Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, cây đại thụ của nền kiến trúc Việt Nam, được biết đến với công trình Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình hoàn thành chỉ trong một ngày đêm. Ông đã ra đi ở tuổi 83 sau nhiều cống hiến cho nền kiến trúc nước nhà.
|
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. |
GS, KTS Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15/5/1920 tại một làng quê nghèo xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nho học yêu nước. Năm 1938, tốt nghiệp trung học ông thi đỗ vào Khoa Kiến trúc, Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, một trường nổi tiếng thời bấy giờ ở Hà Nội. Trong thời gian này, ông đã gặp và được các nhà hoạt động cách mạng của Ðảng như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Ðình Long giác ngộ và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1941, ông dũng cảm viết bài trên báo Sinh viên, phê phán quan điểm nghệ thuật tư sản của một số văn nghệ sĩ đương thời và bày tỏ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, vì nền văn hóa dân tộc, cổ động sinh viên trí thức trở về với bản sắc truyền thống.
Giáo sư Ngô Huy Quỳnh bước vào nghề kiến trúc khá sớm. Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ ba, ông đã thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều công trình nhà ở, biệt thự tại các phố Nguyễn Du, Cao Ðạt (Hà Nội), ở Nam Ðịnh, Ðình Bảng (Bắc Ninh)... Trong sáng tác, ông đã gửi gắm vào đó cái hồn dân tộc qua từng đường cong của mái nhà, từng nét trang trí họa tiết, bố cục không gian, tổ chức sân vườn mang phong cách Á Ðông, mà ngôi nhà số 84 phố Nguyễn Du là tiêu biểu. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp, trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc.
Năm 1945, khởi nghĩa Tháng Tám, ông được Ðảng cử tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Ðịnh. Cách mạng thành công, ngày 1/9 năm ấy, KTS Ngô Huy Quỳnh đã vinh dự được giao thiết kế và chỉ đạo lắp đặt Lễ đài Ðộc lập tại Quảng trường Ba Ðình. Với tài năng và sự nỗ lực vượt bậc, ông và các cộng sự hoàn thành công trình nổi tiếng này chỉ trong một ngày đêm. Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 10 năm đó, KTS Ngô Huy Quỳnh trở thành đảng viên của Ðảng ta.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc, và tham gia công tác xây dựng cơ bản. Năm 1947, ông đã cùng các KTS Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp sáng lập Ðoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. Trong thời gian từ năm 1946 đến 1951, dù hoàn cảnh kháng chiến rất khó khăn, nhưng ông vẫn thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình phục vụ Ðảng và Chính phủ như: khu nhà ở và hội trường Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 5, khu phục vụ Ðại hội lần thứ II của Ðảng... Năm 1951, KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những cán bộ đầu tiên được Ðảng và Bác Hồ gửi sang Liên Xô tiếp tục học tập. Năm 1955, trở về nước, ông làm việc tại Bộ Kiến trúc (tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay) và trực tiếp chủ trì lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Tiểu khu nhà ở Kim Liên, điểm dân cư mới - do ông thiết kế, lần đầu được xây dựng tại thủ đô, có thể coi là cái mốc khởi đầu trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng nhà ở của ngành xây dựng Việt Nam.
Năm 1961, ông được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp Chính phủ Lào thiết kế, quy hoạch và chỉ đạo xây dựng thành phố Khang Khay ở cánh đồng Chum. Sau đó, ông về nước tiếp tục đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của ngành cho đến khi về hưu như: Ủy viên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Vụ trưởng Quy hoạch đô thị - nông thôn, Cố vấn Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Ông còn là Ủy viên thường vụ, Bí thư Ðảng đoàn Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc và tham gia giảng dạy tại các trường ÐH Kiến trúc, ÐH Xây dựng. Ông đã tham gia chỉ đạo thiết kế nhiều công trình lớn tiêu biểu như Quy hoạch Khu trung tâm Hà Nội. Trụ sở Quốc hội và đi sâu nghiên cứu lý luận kiến trúc. Năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư. Là người có kiến thức sâu rộng, ông đã viết hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu bàn về tính dân tộc trong kiến trúc, về thiết kế và quản lý đô thị nông thôn. Nhiều cuốn sách của ông đã ra đời làm giàu thêm tủ sách lý luận kiến trúc Việt Nam vốn còn ít ỏi. Ðặc biệt, bộ sách "Lịch sử Kiến trúc Việt Nam" mà ông rất tâm huyết đã được giới khoa học xã hội và kiến trúc đánh giá cao, là cuốn sách gối đầu giường của sinh viên các trường kiến trúc. Với bộ sách này, GS, KTS Ngô Huy Quỳnh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Cuộc đời hoạt động của GS, KTS Ngô Huy Quỳnh thật phong phú trên nhiều lĩnh vực. Ở con người ông, không thể tách bạch đâu là nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý. Tất cả những phẩm chất ấy đã hòa quyện trong ông, tạo nên một nhân cách, một tấm gương sống động cho các kiến trúc sư hôm nay noi theo.
Với những cống hiến của mình cho đất nước, ông đã vinh dự được thưởng Huân chương Ðộc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào.
GS, KTS Ngô Huy Quỳnh không còn nữa. Ông ra đi ở tuổi 83, để lại cho gia đình, và tất cả chúng tôi niềm tiếc thương vô hạn. Vĩnh biệt Giáo sư, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, giới kiến trúc sư Việt Nam vô cùng thương tiếc một nhà lý luận uyên thâm, một cây đại thụ của nền kiến trúc đương đại.
(Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam)
|