Người mẫu: Ai cho em ngày mai?
15:05' 07/06/2003 (GMT+7)
 

(VietNamNet) - TP.Hải Phòng, bỗng nhiên được mệnh danh là cái "lò" luyện thi hoa hậu sau khi có một số người đẹp đăng quang từ các cuộc thi nhan sắc, đây cũng là nơi có nhiều người mẫu đẹp tương đương cấp "trung ương" mà giá biểu diễn lại rẻ "giật mình". Nếu có dịp, quý vị hãy thử dành vài chục phút đến những tụ điểm cafe ca nhạc hay ở thành phố Cảng này đi.

Nếu chỉ để nhìn, sẽ thích mắt, còn nếu cộng với nhìn là suy nghĩ, sẽ thấy chạnh lòng thay cho những cô gái đứng trên cái bục bé xíu và chẳng dài mấy kia, vì các cô ấy vừa cách đây ít lâu đã giành được những danh hiệu rất cao, vậy mà lúc quý vị đang ngồi đó, họ mặc những bộ đồ hở hang không biết gọi là gì và sau mỗi buổi diễn cầm về 50.000đ!

50.000đ đối với một cô sinh viên từ quê ra học nội trú là một số tiền không nhỏ, có thể trả tiền cơm bụi cho cả tuần. Và nếu cứ đều đều tuần 3 buổi, số tiền cô ấy thu được từ việc mặc, quay, đi và đánh phấn cũng có thể trang trải được học phí cho cả năm. Nhưng 50.000đ với một số người mẫu "có điều kiện", đây cũng chỉ góp vào "phí ngoại giao" khi cô mời bạn bè đến quán cô diễn để xem "cho vui"!  Một số người mẫu "may mắn" được các "bầu thời trang" gọi đi Hà Nội hay vào Sài Gòn diễn, giá trung bình từ 200.000đ đến 500.000đ là quá "xuân", lại được dịp đi chơi và tranh thủ chụp vài tấm hình kỷ niệm.

Hải Phòng chỉ là một trong những thành phố có hoạt động về thời trang được đánh giá là khá "xôm tụ" trong vài năm vừa qua bên cạnh TP.HCM, Hà Nội... Năm nào ở đây cũng có người đẹp dành thứ hạng cao trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu, hoa hậu... Mỗi dịp như thế, Cung Văn hoá hay Nhà Văn hoá Thanh niên lại tổ chức một chương trình để các người mẫu, nhà thiết kế, nhà may của thành phố có dịp gặp gỡ, giao lưu và biểu diễn thời trang. Và sau đó gần như im ắng hoàn toàn cho đến khi phải tổ chức một vài tiết mục cho chương trình truyền hình trực tiếp đêm giao thừa, lúc đó, họ lại có mặt. Chỉ thế thôi! Nếu muốn được gặp những người mẫu, không đâu khác ngoài những quán cafe, bar và sàn nhảy.

Nhưng địa điểm nổi cộm và phức tạp nhất để bàn về chuyện làm "nghề" của người mẫu là TP.HCM chứ không phải cái "lò" kia tính cả về số lượng người mẫu, tạp chí về thời trang, viện mẫu thời trang và các chuyên gia làm đẹp phục vụ người mẫu. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật có thời trang nhiều, vì thế, các người mẫu có cơ hội biểu diễn thường xuyên hơn. Nhóm thời trang Hoa Học Đường vài ba năm trở lại đây rất nổi tiếng vì thường xuyên có nhiều người đẹp tham gia, nhiều nhóm người mẫu có thể chia nhỏ ra đi diễn vài show một tối và tiền cát sê cũng tạm ổn. Một số người mẫu được yêu thích lại thường xuyên có dịp ra nước ngoài theo chân những nhà thiết kế nổi tiếng. Nhờ xuất hiện thường xuyên nên người mẫu TP.HCM lại rất thường được chọn vào các clip quảng cáo sản phẩm độc quyền cho các công ty. Tiền cát sê cho mỗi hợp đồng quảng cáo độc quyền như vậy có thể "chấp" cả vài năm các cô đứng trên sân khấu biểu diễn thời trang.

Trong hội nghị ngày 5/6 tại Hà Nội, với đại diện của rất nhiều các bộ, ngành có liên quan, ông Nguyễn Xuân Thắng (Tổng Thư ký UNESCO) cho rằng: "Phải phân biệt sự khác nhau giữa hai khái niệm "người mẫu" và "người mẫu thời trang". Một số tham gia quảng cáo như doanh nhân, diễn viên điện ảnh hoặc cầu thủ bóng đá nhưng không thể gọi là người mẫu thời trang...". Và một việc cũng theo ông Thắng là cần phải xác định quản lý hoạt động của người mẫu là quản lý về nghề nghiệp hay về tư cách đạo đức của họ?

Vậy, nếu chú trọng đến việc quản lý về tư cách đạo đức thì chắc chắn không phải chỉ nghề người mẫu mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết. Điều quan trọng là sẽ quản lý tư cách đạo đức bằng cách nào đây?

Nhà văn Lê Lựu thì lại nghĩ rằng: "Phải làm sao để họ đừng ăn mặc hở rốn, hở đùi...". Điều này lại không phải lỗi của các người mẫu mất rồi! Họ ăn mặc thế nào không phải quyền quyết định của họ mà do chính những nhà thiết kế thời trang. Nhưng nếu "đổ" cho nhà thiết kế lại càng khó hơn, nhất là khi chúng ta đang khuyến khích phát triển một ngành thời trang "còn non trẻ" theo hướng hiện đại và hội nhập. Mà đã hiện đại và hội nhập thì dường như khó tránh khỏi hở...một số thứ được!

Bàn về cách quản lý người mẫu như thế nào thật đáng cần thiết, nhưng cái quan trọng nhất là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý đội ngũ này cuối cùng vẫn chẳng thể... ngã ngũ. Đại diện của Bộ Giáo dục & Đào tạo - ông Nguyễn Đình Mạnh cho rằng Bộ này gần như không can hệ đến hoạt động của người mẫu thời trang do số học sinh, sinh viên tham gia trình diễn thời trang khá nhiều. Mà trình diễn thời trang lại là hoạt động nghệ thuật nên trách nhiệm quản lý phải thuộc về Bộ VHTT...!

Và đây là ý kiến của bà Đỗ Kim Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Văn hoá Thông tin cơ sở): "Hoạt động của người mẫu thời trang gắn liền với ngành công nghiệp tạo mốt và chủ yếu mang tính thương mại. Do đó, Bộ Công nghiệp và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm quản lý đội ngũ này...".

Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, tìm kiếm người mẫu từ trước tới nay đều được cấp phép bởi Cục Văn hoá Thông tin cơ sở, Bộ VHTT. Vậy theo những gì mà bà Thịnh đã nói, liệu có nên giao luôn việc cấp phép tổ chức những hoạt động văn hoá này cho Bộ Công nghiệp và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam...?!

Nơi đứng ra tự nguyện xin được nhận trách nhiệm quản lý không phải là một cơ quan chức năng nào mà lại là đại diện... Công ty Elite Việt Nam - bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc điều hành. Bà Nga thay mặt Công ty tỏ ý muốn Elite được đứng ra quản lý bằng cách được cấp thẻ và giấy phép hành nghề trong lĩnh vực này. Bà Nga cũng có đề cập đến việc một số người mẫu có mặt trong những sex tour nhưng đó chắc chắn không phải là những người mẫu chuyên nghiệp. Có thể, bà Nga cũng quên mất rằng, khái niệm chuyên nghiệp và nghiệp dư đối với các người mẫu Việt Nam hiện nay đang là một bài toán chưa có lời giải!

Liệu có thể tìm ra được một phương cách quản lý hiệu quả nếu không cơ quan nào muốn nhận trách nhiệm về mình và  nhìn nhận về nghề người mẫu với những khía cạnh tiêu cực nhiều hơn tích cực? Liệu đây có phải là lý do chính trong việc những người mẫu hoạt động tự do và đôi lúc quá thiệt thòi như phía trên bài đề cập ngày càng nhiều? Thiết nghĩ, tất cả phải bắt đầu từ một đơn vị chủ quản, đơn vị ấy sẽ là nơi định hướng, dẫn dắt, lên tiếng và bảo vệ quyền lợi cho những người làm nghề người mẫu chân chính. Sau đó mới có thể đề cập tới chuyện chuyên nghiệp hoá hay không?

Đến khi nào người mẫu mới được chấp nhận là một nghề và việc quản lý những người đã, đang và sẽ là người mẫu sẽ không còn là sự đùn đẩy trách nhiệm hay chỉ được mang ra những bàn tròn?

  • Hoàng Nhật Mai

TIN LIÊN QUAN

Người mẫu sẽ thiệt thòi hơn khi tự quản lý mình?

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhạc sĩ Quốc Bảo: ''Tôi không phải ông bầu'' (07/06/2003)
Tờ Mật - làng văn hóa cồng chiêng của Gia Lai (07/06/2003)
VTV bài hát tôi yêu lần 2: Sẽ bớt eo xèo? (07/06/2003)
TP.HCM có Hãng phim tư nhân thứ hai (06/06/2003)
Người mẫu sẽ thiệt thòi hơn khi tự quản lý mình? (06/06/2003)
Schwarzenegger định làm chính trị (06/06/2003)
"Sáng tác phải trung thực với bản thân" (06/06/2003)
Kênh truyền hình A&E làm phim về Hillary Clinton (15/06/2003)
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam ra mắt "Vũ khúc mùa Hè" (06/06/2003)
Các phòng trà TP.HCM "cầm cự" sống (06/06/2003)
Nguyễn Thị Minh Ngọc đang tìm "Người đàn ông thất lạc" (06/06/2003)
Trò chuyện với người dựng nhà rông trên đất Hà Nội (06/06/2003)
Chương trình biểu diễn Piano độc đáo tại Seoul (06/06/2003)
Kiên quyết xóa tận gốc nạn “hát nhép” trên sân khấu ca nhạc (03/11/2003)
Tác giả ca khúc "Tình đồng chí" qua đời (06/06/2003)
Tro ve dau trang