(VietNamNet) - Đó là lời khẳng định của nhà phê bình mĩ thuật Lê Quốc Bảo và giáo sư, hoạ sĩ Trần Huy Oánh - Phó Tổng thư kí, Chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Mĩ thuật Việt Nam tại buổi họp báo khai mạc cuộc triển lãm sắp đặt ''Ngày thứ sáu'', tại 16 Ngô Quyền Hà Nội.
|
Sars - tác phẩm của Trang Thanh Hiền |
Sắp đặt có hàm ý đưa một không gian vào hội hoạ hai chiều cổ điển. Hoạ sĩ làm sắp đặt là những người cố gắng đưa hội hoạ vượt ra ngoài cánh cửa thị giác. Về ý nghĩa, con người sống trong không gian và thời gian như một thói quen sinh tồn, và các hoạ sĩ sắp đặt sẽ tổ chức không gian mới. Trong không gian được tổ chức lại ấy, những thành tố hội hoạ sẽ trò chuyện cùng người thưởng ngoạn bằng một ngôn ngữ riêng, điều đó có thể giúp con người hoà đồng, tự tìm cho chính mình một chiều kích mới, tự phát hiện ra những ngụ ý thâm trầm của một không gian riêng nằm trong không gian sống của mình. Về bản chất, các hoạ sĩ sắp đặt là người phải chiếm lĩnh được không gian, tìm ra một chiều kích sống mới cho không gian. Họ thường sử dụng những chất liệu vốn có trong đời sống, tổ chức lại thành một ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp.
''Ngày thứ sáu'' là những tác phẩm của Câu lạc bộ hoạ sĩ trẻ, hình thành từ trại sáng tác Đại Lải do
|
Buổi sáng ở Đại Lải - tác phẩm của Phạm Bình Chương |
Hội Mĩ thuật tổ chức. Cái quan trọng nhất đối với một tác phẩm nghệ thuật, dù ở loại hình nào, có lẽ là ý tưởng. Điều đó đặc biệt đúng với những tác phẩm theo thể loại sắp đặt. Chúng ta hãy nghe hoạ sĩ Phạm Bình Chương - tác giả của ''Buổi sáng ở Đại Lải'', tác phẩm độc đáo nhất, tâm sự:
''Khi tham gia trại sáng tác Đại Lải, như mọi người, tôi rất hồ hởi và phấn chấn, công việc sáng tác cũng bắt đầu từ ngày đầu tiên. Song cảm hứng chưa đến, và sự bế tắc bắt đầu. Đội mũ, đeo kính xong, tôi chỉ còn biết đi dọc theo bờ hồ và chụp những đợt sóng yếu ớt trong thời tiết nóng khủng khiếp đầu hè. Bãi tắm không một bóng người... Khi đi ra ngoài khu sáng tác, tôi bắt gặp một đám người kì lạ đang đi bộ về phía mình, một đám người đen vàng từ đầu tới chân, không giầy dép mũ nón, đi từ từ, thong thả. Ảo giác chăng? Không phải, họ là con người bằng xương bằng thịt. À, thì ra là bộ đội đặc công đóng doanh trại ngay đây. Họ đang luyện tập. Tôi ghi ngay lại hình ảnh đám người đó, và khi về nhà đem kết hợp với hình ảnh toàn cảnh Đại Lải...''.
Ý tưởng có thể nảy sinh một cách độc đáo như ở Phạm Bình Chương, song cũng có thể là kết quả của một suy ngẫm kỹ càng, hình thức biểu hiện đầy ngụ ý, như tác phẩm chung '' Sars - Côn trùng'' của Trang Thanh Hiền và Lê Ngọc Huyền. Tác phẩm chung trên gây ấn tượng với hai chữ thập đen - vàng chiếm lĩnh toàn bộ không gian triển lãm.
Trên nền chữ thập đen, Trang Thanh Hiền dán những chiếc khẩu trang có những hoạ tiết trang trí đủ kiểu. Chị cho biết: ''Cho dù thế giới ngày một hiện đại hơn, nhưng các căn bệnh thì có thể ập xuống đầu ta bất cứ lúc nào. Sinh mệnh con người cũng mỏng manh như những chiếc khẩu trang rất ''thời trang''. Chúng không chỉ đơn thuần là sự phòng chống Sars hiện tại, mà còn là hình ảnh của một xã hội đang ngày càng trở nên ô nhiễm hơn trên nhiều phương diện''.
Còn trên nền chữ thập tương phản - màu vàng, Lê Ngọc Huyền treo hàng loạt túi chất dẻo chứa nước và những hình côn trùng đồ chơi sặc sỡ. Chị quan niệm: ''Những sinh vật thật được thay thế bằng những côn trùng đồ chơi có thể phản ánh một phần cho ý tưởng về sự thu hẹp môi trường thiên nhiên và công nghiệp hoá. Những con côn trùng này đã từng gắn bó với tuổi thơ chúng tôi, trẻ em bây giờ chỉ được chơi với chúng qua những con vật nhựa. Khi môi trường thiên nhiên thay đổi thì cuộc sống cũng sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ khác nhau. Với hình ảnh của hai chữ thập đen - vàng và bằng những thước vải xô, chúng tôi muốn tạo nên một sự đối ứng lẫn nhau giữa những khía cạnh của cuộc sống hiện tại hôm nay''.
Ngoài hai tác phẩm đáng nêu nhất ở trên, ''Ngày thứ sáu'' còn có ''Động - Tĩnh'' của Nguyễn Xuân Long, ''Cái tổ'' của Nguyễn Đình Quang và ''Những kẻ rác rưởi'' của Nguyễn Chí Nguyện. Tuy nhiên ba tác phẩm này không mới về cả ý tưởng lẫn ngôn ngữ biểu hiện.
Hoạ sĩ Trần Huy Oánh cho biết, triển lãm sắp đặt tuy không mới trên thế giới, nhưng còn lạ lẫm ở nước ta. Mọi thứ, mọi vật, mọi ý tưởng, trừ những gì độc hại, đều đẹp. Các lễ hội dân gian của chúng ta vẫn tồn tại những yếu tố sắp đặt, tuy nhiên chưa ai có ý thức khai thác nó từ trước đến nay. Ông Oánh cho biết thêm, ở nước ngoài, lĩnh vực này luôn được tài trợ bởi doanh nghiệp và cả nhà nước. Thậm chí nhiều bảo tàng vẫn mua những tác phẩm sắp đặt. Tiếc rằng ở ta vẫn chưa có điều này. Và ông Oánh hy vọng, những cuộc triển lãm như thế này sẽ dần dần giúp công chúng quen với một hình thức hội hoạ mới, đóng góp cho sự phát triển chung của mĩ thuật hiện đại.
|