NSND Đình Quang: "Tôi chưa thất vọng với thực tại của sân khấu nước nhà"
15:34' 09/06/2003 (GMT+7)
NSND Đình Quang.

Cho dù lâu nay người ta nói thế này thế kia về sân khấu nước nhà, cho dù ai đó đã gào lên rằng sân khấu đang xuống dốc, đang đứng bên bờ vực thẳm, hay đang bị khán giả quay lưng, thì đạo diễn, NSND, GS-TS Đình Quang vẫn hào sảng nói rằng, ông không hề thất vọng. 

- Có một thực tế rành rành là sân khấu đang vắng người xem, nhà hát thưa thớt các đêm diễn, khán giả xem chừng không còn mấy nhu cầu đến rạp xem vở diễn và các vở diễn cũng không còn gây sốt cho khán giả. Liệu những điều đó không phải đang phản ánh một thực trạng đáng lo ngại cho nền sân khấu nước ta hay sao?

- Tôi không thất vọng về tình hình phát triển sân khấu trong nước vì tôi quá rõ những điều đó. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận những vấn đề bi quan ấy bằng cách nhìn biện chứng chứ không phải cứ thấy khó khăn một chút là gào to lên rằng sân khấu đang chết. Rõ ràng tình hình sân khấu hiện nay đang đe dọa sâu sắc những ai kém lòng tin: không có những vở diễn mang tư tưởng lớn. Đội ngũ đạo diễn trẻ rất mỏng và chưa thực tài. Đội ngũ tác giả lại càng vắng bóng. Bước sang cơ chế thị trường, một lớp khán giả có lẽ quá lo toan đến làm ăn, bị hút vào các phương tiện thông tin đại chúng, người ta chỉ muốn tiếp thu ngay thông tin hoặc cập nhật hoặc nằm dài ở nhà xem phim truyện, lười biếng suy nghĩ, no đủ giả tạo về các thông tin nghệ thuật, tốc độ sống gấp gáp không làm cho người ta đủ kiên nhẫn bước vào nhà hát để thư giãn, rồi sự lôi kéo ghê gớm của phim truyền hình nhiều tập... Cái gọi là thánh đường của sân khấu đang dần mất đi, thay vào đó là những vở diễn cù cười nhảm nhí, giải trí tầm phào, nông cạn...  Tất cả những điều đó đang làm cho hoạt động sân khấu nửa như bế tắc, chơi vơi, nửa như bị khán giả bỏ rơi. Lỗi thuộc cả về những người làm sân khấu và thuộc cả về sự tha hóa thẩm mỹ của một bộ phận khán giả. Nhưng chắc chắn qua cơn loáng choáng này, mọi chuyện sẽ khác thôi. Con người vốn có khả năng tự vệ, đến một lúc nào đó, sau khi đã nhàm chán với những thứ văn hóa nhảm nhí, người ta bắt đầu tĩnh tại, tìm đến một hoạt động văn hóa cao hơn. Khi ấy, người ta bắt đầu có nhu cầu hòa vào cộng đồng, nhu cầu cần có mặt ở nhà hát, ở các điểm diễn để tìm xem những điều nghiêm túc của nghệ thuật, khi ấy, sân khấu lại bừng sáng. Và phải nói thẳng ra rằng, nếu tôi không quá lạc quan thì cũng không còn lâu nữa.

- Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông song hành với toàn bộ lịch sử phát triển của ngành sân khấu nước nhà từ sau Cách mạng tháng Tám. Một chặng đường 50 năm ấy của sân khấu nước ta như đời một con người, có vui buồn, có thăng hoa, có sút giảm, ông có thể khái quát lại nó để có được một cách nhìn toàn cảnh?

- Tôi muốn có cái nhìn đầy đủ về lịch sử sân khấu nước nhà. Giai đoạn đầu tiên là vào thời triều Nguyễn, chính Vua Tự Đức, Minh Mạng đã đưa tuồng vào cung đình, nhờ thế mới xuất hiện nên một Đào Tấn. Hình thức tuồng ngày đó nhằm phục vụ cho chế độ sinh ra nó: Trung quân ái quốc - Chúa sáng tôi hiền. Còn chèo, vốn đã hình thành từ thời Lý thì theo tiêu chí: Tứ đức tam tòng - Công dung ngôn hạnh. Đến thời Pháp thuộc, nước ta mới xuất hiện hình thức kịch nói và vở kịch nói đầu tiên có tên là "Chén thuốc độc" được các trí thức yêu sân khấu có năng khiếu dàn dựng, biểu diễn tại Hà Nội năm 1951. Cải lương cũng vào thời kỳ này mới thực sự định hình từ bài "Dạ cổ hoài lang" của ông Sáu Lầu sau đó ca ra bộ thì mới ra hình thức sân khấu cải lương. Cũng từ trong sinh hoạt dân gian và nhu cầu tự thân của đời sống, trước Cách mạng tháng Tám lại xuất hiện một loạt các loại hình sân khấu mới mẻ khác: bài chòi khu 5, ca Huế, ví dặm Nghệ Tĩnh.

Sau Cách mạng thành công, sân khấu thuộc về sự quản lý của Nhà nước với sự xuất hiện các nhà hát và khi đó sân khấu, cụ thể là bộ môn kịch nói đã trở thành hình thái hoạt động chuyên nghiệp, có trường đào tạo,có một đội ngũ đạo diễn, diễn viên, tác giả, có phương pháp luận chính quy và dần dần, bằng nhu cầu của cách mạng và đòi hỏi của công chúng, hàng loạt đoàn nghệ thuật ra đời.

Nhưng sân khấu đương đại Việt Nam có lẽ huy hoàng nhất là vào thời kỳ những năm 1985-1995. Đó là thời kỳ gặp nhau đến đỉnh cao giữa vở diễn và khán giả. Đó cũng là thời kỳ sinh ra một loạt tên tuổi tác giả, đạo diễn, diễn viên mà đến hôm nay vẫn không ai quên: Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang, Xuân Trình, Đoàn Anh Thắng, Phạm Thị Thành, Xuân Huyền... Và tên tuổi của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã trở thành một hiện tượng sân khấu, một tên tuổi mà sau này có lẽ khó, rất khó có ai sánh bằng. Tôi còn nhớ, năm 1985, các đoàn nghệ thuật ở Hà nội mang vào Sài gòn những vở diễn lớn: Nhân danh công lý, Mùa hè ở biển, Nhân chứng và lịch sử, Đỉnh cao mơ ước, Tôi và chúng ta, Hà Mi của tôi... và báo chỉ ở TP.HCM khi đó đã viết rằng, những vở diễn đó như những cỗ xe tăng tiến vào Sài Gòn. Những vở diễn làm chấn động cả Sài gòn, nức lòng công chúng và vị trí sân khấu khi đó vụt sáng rực rỡ hơn bao giờ hết.

- Tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp các tỉnh miền Trung vừa rồi, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám khảo, qua những vở diễn đã xem, ông có tiếp tục hy vọng vào sự phát triển của sân khấu nước nhà?

- Lại càng hy vọng. Bằng vào các vở diễn tại Liên hoan, thấy được sức sáng tạo, sự nồng nàn cảm xúc, và tinh thần vì nghề nghiệp của anh chị em, nhìn mà cảm động. Hy vọng nữa là đang xuất hiện một lớp diễn viên trẻ, tài năng không kém các liền anh liền chị, và chính điều này càng khẳng định sân khấu nước nhà vẫn tiếp tục chuyển động.

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Tính sắp đặt vẫn có trong lễ hội dân gian'' (09/06/2003)
Biên đạo trẻ, một phần của nghệ thuật múa trong tương lai (09/06/2003)
"Đào tạo diễn viên như một hoạt động công ích vì tương lai" (09/06/2003)
RKelly hầu toà (08/06/2003)
Vĩnh biệt kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (07/06/2003)
Phản ứng xung quanh vấn đề biểu phí bản quyền âm nhạc (07/06/2003)
Người mẫu: Ai cho em ngày mai? (07/06/2003)
Nhạc sĩ Quốc Bảo: ''Tôi không phải ông bầu'' (07/06/2003)
Tờ Mật - làng văn hóa cồng chiêng của Gia Lai (07/06/2003)
VTV bài hát tôi yêu lần 2: Sẽ bớt eo xèo? (07/06/2003)
TP.HCM có Hãng phim tư nhân thứ hai (06/06/2003)
Người mẫu sẽ thiệt thòi hơn khi tự quản lý mình? (06/06/2003)
Schwarzenegger định làm chính trị (06/06/2003)
"Sáng tác phải trung thực với bản thân" (06/06/2003)
Kênh truyền hình A&E làm phim về Hillary Clinton (15/06/2003)
Tro ve dau trang