|
Áp phích phim ''Mê thảo'' trong gian hàng Điện ảnh Phương Nam. |
Nữ đạo diễn điện ảnh Việt Linh sống ở Pháp nhưng vẫn thường xuyên về Việt Nam để làm phim. Ở nước ngoài mỗi khi được nghe xướng danh phim Việt Nam, đạo diễn Việt Nam là chị đều thấy rất ''sướng''. Chị cho biết vì cái ''sướng'' đó sẵn sàng ''cực'' cho đến khi hết tiền đi lại hoặc bị điện ảnh Việt Nam từ chối.
- Xin chị cho biết ''Mê Thảo'' có mặt ở chương trình nào ở LHP Cannes vừa rồi?
- Để hỗ trợ các nền điện ảnh nhỏ và ''báo cáo thành tích'', lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Pháp cùng Tổ chức Francophonie mở gian hàng ''Điện ảnh Phương Nam'', chọn giới thiệu một số phim do họ tài trợ ở Chợ phim quốc tế - một chương trình bên lề LHP.
- Trong nước có ý kiến khác nhau về ''Mê Thảo'' nhưng ra nước ngoài lại được chú ý, theo chị vì sao?
- Trước câu hỏi tương tự, đạo diễn Zhang-Ke (TQ) đã nói: ''Có lẽ họ tìm thấy ở phim tôi một văn hóa khác và sự chân thành''. Cảm nhận của tôi cũng gần như thế dù không dám tự đặt ngang hàng với Zhang-Ke. Nhưng nếu gọi là chú ý thì có lẽ trong nước Mê Thảo được ''chú ý'' hơn.
- Điều khiến chị tiếc nuối nhất sau khi làm xong ''Mê Thảo''?
- Tôi gọi đó là những bài học. Điện ảnh luôn thôi miên và thôi thúc tôi, do đó người làm phim như tôi luôn cảm thấy chưa thỏa mãn.
- Thực chất các LHP quốc tế mà Việt Nam tham dự ở thứ hạng nào? Theo chị, có nhất thiết phải giành giải tại các LHP mới là phim giá trị?
- Đã có người khẳng định điện ảnh Việt Nam chỉ tham dự các LHP loại B. Vâng, thậm chí C, D... Điều ấy hiển nhiên thôi. Ngay bóng đá được cả xã hội nâng niu cũng đã đâu có đẳng cấp gì ở châu lục chứ chưa nói đến tầm thế giới. Giải thưởng LHP tất nhiên không phải là tất cả nhưng nếu nó vô nghĩa thì các LHP đã không tồn tại.
- Chị có sẵn sàng đổi cách làm phim theo hướng thương mại để thu hút khán giả VN?
- Tôi mong muốn và sẵn sàng làm mọi thứ để thu hút khán giả, trừ việc đánh mất mình. Sáng tác là trung thực với bản thân, tôi chỉ cố tốt hơn chứ không thể khác, giống như không thể biến trà ra càphê. Cả hai thứ đều là hương vị để con người chọn lựa.
- Theo chị điện ảnh VN cần hướng tới công chúng nào?
- Một lần sang Paris, xem phim Hàn Quốc đoạt giải Cannes, nhà văn Nguyên Ngọc đã thích thú khi biết thêm một điện ảnh Hàn Quốc khác, không giống phim Hàn Quốc ở VN. Nghệ thuật đa dạng, thị hiếu đa dạng, từng nghệ sĩ có mối quan tâm và có "tạng" khác nhau... Thiết nghĩ khoanh khép đối tượng chỉ làm mỏng văn hóa, đánh mất sự hồn nhiên sáng tác.
- Chị thích phong cách đạo diễn Việt Nam nào? Vì sao điện ảnh Việt Nam chưa có một thế hệ đạo diễn nổi lên như làn sóng mới?
- Tôi thích thú phong cách của nhiều đạo diễn nhưng ít thấy "giật mình". Cảm giác này lóe lên khi xem "Vũ khúc con cò" - phim đầu tay, còn lổn nhổn nhưng lấp lánh táo bạo. Cái mới nào cũng mang khiếm khuyết, nếu cứ đem chuẩn "hoàn hảo" ra đánh giá sẽ nhụt chí sáng tạo. Điện ảnh Việt Nam quá khuôn thước, lớp trẻ thiếu điều kiện lẫn động cơ thể nghiệm.
- Liệu phim VN có cơ may nào ở Cannes trong một tương lai gần?
- Cannes ưa thích sự sắc sảo. Suốt 16 năm, Pháp không có giải cao, Mỹ cũng bảy năm mới được, lại không phải phim lớn. Trừ khi bất cần nó, Cannes như thế với ta vừa viển vông vừa khả thi: ''Cuốc xe đêm'' của Bùi Thạc Chuyên đã từng đoạt giải phim ngắn cho các tác giả trẻ ở Cannes, không ít tư duy lạ như ''Chuột'' của Vũ Ngọc Đãng... Rất tiếc những tiềm năng như thế vẫn ở ngoài điện ảnh...
(Theo Lao Động) |