|
Thiếu nữ Tây Nguyên múa hát trong lễ khai trương ''Ngôi nhà rông Ba-Na'' tại HN. |
(VietNamNet) - Sau 71 ngày làm việc miệt mài, 29 người thợ đến từ làng Kon Rbàng (xã Vinh Quang, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã dựng hoàn thành ''Ngôi nhà rông người Ba-Na'' tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN). Trong lễ khai trương ngôi nhà rông sáng ngày 4/6, phóng viên VietNamNet đã tìm gặp ông A Phor - Người chịu trách nhiệm chính trong việc cất dựng Ngôi nhà rông này.
- Nhà rông đối với người Ba-Na có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Suốt bao đời nay, nhà rông vô cùng quan trọng đối với người Ba-Na chúng tôi và nhiều dân tộc anh em khác ở Tây Nguyên. Đó là nơi chúng tôi tổ chức những lễ hội, những cuộc liên hoan, hội họp, nơi tiếp khách quý. Nhà rông còn là nơi nam thanh niên ngủ đêm, nơi truyền nghề đan lát hay luyện tập chơi nhạc cụ cổ truyền dân tộc, nơi trai tráng tập hợp để bảo vệ làng, xét xử những vụ vi phạm luật tục cũng ở đó... Nhà rông là biểu tượng của tính kiêu hãnh và sự hùng dũng của đàn ông Ba-Na trong đời sống dân tộc mình. Nhà rông của làng Kon Rbàng chúng tôi có từ khoảng năm 1926 - 1929.
- Được biết, ngôi nhà rông dựng ở BTDTHVN hoàn thiện chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Để dựng một ngôi nhà rông ở làng Kon Rbàng thì mất khoảng bao lâu?
- Ở bản làng Kon Rbàng chúng tôi, để làm một ngôi nhà rông thì phải mất 2 năm chuẩn bị. Còn thời gian để đục, đẽo và dựng mất khoảng 6 tháng. Điều đặc biệt là có khi cả làng cùng chung vai ghé sức làm và không theo giờ giấc cụ thể nào. Ngôi nhà rông dựng ở BTDTHVN tuy được hoàn thiện trong thời gian ngắn nhưng tôi xin khẳng định là chất lượng của nó không kém gì so với những ngôi nhà rông ở làng Kon Rbàng.
- Ông có suy nghĩ gì khi hình ảnh nhà rông của làng Kon Rbàng có mặt ở Hà Nội?
- Chúng tôi cảm thấy vinh dự và tự hào vì ngôi nhà rông mái cao chót vót của làng mình đã vươn lên giữa trời thủ đô Hà Nội, để cho đồng bào 54 dân tộc anh em và bạn bè quốc tế được chiêm ngưỡng một kiến trúc độc đáo đến từ Tây Nguyên. Chúng tôi - những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên xin gửi lại BTDTHVN, gửi lại bà con Thủ đô ngôi nhà rông này cùng với những giọt mồ hôi đã thấm đượm trên các cây cột, cây rui, cây mè, trên từng tấm phên cỏ gianh trong những tháng qua. Vài hôm nữa, giã từ BTDTHVN, tạm biệt thủ đô Hà Nội và trở về với quê hương, với gia đình mình, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể quên những niềm vui, nỗi buồn trong thời gian dài làm nhà rông tại Hà Nội.
Lịch sử nhà rông: Trong xã hội truyền thống của nhiều dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên, nhà rông là ngôi nhà công cộng của từng làng, làng lớn có thể làm 2 nhà rông. Từ khoảng giữa thế kỷ XX về sau, do chiến tranh và những biến động mạnh mẽ về xã hội, kinh tế, văn hoá, môi trường, nên nhà rông ở Tây Nguyên đã mai một và mất đi nhiều. Hầu hết nhà rông hiện có ở Tây Nguyên đều mới dựng gần đây; chỉ còn thấy nhà rông làng Kon Rbàng giữ được những dấu vết hồi nửa đầu thế kỷ trước. Nay thường gặp những ngôi nhà rông nhỏ bé và thấp hơn xưa, làm không công phu bằng nhà rông xưa, thậm chí có những làng vắng bóng nhà rông. Đồng thời, xu hướng ''hiện đại hoá" nhà rông trở nên phổ biến, với việc dùng một số loại vật liệu công nghiệp, như: tôn, gạch hoa, xi-măng ... Nhiều nơi, nhà rông đơn thuần trở thành trụ sở kiểu mới của thôn/làng, một địa điểm có tính hành chính. Mấy năm nay, ở tỉnh Kon Tum đã dấy lên phong trào khôi phục nhà rông. |
|