NXB Giáo dục đã phát hành sách giáo khoa cho học sinh lớp 1,2,6,7 bao gồm những bài học và tác phẩm âm nhạc. Theo dự thảo, 12% - 15% giá bản lẻ số lượng phát hành sách nhạc sẽ là khoản thu phí sử dụng. Đối với băng âm thanh có sử dụng âm nhạc, dựa trên số lượng phát hành và giá bản lẻ, Trung tâm sẽ thu phí sử dụng 5% giá bán lẻ số lượng phát hành.
Đối tượng dùng "chùa" các tác phẩm âm nhạc thoải mái và khó quản lý nhất trong thời gian qua đã được bản dự thảo "sờ gáy" với những dự định tính phí rất chi tiết. Bất cứ nhà hàng, khách sạn nào có hình thức biểu diễn ca nhạc (dù thường xuyên hay không) cũng sẽ phải thanh toán một chi phí nhất định được tính dựa theo số lượng buổi biểu diễn, thời lượng chương trình, kể cả diện tích, trang thiết bị nội thất và mức độ phong phú của đồ ăn, thức uống. Với đối tượng này, phí bản quyền sẽ là 10% thù lao suất diễn của ca sĩ.
Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ Karaoke với số lượng lớn trên cả nước sẽ là đối tượng mang tới số tiền bản quyền nhiều nhất cho các nhạc sĩ nếu tính theo dự thảo. Tùy vào mức độ đầu tư (được chia làm 4 loại phòng: Phòng lớn hạng nhất, phòng nhỏ hạng nhất, phòng hạng hai và phòng hạng ba), mỗi ngày, một phòng sẽ phải trả từ 4000đ - 15.000 đồng (mỗi tháng thu 20 ngày) cho việc sử dụng các bài hát có trong danh sách bài, đĩa hát mà mình sử dụng. Việc xếp loại sang hay bình thường của những phòng này sẽ được dựa trên nội thất, địa điểm kinh doanh...
Dù chỉ mới nằm trên dự thảo và đang trong thời gian nhận những ý kiến của các đối tượng có liên quan nhưng những gì mà Trung tâm đề cập tới đã phần nào thể hiện những tín hiệu khá lạc quan và đáng khích lệ. Gần 300 triệu đồng thu được là số tiền ít ỏi nhưng đã thể hiện sự cố gắng trong suốt một năm qua với đội ngũ các nhạc sĩ của Trung tâm.
Với sự nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm cũng như cách thức thực hiện hoạt động bản quyền âm nhạc với các nước trên thế giới và những tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời trên thế giới (CISAC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hội nhạc sĩ và Hiệp hội quyền tác giả âm nhạc Đan Mạch - KODA, Hiệp hội quyền tác giả âm nhạc Nhật Bản (JASRAC), Dự án Hỗ trợ triển khai hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (STAR)...trong thời gian tới, số nhạc sĩ và nhà thơ làm lời cho các bài hát chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở con số 360 như hiện nay. Sự điều chỉnh kịp thời bản dự thảo trên cho phù hợp với thực tế sẽ là nền tảng vững chắc để các nhạc sĩ yên tâm ký kết hợp đồng với Trung tâm để thai nghén và chăm lo cho những đứa con tinh thần của mình.
|