|
Một cảnh trong phim ''Lưới trời''. |
Các nhà điện ảnh phía Bắc vừa ngồi lại với nhau trong một cuộc hội thảo có tên Nâng cao chất lượng sáng tác điện ảnh do Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức. Hội thảo diễn ra khá buồn tẻ, không có những ý kiến tranh luận, những phản ứng gay gắt hay những lời lẽ đao to búa lớn mà các nhà làm phim từng phát biểu đâu đó. Bởi thực trạng ngành điện ảnh như thế nào thì ai cũng thấy quá rõ, nhưng chữa trị căn bệnh nào trước thì các nhà làm phim đang hết sức lúng túng.
Trong số các tham luận tại hội thảo, đáng chú ý có ý kiến của nhà biên kịch Thái Kế Toại - Giám đốc Điện ảnh CAND bàn về nhân vật trung tâm của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Ông Toại cho rằng: ''Những nhân vật đương đại trong các phim truyện những năm gần đây phản ánh được hiện thực xã hội trên các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực, nhưng còn sơ lược, yếu ớt, chưa đủ sức chống lại cái ác... Có một thời chúng ta vẫn dùng khái niệm ''con người mới''. Khái niệm này không sai, nhưng dễ gây ngộ nhận nhất thời, không bao quát hết những yêu cầu về nhân vật trung tâm hôm nay''. Theo ông, nguyên do văn học nghệ thuật của ta nói chung cũng như điện ảnh nói riêng đang ở giai đoạn khủng hoảng về nhân vật trung tâm trên các mặt lý luận, chỉ đạo định hướng và hoạt động sáng tạo.
Không biết có phải bộ phim Lưới trời đã vắt kiệt sinh lực của đạo diễn Phi Tiến Sơn, hay nỗi buồn khi nhìn thấy bức tranh xám xịt của ngành điện ảnh nước nhà làm ông phải thốt lên: ''Thế hệ chúng tôi bắt đầu mệt mỏi. Thái độ uể oải sẽ dẫn đến chất lượng điện ảnh đi xuống, sau chúng tôi không có thế hệ kế tiếp. Hãng phim truyện có khoảng 10 đạo diễn làm phim trung bình trở lên, những người làm phim hay thì 2 năm mới làm phim một lần vì họ có lòng tự trọng. Họ không thể ''chường mặt'' ra, năm nào cũng nhận phim ''tranh phần'' người khác!''.
Bên lề cuộc hội thảo, các đạo diễn đều cho rằng, ngành điện ảnh còn ''cào bằng'' thì điện ảnh còn thụt lùi. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng nếu cứ tiếp tục trả thù lao, nhuận bút với mức giá ''đồng hạng'' thì có được phim hay chỉ là ''ăn may''. Không ai dám mạo hiểm làm phim cầu kỳ vì dự toán mỗi bộ phim như nhau, làm dở tức là chọn diễn viên loại 3, loại 4, dựng cảnh sơ sài, quay thật nhanh.. đoàn làm phim sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí hơn những bộ phim làm kỹ. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn phàn nàn: ''Nếu không quay cảnh chiếc máy bay trực thăng trong phim ''Vua bãi rác'', thì những người trong đoàn làm phim đút túi được vài triệu đồng, nhưng họ tôn trọng sự sáng tạo của tôi, và quyết tâm chơi đến cùng với đạo diễn. Nhưng sẽ nảy sinh một vấn đề, có thể những phim sau họ sẽ không cộng tác với tôi nữa vì làm những bộ phim ''ăn sẵn'' họ sẽ có tiền tiêu''.
Nữ đạo diễn Nhuệ Giang nhận xét: ''Điện ảnh hiện nay hoàn toàn ''ăn may''. May ra có phim nào đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế thì cùng mừng với nhau thôi. Đừng hy vọng sự ''ăn may'' ở các liên hoan phim lớn mãi''. Theo đạo diễn Nhuệ Giang, ''ngành điện ảnh phải bàn và đặt ra mục tiêu phấn đấu có được những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao. Gần đây điện ảnh một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đã lọt vào các Liên hoan phim Venise, Cannes. Sự thành công của các bộ phim này là sự tìm tòi và cách tân về nghệ thuật. Nếu chúng ta không đầu tư cho những tác phẩm ''đỉnh'' thì chúng ta sẽ thua kém điện ảnh các nước trong khu vực''.
(Theo Thanh Niên) |